'Vàng xanh' của vùng núi cao Tây Bắc giúp bà con huyện biên giới thoát nghèo
Cà phê Arabica Sơn La nói chung và Sốp Cộp nói riêng không chỉ là sản phẩm nông nghiệp trứ danh mà còn là biểu tượng cho hành trình vươn lên của cả một vùng biên giới xa xôi – đang từng bước nỗ lực thoát nghèo bền vững.
Ngày 4/3, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch xuất khẩu sản phẩm hàng hóa của tỉnh năm 2025, mở ra kỳ vọng lớn trong việc nâng cao giá trị nông sản, tạo đà bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tại các huyện vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
‘Ngôi sao’ trong chiến lược xuất khẩu
Theo đó, tỉnh Sơn La phấn đấu tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2025 đạt 215 triệu USD, trong đó riêng nhóm sản phẩm nông sản, thực phẩm chiếm tới 208 triệu USD, tăng hơn 9% so với năm 2024. Trong nhóm này, cà phê được đặt ở vị trí “xương sống”, với mục tiêu xuất khẩu 34.000 tấn, đạt 100 triệu USD – tương đương gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh.

Cà phê Arabica là đặc sản trứ danh của vùng đất Sơn La.
Các thị trường xuất khẩu cà phê Sơn La được xác định là EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, Trung Đông và ASEAN – những khu vực nổi tiếng khắt khe về chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm.
Điều này phản ánh tiềm năng vượt trội của cà phê Sơn La trên thị trường quốc tế, cho thấy sự thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của địa phương – từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị.
Đây không chỉ là dấu mốc về giá trị kinh tế, mà còn là minh chứng cho nỗ lực chuyển dịch từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch của tỉnh, hướng tới sản xuất xanh, bền vững và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.
Trong bức tranh ấy, huyện vùng biên giới xa xôi Sốp Cộp đang nổi lên như một điểm sáng, nơi cà phê là “chìa khóa” giúp hàng ngàn hộ dân từng bước thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Hành trình vươn lên từ “vàng xanh”
Sốp Cộp từng là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Thế nhưng, vùng đất này đang thay da đổi thịt từng ngày nhờ sự hiện diện của một loài cây đặc biệt – cà phê Arabica. Từ khi được đưa vào trồng thử nghiệm năm 1998, cà phê đã chứng minh sự phù hợp tuyệt vời với điều kiện khí hậu – thổ nhưỡng đặc trưng của vùng núi cao Tây Bắc.

Nông dân xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp chăm sóc cây cà phê - thứ cây ''vàng xanh" giúp bà con vươn lên thoát nghèo.
Sốp Cộp có địa hình núi non chia cắt mạnh, độ cao trung bình từ 600 - 1.500 m – điều kiện lý tưởng để phát triển giống cà phê Arabica có chất lượng cao, hương vị thơm, hậu ngọt, được giới sành cà phê thế giới ưa chuộng. Đặc biệt, những khu vực như Dồm Cang, Púng Bánh, Mường Và, Nậm Lạnh… được xác định là “tiểu vùng khí hậu cà phê” đầy tiềm năng.
Ban đầu, người dân còn e dè. Nhưng sau cú sốc giá sắn năm 2016, nhiều hộ mạnh dạn phá bỏ sắn để chuyển sang trồng cà phê. Sau 3 - 4 năm chăm sóc, cây bắt đầu cho thu hoạch ổn định. Lợi nhuận cao hơn gấp 4 - 5 lần so với cây lương thực truyền thống, bà con dần tin tưởng và gắn bó với loài cây “thân gỗ, lá xanh” này.
Tính đến nay, toàn huyện đã có hơn 1.000 ha cà phê, với mục tiêu đạt 2.000 ha vào năm 2025. Nhưng để đạt được con số ấy, bà con đã phải vượt qua không ít thử thách. Mùa đông với sương muối dày đặc là kẻ thù thường niên của cây cà phê Sốp Cộp. Cứ đến cuối năm, người dân lại lặng lẽ đi cắt tỉa những cành cháy lá, thậm chí đốn bỏ những cây bị thiệt hại nặng. Dẫu vậy, bà con vẫn kiên trì. “Cái rét thì mình chịu được, cái đói thì không”, đó là tinh thần bền bỉ của người dân nơi đây.
Nhờ cà phê, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, có của ăn của để, xây nhà mới, cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Hàng trăm hộ dân đã chuyển từ canh tác lạc hậu sang trồng cà phê theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, góp phần phủ xanh đồi núi trọc và giữ gìn tài nguyên đất đai.
Tương lai rộng mở
Từ một loại cây trồng phụ, cà phê giờ đây đã trở thành biểu tượng mới của sự đổi thay ở Sốp Cộp. Những ngôi nhà mới khang trang mọc lên ngày càng nhiều, đường sá thêm rộng. Điều đó không chỉ nhờ chất lượng hạt cà phê, mà còn nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi giá trị cà phê bền vững.
Người cháy bỏng giấc mơ phát triển cà phê đặc sản mang thương hiệu Sơn La, anh Trần Đức Miền, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Sơn La chia sẻ, Cà phê Sốp Cộp trồng từ lâu nhưng manh mún, nhỏ lẻ là chính. Nhiều vườn đang trong giai đoạn tái canh, cần hỗ trợ để đồng bộ hóa về giống, kỹ thuật và thị trường. Vườn cây đầu dòng của HTX sẽ giúp người dân có nguồn giống chất lượng, tại chỗ, gia tăng cơ hội đổi đời nhờ cà phê.
Không chỉ cung cấp giống, HTX đến từng bản làng, tham gia cùng chính quyền địa phương đào tạo kỹ thuật định kỳ cho bà con – từ cách chăm sóc, thu hái đúng độ chín, đến sơ chế theo quy trình ướt để giữ trọn hương vị cà phê. Nhờ đó, không chỉ số lượng mà chất lượng cà phê Sốp Cộp không ngừng cải thiện, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các đơn vị thuộc Liên minh HTX Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy thành lập mới các HTX chuyên canh, xây dựng mô hình sản xuất gắn với xuất khẩu, tạo chuỗi liên kết bền vững từ vườn cà phê đến nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ. Song song đó, tỉnh Sơn La cũng tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cà phê Sơn La trên nhiều kênh truyền thông, hội chợ trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh thị trường cà phê thế giới đang có xu hướng tăng giá do khủng hoảng khí hậu, thiếu hụt nguồn cung tại nhiều quốc gia, đây chính là cơ hội vàng để cà phê Arabica Sơn La – đặc biệt là cà phê ở Sốp Cộp khẳng định vị thế. Với lợi thế về chất lượng, hương vị đặc trưng, cà phê nơi đây hoàn toàn có khả năng tiếp cận các phân khúc cao cấp hơn, nâng tầm giá trị nông sản, mang lại thu nhập vượt trội cho người dân, thúc đẩy cả vùng phát triển kinh tế bền vững.