Vang vọng hào khí 300 ngày đêm tập kết ra Bắc
Ba trăm ngày đêm - một hành trình không dài, nhưng đủ để làm nên dấu ấn lịch sử, nơi những người con miền Nam lên đường tập kết ra Bắc, góp phần viết nên khúc khải hoàn cho ngày toàn thắng của dân tộc.
Tối 16/5, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn, Bình Định) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm ngày hoàn thành việc chuyển quân tập kết ra Bắc của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tại Quy Nhơn (16/5/1955 - 16/5/2025).

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ.
300 ngày đêm chuyển quân với trọng trách lịch sử
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Với vị trí chiến lược đặc biệt, là cửa ngõ nối liền Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cảng Quy Nhơn đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là một trong những điểm chính trong kế hoạch tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954.
Trong suốt 300 ngày lịch sử ấy, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Liên khu ủy Khu V, Đảng bộ và nhân dân Bình Định đã nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt qua muôn vàn gian khó để đón tiếp, hỗ trợ và tiễn đưa hơn 20.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh từ các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ra Bắc, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng hồ sơ, kỷ vật cho thân nhân cán bộ, chiến sĩ tập kết ra Bắc và làm nhiệm vụ "đi B" trong kháng chiến chống Mỹ.
Ngày 16/5/1955, chuyến tàu cuối cùng rời Cảng Quy Nhơn, khép lại hành trình chuyển quân tập kết. Biển trời Quy Nhơn xanh ngắt như tiễn đưa những người con yêu dấu của quê hương, đánh dấu một trang sử vàng mà Đảng bộ và Nhân dân Bình Định đã hoàn thành trọn vẹn trọng trách mà lịch sử giao phó.
Tuy thời gian không dài nhưng đây là thời điểm vô cùng quan trọng, vì không chỉ đơn thuần là tập kết các lực lượng ra miền Bắc mà còn là thời gian để tranh thủ chuẩn bị cho Đảng bộ và Nhân dân các tỉnh Liên khu V nói chung và Bình Định nói riêng bước vào giai đoạn đấu tranh cách mạng mới.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chia sẻ: "Sự kiện 300 ngày tập kết không chỉ là một cuộc chuyển quân để bảo đảm tuân thủ Hiệp định Giơnevơ, mà còn là tầm nhìn kế hoạch dài hạn của Trung ương Đảng và Bác Hồ trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, để vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và tái thiết đất nước sau chiến tranh.
"Đó còn là bài học vô giá về ‘ý Đảng, lòng dân’, là biểu tượng sáng ngời của tinh thần đại đoàn kết và khẳng định chân lý: ‘Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi’," Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Khúc khải hoàn vang vọng mãi
Tại buổi lễ, Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định đã đạt được trong suốt chặng đường lịch sử.

"Cảng Quy Nhơn – Địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc (1954 – 1955)" được công nhận là Di tích quốc gia.
Đồng thời đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định cùng các địa phương thuộc Liên khu V tiếp tục tăng cường hợp tác, gắn kết chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa. Đồng thời cần thực hiện tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", bằng những hoạt động thiết thực như thăm hỏi, tri ân, tôn vinh các gia đình chính sách, thân nhân cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh tập kết ra Bắc.
"Tỉnh Bình Định cần tiếp tục quan tâm, phát huy giá trị lịch sử của di tích ‘Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc’, nơi ghi dấu ấn lịch sử của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Bởi đây là nơi lưu giữ ký ức một thời hào hùng của quân và dân Liên khu V, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ và thực hiện hoàn thành," Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh.

Các cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn tham dự tại sự kiện.
Ngoài ra, Trưởng Ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cũng lưu ý Bình Định cần quán triệt và triển khai nghiêm túc các chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đặc biệt, chủ trương hợp nhất tỉnh mở ra cơ hội lớn để hình thành một trung tâm mới về công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa của cả khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao tặng 25 hồ sơ, kỷ vật cho thân nhân cán bộ, chiến sĩ tập kết ra Bắc và làm nhiệm vụ "đi B" trong kháng chiến chống Mỹ. Đồng thời, chương trình còn diễn ra nghi thức trao Bằng Di tích quốc gia cho "Cảng Quy Nhơn - Địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc (1954 - 1955)".