Vang vọng khúc ca hạnh phúc

Nhiều nhà phê bình đã khẳng định, cội nguồn tạo nên sức hấp dẫn, giá trị thơ Nguyễn Hồng Vinh chính là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa chất đời và men thơ.

Những nỗ lực tìm tòi, đổi mới của nhà thơ luôn dựa trên nền tảng vững chắc của cảm xúc mãnh liệt, từ trải nghiệm cuộc đời phong phú; chính nhờ đó, mỗi sáng tác của ông luôn giàu năng lượng, tươi mới và không lặp lại chính mình.

Trong bài thơ “Ngày mai”, nhà thơ đã viết nên bài ca thấm đượm nhân văn về hạnh phúc của những người diêm dân từng một nắng hai sương với bao nhọc nhằn, gian khó, nhưng tâm hồn luôn ngập tràn tình yêu cuộc sống, yêu lao động và niềm tin mãnh liệt vào ngày mai tươi sáng.

 Ảnh: T.L

Ảnh: T.L

Ngày mai

Nóng như đốt cả trời

Nhựa mặt đường tan chảy

Gió, mây phải trốn bay

Cỏ như chờ bùng cháy!

Giữa đồi muối ngút ngàn

Hơi mặn cay xè mắt

Em vẫn như con thoi

Muối đầy xe cút kít

Nắng xối xiên nón lá

Da rát bỏng sạm đen

Găng tay, khăn trùm mặt

Chẳng giúp gì hỡi em!

Dù sao, phải ơn Trời

Nhờ nắng mà muối trắng

Muối ùn ùn từng đống

Ánh mồ hôi diêm dân!

Gian nan vì mưu sinh

Giữa vòng tròn mưa – nắng

Ngọt ngào pha cay đắng

Tình ta bền tháng năm

Đời luôn hé mầm vui

Đêm hội hát tối nay

Anh cùng em có mặt

Song ca bài NGÀY MAI!

Ngày mai xe nối dài

Chở muối đi khắp ngả

Bữa cơm tối mọi nhà

Tiếng cười vang xóm, ngõ!...

Nguyễn Hồng Vinh

Mở đầu bài thơ là những phác họa ấn tượng về không gian lao động nghiệt ngã của người diêm dân. Bằng những nét vẽ tài hoa, thiên nhiên khắc nghiệt đã được ông diễn tả sự tột cùng của cái nóng mùa hè: “Nóng như đốt cả trời/Nhựa mặt đường tan chảy/Gió, mây phải trốn bay/Cỏ như chờ bùng cháy!”. Cái nắng nóng như thiêu, như đốt giữa biển trời vời vợi, không gió, không mây đã thực sự lay động tâm hồn người đọc. Thủ pháp điểm xuyết của hội họa cổ điển được vận dụng rất “đắt” trong trường hợp này.

Đặt nhân vật trữ tình, người phụ nữ trẻ vào trung tâm của bức tranh, đã tạo điểm nhấn nghệ thuật đặc sắc: “Giữa đồi muối ngút ngàn/Hơi mặn cay xè mắt/Em vẫn như con thoi/Muối đầy xe cút kít”. Hình ảnh “hơi mặn cay xè mắt” đã khắc họa đầy đủ nỗi gian nan, vất vả của những người làm muối trên “cánh đồng trời” chỉ có nắng và nắng. Đó là hơi mặn của biển hay là hơi mặn của những nhọc nhằn, đắng đót? Hình ảnh em như “con thoi” vun vén nhọc nhằn thành quả với những xe cút kít chất ngất muối trắng là dấu “chấm than” đầy xúc cảm, làm bừng sáng không gian lao động hằng ngày!

Với mỗi diêm dân, nỗi vất vả như thế tưởng đã đến tận cùng. Nhưng không, với một người phụ nữ đang tuổi thanh xuân, khó khăn ấy còn nhân lên gấp bội. Nhà thơ thật tinh tế khi đồng cảm với những tiếng lòng sâu kín ấy: “Nắng xối xiên nón lá/Da rát bỏng sạm đen/Găng tay, khăn trùm mặt/Chẳng giúp gì hỡi em!”. Vất vả mấy “em” cũng chịu đựng được, nhưng chứng kiến làn da thiếu nữ cứ sạm đen đi giữa nắng cháy thì “anh” có lẽ nào vô tâm ngồi yên trong căn nhà quạt mát? Sự từng trải đến độ và trái tim yêu thương của lứa đôi sâu nặng, đã làm cho chi tiết nghệ thuật bỗng lung linh nguồn sáng nhân văn.

Nhưng thật oái oăm, cái nắng nóng như thiêu, như đốt ấy, lại chính là điều mong đợi của người diêm dân; bởi không có nắng thì làm sao có muối: “Dù sao, phải ơn Trời/Nhờ nắng mà muối trắng/Muối ùn ùn từng đống/Ánh mồ hôi diêm dân!”. Đây chính “điểm nổ” thẩm mỹ của tứ thơ độc đáo ấy.

