Vành đai 4 vùng Thủ đô: phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2024
Thông tin về tiến độ dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, hiện đã giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 98%. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, toàn bộ mặt bằng phải được giải quyết xong trong năm 2024.
Còn 19 đoạn ngắt quãng, xôi đỗ
Theo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (Ban QLDA), dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô hiện đã phê duyệt và thu hồi đất được 783,9/798,67ha, đạt 98,15%, còn lại 14,77ha chưa hoàn thành công tác GPMB gồm 5,25ha đất nông nghiệp và đất khác, 9,52ha đất ở. Trong đó, Mê Linh còn lại 4,9ha; Đan Phượng còn lại 1,93ha; Hoài Đức còn lại 6,45ha; Hà Đông còn lại 1,49ha.
Công tác thu hồi đất bổ sung (hạng mục cải mương, vuốt nối, di chuyển cột điện cao thế...) được 5,63/9,96ha. Đã tiếp nhận mặt bằng 776,82/783,9ha, tương đương 48,35km/ 52,73km, đạt 91,7%. Trên phạm vi tuyến còn nhiều điểm ngắt quãng, xôi đỗ.
Khoảng 19 đoạn chưa được bàn giao mặt bằng với chiều dài khoảng 4,38km gồm: Mê Linh 2 khu vực đất ở thôn Nội Đồng, Đại Thịnh và thôn Tân Châu, Chu Phan, 2 điểm trường tiểu học Văn Khê, THCS Kim Hoa; Đan Phượng 2 cụm vị trí đất ở xã Hạ Mỗ, xã Hồng Hà; Hoài Đức 7 cụm vị trí đất xã Đức Thượng (2 vị trí), Song Phương (2 vị trí), An Thượng, thôn La Tinh - Đông La, 2 nghĩa trang xã Đông La, vị trí vuốt nối đê...; Hà Đông 3 cụm vị trí tại các phường Yên Nghĩa, Phú Lãm, Phú Lương; Thanh Oai 3 cụm vị trí xã Bích Hòa, Mỹ Hưng, Cự Khê.
Ban QLDA cho biết đang phấn đấu hoàn thành công tác GPMB và bàn giao mặt bằng toàn bộ Dự án đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội trong năm 2024.
Đối với công tác di chuyển hạ tầng kỹ thuật (điện trung, hạ thế, hệ thống thông tin, cấp nước...): UBND huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức đang thực hiện công tác di chuyển; UBND quận Hà Đông, huyện Thường Tín đang lựa chọn nhà thầu. UBND huyện Thanh Oai chưa phê duyệt phương án di chuyển.
Tiến độ di chuyển ngầm nổi chậm ảnh hưởng tới tiến độ thi công đường song hành, đặc biệt tại vị trí phải xử lý nền đất yếu và tại các cầu. Phấn đấu hoàn thành di chuyển hạng mục hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi trong quý IV/2024.
Đối với công tác di chuyển các tuyến điện cao thế từ 110KV - 500KV, đã hoàn thành 2/16 điểm giao chéo, nhận bàn giao 37/39 vị trí móng cột; hoàn thành 24/39 vị trí móng cột điện cao thế; hoàn thành sản xuất được 22/39 vị trí cột đơn thân. Tiến độ dự kiến công tác cắt điện từ tháng 11/2024 - 01/2025, hoàn thành di chuyển trong quý I/2025.
Thông tin về kế hoạch vốn, ông Ngô Ngọc Vân – Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, đến nay đã bố trí 13.935,696 tỷ đồng, đã giải ngân 10.266,156 tỷ đồng, đạt 73,67%. Trong đó năm 2024 giải ngân 1.390,277/3.230,89 tỷ đồng, đạt 43,03%. Dự án thành phần 1.1 giải ngân đạt 23,6%, Dự án thành phần 2.1 giải ngân đạt 100%, Dự án thành phần 3 giải ngân đạt 69%.
