Vàng vụt sáng khi khi Nga - Ukraine vẫn căng thẳng

Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng nay bật tăng trở lại gần 20 USD/ounce khi tái vượt mốc 1.872 USD/ounce trước căng thằng giữa Nga - Ukraine. Vàng SJC trong nước vượt 63 triệu đồng/lượng.

Sở dĩ giá vàng tăng trở lại cuối phiên giao dịch ngày 16/2 sau khi Mỹ cho biết, Nga vẫn xây dựng quân đội xung quanh Ukraina và thông tin biên bản họp chính sách từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Ngày 16/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Nga đã di dời các đơn vị quân sự quan trọng đến gần biên giới của Ukraina, bất chấp chính quyền Moscow khẳng định rằng họ sẽ rút lui.

Chính căng thẳng địa chính trị gia tăng và kỳ vọng tăng lãi suất cơ bản đồng đôla Mỹ của Fed đã đè nặng lên tâm lý trên thị trường tài chính, khiến các nhà đầu tư tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn như vàng.

Ngày 16/2, Fed công bố biên bản cuộc họp diễn ra vào ngày 25 - 26/1 năm nay. Nhưng biên bản lần này không có thông tin gây bất ngờ như biên bản cuộc họp tháng 12/2021.

Nhà đầu tư tin tưởng Fed vẫn sẽ sớm tăng lãi suất và giảm quy mô bảng cân đối kế toán theo kế hoạch được dự báo trước đó. Fed không có thông tin nào cho thấy, cơ quan này sẽ thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn mức mà thị trường vàng đã phản ánh vào giá.

Bên cạnh đó, Cục Thống kê Dân số Mỹ cho biết doanh số bán lẻ trong tháng 1/2022 vừa qua tăng 3,8% so với tháng 12/2021. Kết quả này khả quan hơn nhiều mức tăng 2,1% mà các nhà kinh tế dự báo.

Chỉ số đô la Mỹ cũng đang ở mức thấp. USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, giảm xuống 95,975 điểm sáng nay. Trong khi đó, lợi tức trên trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện đang ở mức 2,035%.

Trước áp lực lạm phát cao nên nhiều dự báo cho rằng đà tăng của vàng vẫn chưa dừng lại. Vàng còn được hỗ trợ bởi lạm phát cao ở nhiều nước, trong đó có Mỹ với kỷ lục cao nhất 40%. CPI tháng 1 của Mỹ đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát cao hơn dự kiến ở Anh đã thúc đẩy các cuộc đàm phán về việc tăng lãi suất thậm chí còn quyết liệt hơn từ Ngân hàng Trung ương Anh.

Chỉ số CPI tháng 1 của Vương quốc Anh tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trên mức dự đoán là 5,4%. Báo cáo lạm phát đã chứng kiến mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3 năm 1992. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc cho tháng 1 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vì thế, các nhận định đưa ra khả năng mặt hàng kim quý vàng còn "sóng lớn" trong thời gian tới trước áp lực lạm phát cao và kinh tế toàn cầu còn suy thoái trong đại dịch Covid-19.

Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 62,5 triệu đồng/lượng và bán ra 63,1 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 200.000 đồng ở chiều bán ra.

Quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, mỗi lượng vàng SJC chênh lệch với thế giới gần 12 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Chính điều này khiến thị trường vàng trong nước kém hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian dài vừa qua.

Ngày 17/2, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.119 VND/USD, tăng 3 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Tỷ giá mua bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được giữ ở mức 22.550 - 23.050 VND/USD.

Với biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.425 - 23.813 VND/USD. Vietcombank mua ngoại tệ với giá 22.590 - 22.620 đồng/USD và bán ra 22.900 đồng/USD.

T.V

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vang-vut-sang-khi--khi-nga---ukraine-van-cang-thang-d160802.html