Những ngày trời nắng như đổ lửa vừa là tận cùng của gian nan, vất vả, nhưng cũng chính là niềm ngóng đợi của những người lao động. Đó cũng là “lằn ranh” quyết định sự lựa chọn, là phép thử của khát vọng vươn đến hạnh phúc của những người diêm dân. Ai đó đã nói, tài năng của người nghệ sĩ sáng tạo là đặt nhân vật của mình vào tình huống nghệ thuật cụ thể và xử lý tình huống ấy để làm bật lên tâm lý, tính cách của nhân vật, và để chuyển tải những thông điệp thẩm mỹ.

Và ở chính cái điểm “ngặt nghèo” của sáng tạo ấy, không phải ai cũng xử lý thành công. Trong trường hợp này, nhà thơ đã rất “bản lĩnh” khi đảm bảo tính chặt chẽ của cấu tứ, làm cho dòng chảy cảm xúc thẩm mỹ tự nhiên, không hề tạo cảm giác sắp đặt, gượng ép.

Khi sự khắc nghiệt của đất trời chạm vào những tâm tư thầm kín trong trái tim người con gái là lúc những nghĩ suy về hiện tại và tương lai vang lên: “Gian nan vì mưu sinh/Giữa vòng tròn mưa - nắng/Ngọt ngào pha cay đắng/Tình ta bền tháng năm”. Người con gái ấy biết rõ về những khó khăn trong sự lựa chọn của mình.

Điểm tựa cuối cùng níu bước chân cô gắn bó với miền quê muối trắng, chính là mối tình chung thủy với “anh”. Hình ảnh thơ thật đẹp, gợi suy tưởng phong phú về những vòng tròn “mưa” - “nắng”, “ngọt ngào” - “đắng cay”; và “anh” với “em” hợp lại, chính là tâm của những vòng tròn ấy, để cuộc sống luôn vững vàng giữa ào ạt bão giông.

Thiên nhiên và cuộc đời luôn có những quy luật đặc biệt của riêng mình. Bởi vậy, những bông hoa đẹp nhất sẽ bung nở khi trời nắng nóng nhất; và những sắc màu rực rỡ nhất của hạnh phúc sẽ đơm hoa từ tận cùng cay đắng, nhọc nhằn.

Sức mạnh để người con gái ấy bền bỉ, hăng say vun trồng trên đồng muối mặn chát gian nan, chính là sự chờ đợi, niềm hy vọng vào hạt mầm hạnh phúc do chính tay em đã gieo ươm: “Đời luôn hé mầm vui/Đêm hội hát tối nay/Anh cùng em có mặt/Song ca bài NGÀY MAI!”.

Thế mới thấm, sức mạnh của tình yêu, niềm tin và hy vọng sẽ giúp con người vượt qua mọi cách ngăn, trở ngại. Những giọt mồ hôi mặn chát dưới ánh mặt trời sẽ được tan biến trong ánh sáng diệu kỳ của tình yêu lứa đôi trong đêm hát hội.

 Ảnh: T.L

Ảnh: T.L

Chiều sâu nhân văn và tầm vóc tư tưởng của bài thơ kết tinh ở khổ cuối. Tình yêu đôi lứa là sức mạnh để nhân vật trữ tình vượt qua nỗi vất vả thường nhật; nhưng tình yêu cuộc sống, tình yêu con người mới là ngọn nguồn của tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động.

Trong bài hát “Ngày mai” của lứa đôi, ánh lên niềm hạnh phúc sáng trong vô ngần: “Ngày mai xe nối dài/Chở muối đi khắp ngả/Bữa cơm tối mọi nhà/Tiếng cười vang xóm, ngõ!...”. Mỗi hạt muối là kết tinh linh khí đất trời, kết tinh cả những giọt mồ hôi diêm dân, và thực sự trở thành hạt ngọc lấp lánh khi kết tinh tình yêu và sự sẻ chia. Niềm hạnh phúc cứ thế nhân lên, truyền đi trong niềm tin yêu thầm lặng, để cuộc sống đầy ắp những nụ cười đoàn viên.

Bài thơ “Ngày mai” của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh thực sự đã chinh phục bạn đọc bởi cấu tứ chặt chẽ, chiều sâu tư tưởng và những hình ảnh thơ giàu sức gợi. Ba khổ thơ đầu khắc họa nỗi vất vả, gian truân của cuộc mưu sinh, được miêu tả từ chiều rộng đến chiều sâu; và ba khổ thơ sau là triết luận về tình yêu và hạnh phúc, được nâng lên từ riêng tư đến phổ quát nhân sinh. Tình ta sáng trong tình người là thông điệp nghệ thuật vang vọng mãi khi bài thơ khép lại.

Cần được nhấn mạnh thêm, cho đến nay, mảng sáng tác về nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với thực tiễn đổi mới trong nhiều lĩnh vực, khi nông dân vẫn còn chiếm gần 70% dân số, trong đó những người làm nghề muối đang chịu vất vả nhất và thành quả của họ cũng chông chênh nhất vì thời tiết đổi thay, nhưng ít được đề cập. Cảm ơn nhà thơ đã góp phần thắp sáng thiên chức của văn học, để vẻ đẹp và những nỗi niềm của những phận người lao động, trong đó có diêm dân, được hiện diện và cất lời qua những vần thơ sâu nặng tin yêu!

Hà Nội, tháng 6 năm 2023

Thanh Sơn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vang-vong-khuc-ca-hanh-phuc-post252581.html