Vành đai 3 TPHCM, bồi thường cao nhất 73,3 triệu đồng/m2
UBND TPHCM ban hành quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường, hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với dự án thành phần tuyến đường Vành đai 3. Giá đất bồi thường đoạn qua thành phố cao nhất hơn 73 triệu đồng/m2, trên tuyến Nguyễn Duy Trinh thuộc thành phố Thủ Đức.
Cổng thông tin Thành ủy TPHCM cho biết, UBND thành phố vừa ban hành quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường, hỗ trợ và mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với dự án thành phần 1A thuộc dự án đầu tư đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, giai đoạn 1 đường Vành đai 3, TPHCM.
Thành phố Thủ Đức là địa phương có mức bồi thường đất cao nhất, cụ thể đất ở đường Nguyễn Duy Trinh, phường Trường Thạnh vị trí 1 có mức bồi thường 73,3 triệu đồng/m2; đất ở đường Nguyễn Xiển, phường Trường Thạnh và phường Long Bình vị trí 1 có mức bồi thường 69,9 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, đất ở đô thị tại thành phố Thủ Đức, tùy phường, đường, vị trí, kích thước đất, độ rộng hẻm sẽ có mức bồi thường dao động trong khoảng 22-60 triệu đồng/m2. Đối với đất tái định cư ở thành phố Thủ Đức có mức bồi thường dao động từ 33-56 triệu đồng/m2.
Tại huyện Bình Chánh, đất ở đường Trần Văn Giàu vị trí 1 đoạn từ ranh quận Bình Tân đến cầu Xáng có mức bồi thường cao nhất 42,6 triệu đồng/m2; đất ở đường Trương Văn Đa, vị trí 4 (độ sâu ≥ 100 m), đoạn từ cầu Bà Tỵ đến ranh tỉnh Long An có mức bồi thường thấp nhất 6,1 triệu đồng/m2. Mức bồi thường đối với đất tái định cư từ 11-15 triệu đồng/m2.
Tại huyện Hóc Môn, đất ở trên đường Nguyễn Văn Bứa đoạn từ Phan Văn Hớn đến giáp tỉnh Long An vị trí 1 có mức bồi cao nhất là 35,5 triệu đồng/m2. Ngoài ra, đất ở tại các vị trí khác nhau sẽ có mức bồi thường trong khoảng từ 10-34 triệu đồng/m2. Mức bồi thường đối với đất tái định cư từ 21-26 triệu đồng/m2.
Tại huyện Củ Chi, đất ở đường Hà Duy Phiên ví trị 1 có mức bồi thường cao nhất 19,5 triệu đồng/m2; đất ở đường Tỉnh lộ 15 đoạn từ chợ Tân Thạnh Đông 200 m hướng về huyện Hóc Môn đến cầu Xáng, vị trí 4 có mức bồi thường thấp nhất 9,1 triệu đồng/m2. Mức bồi thường đối với đất tái định cư trong khoảng 13-18 triệu đồng/m2.
Đối với mức bồi thường đất nông nghiệp tại 3 huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh đều không có sự chênh lệch nhiều, dao động trong khoảng từ 1-6 triệu đồng/m2. Theo đó, hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường đất nông nghiệp (trồng cây lâu năm) vị trí 3 là 20,3438; đất nông nghiệp (trồng cây hàng năm – nuôi trồng thủy sản) vị trí 3 là 22,5833.
Mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là K’=2,5 giá đất nông nghiệp cùng loại được quy định tại Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND của UBND TPHCM.
Theo TTXVN, tuyến đường Vành đai 3 qua địa bàn TPHCM dài hơn 47 km, tổng diện tích giải tỏa hơn 397 héc-ta với khoảng 1.670 trường hợp liên quan.
UBND TPHCM chỉ đạo UBND thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh có trách nhiệm kiểm tra, rà soát để áp dụng đúng đối tượng và các quy định có liên quan đến khoản hỗ trợ này, nhất là đối với dự án mà đất nông nghiệp thu hồi của từng hộ dân thực tế không còn sản xuất nông nghiệp, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Dự kiến từ tuần này, các địa phương bắt đầu chi trả tiền bồi thường, đến ngày 15-6 sẽ bàn giao 70-85% tổng diện tích mặt bằng để khởi công dự án.