Tháo gỡ khó khăn
Theo ông Ngô Ngọc Vân về điều chỉnh Dự án thành phần 1.1, hiện nay, Sở KH&ĐT và 7 quận, huyện đã có ý kiến thẩm định Dự án. Sở GTVT, Ban QLDA đang tổng hợp các ý kiến và dự kiến trình lại trong đầu tháng 11/2024.
Với dự án thành phần 2.1, sau 15 tháng khởi công, 4 gói thầu xây lắp đã được các nhà thầu đồng loạt triển khai với 32 mũi thi công để xử lý nền đất yếu, cầu và hạng mục thảm bê tông nhựa bán rỗng. Sản lượng đến nay đạt khoảng 1.550/4.205 tỷ đồng (đạt 36,86%). Dự kiến hoàn thành Dự án vào quý IV/2025.
Về điều chỉnh Dự án thành phần 2.1, Sở GTVT đề xuất giữ nguyên không điều chuyển một số hạng mục Dự án thành phần 3 sang Dự án thành phần 2.1 để đảm bảo tiến độ lựa chọn nhà đầu tư Dự án thành phần 3.
Với dự án thành phần 3, Ban QLDA đã hoàn thiện thiết kế sau thiết kế cơ sở của Tiểu dự án đầu tư công theo ý kiến thẩm định của Cục Đường cao tốc Việt Nam. Dự kiến TP sẽ phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 10/2024, tháng 12/2024 tổ chức mở thầu, quý II/2025 khởi công.
Trường hợp không có nhà đầu tư đáp ứng, Ban QLDA sẽ đề xuất UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư công.
Kiến nghị các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án, đối với GPMB đất ở, Ban QLDA đề nghị các địa phương Hà Đông, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai hoàn thành toàn bộ trong năm 2024. Với GPMB đất nông nghiệp, đất cơ quan, đất khác đề nghị 2 quận, huyện Hà Đông, Hoài Đức khẩn trương hoàn thành trước ngày 30/11/2024.
Đối với các vị trí phải xử lý nền đất yếu, đề nghị bàn giao mặt bằng ngay trước ngày 15/11/2024. Trong đó, Hà Đông 6 vị trí dài 0,17km tại Phú Lương, Phú Lãm; Thanh Oai 3 vị trí dài 0,5km tại Bích Hòa, Mỹ Hưng, Cự Khê.
Huyện Đan Phượng tập trung đẩy nhanh công tác thu hồi đất bổ sung đối với phạm vi móng cột điện cao thế còn lại trước ngày 15/11/2024. Các địa phương hoàn thành toàn bộ di chuyển mộ còn lại trong tháng 12/2024.
Đối với công tác di chuyển hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm nổi, đề nghị UBND các quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch thi công cụ thể để đẩy nhanh tiến độ di chuyển, hoàn thành trong tháng 12/2024; trong đó, bàn giao sớm phạm vi xử lý nền đất yếu và tại vị trí các cầu vượt đường sắt, cầu Tô Lịch... trước ngày 15/11/2024.
Đề nghị huyện Thường Tín lập kế hoạch di chuyển đường dây 35kV trong phạm vi thi công vị trí móng cột cao thế hoàn thành trước ngày 15/11/2024, để đảm bảo tiến độ cắt điện trong tháng 12/2024.
Theo ông Ngô Ngọc Vân, các dự án thành phần do UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh là cơ quan có thẩm quyền, Ban QLDA đã đề nghị UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh có văn bản cung cấp thông tin chi tiết về các khó khăn, vướng mắc và các số liệu chính thức về điều chỉnh tăng, giảm tổng mức đầu tư các dự án thành phần 1.2, 2.2, 1.3, 2.3 để tổng hợp, cân đối việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của toàn Dự án đầu tư. Từ đó, làm cơ sở tổ chức họp giữa 3 tỉnh, TP để cùng xem xét, đánh giá, thống nhất phương án đề xuất giải quyết, báo cáo cấp có thẩm quyền.