Vào cao điểm Tết, làng miến dong Bản Xèo dồn dập 'chốt đơn'
Những ngày Tết cận kề, cả con người và máy móc của HTX miến dong Hưng Hiền (Bản Xèo, Bát Xát, Lào Cai) gần như hoạt động hết công suất, ngày làm việc kéo dài đến nửa đêm, thậm chí tới sáng để kịp trả hàng cho khách.
Chị Cồ Thị Hiền, Giám đốc HTX Hưng Hiền, cho biết việc sản xuất miến dong phục vụ thị trường Tết ở địa phương thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch hàng năm nhưng cao điểm nhất là trong tháng Chạp vì đa số khách hàng đặt miến để làm quà và sử dụng trong dịp Tết.
Chạy đua đơn hàng Tết
“Những ngày thường, HTX sản xuất từ 6 giờ đến 17 giờ, nhưng riêng trong tháng Chạp, người lao động tại HTX phải tăng ca đến 22 giờ, thậm chí có thời điểm đơn hàng về nhiều, HTX làm việc thâu đêm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng từ khắp các tỉnh thành trên cả nước”, chị Hiền chia sẻ.
Giới thiệu từng công đoạn để làm ra những sợi miến dong thơm ngon, chị Cồ Thị Hiền cho hay “chìa khóa” để tạo ra sản phẩm được thị trường ưa chuộng như hiện nay chính là việc chọn nguyên liệu.
Để có được những sợi miến khô, khi nấu lên vừa có mùi thơm, vị thanh mát mà vẫn giữ được độ dai, giòn thì tinh bột làm miến phải là từ củ của cây dong riềng đỏ được trồng ở trên đất đồi.
Khi trồng và chăm sóc cây dong riềng, phải tuân thủ đúng kỹ thuật và đủ 10 - 11 tháng tuổi thì mới thu hoạch củ. Sợi miến khi nấu lên, người thưởng thức sẽ cảm nhận được sự nồng ấm của bếp củi trong ngày mùa Đông, mùi thơm của nắng mặt trời, cảm giác ấm cúng như đang sum họp bên gia đình ngày Tết. “Đấy mới chính là hương vị miến xưa mình muốn đưa đến cho người tiêu dùng và cũng là cách để mình lưu giữ nghề truyền thống của quê hương”, vị nữ giám đốc của HTX nói.
Nghề làm miến của đồng bào dân tộc Giáy, ở xã Bản Xèo, huyện Bát Xát vốn nổi tiếng xưa nay, với những sản phẩm miến thơm ngon đặc biệt, được kết hợp giữa củ dong riềng và củ sâm đất (hoàng sin cô). Cùng với miến dong truyền thống, nhiều sản phẩm mới cũng được cho ra đời tại địa phương.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật
Như ở HTX Hưng Hiền, vụ Tết năm nay, bên cạnh miến dong, thì miến sâm của HTX cũng vô cùng đắt hàng. Miến sâm là sự kết hợp giữa củ sâm đất (hoàng sin cô) với tinh bột củ dong riềng để tạo ra sản phẩm miến sâm được khách hàng ưa chuộng.
Với các sản phẩm miến dong bảo đảm chất lượng, là sản phẩm OCOP của địa phương, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, được khách hàng tin tưởng, mỗi năm, HTX Hưng Hiền xuất bán trung bình từ 15 - 20 tấn miến, thu về khoảng 1,2 tỷ đồng. Trừ chi phí, thu lãi trên 400 triệu đồng.
Có một điều đặc biệt khi về làng miến dong Thành Sơn hiện tại là sự kết hợp giữa thủ công truyền thống và ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật mới. Như ở HTX Hưng Hiền, để nâng cao giá trị sản xuất, HTX đã đầu tư hệ thống nồi tráng, máy thái, lò sấy, máy đóng gói bằng điện với chi phí hàng trăm triệu đồng.
“Chúng tôi sử dụng nồi điện để nâng cao năng suất, nhưng khâu tráng bánh vẫn được làm thủ công, với sự khéo léo của lao động lành nghề, đó là “chất” riêng của miến dong xã Bản Xèo”, chị Hiền chia sẻ.
Cùng với HTX Hưng Hiền, HTX miến dong Thành Sơn cũng đang là đơn vị điển hình trong ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất miến, cho ra đời những sản phẩm vừa có năng suất cao, vừa mang đậm giá trị, hương vị truyền thống.
Đặc biệt, từ khi được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường và nguồn vốn từ Quỹ khuyến công, HTX Thành Sơn đã có bước phát triển mạnh về quy mô sản xuất. Đây là điều kiện thuận lợi để bà con nông dân trong vùng mở rộng diện tích trồng dong, đặc biệt là cây dong riềng đỏ.
Tại thời điểm này, vùng nguyên liệu dong riềng đỏ cung cấp cho HTX Thành sơn đã lên tới gần 500ha, tập trung ở 3 xã Bản Xèo, Pa Cheo và Dền Thàng.
Nâng cao giá trị sản xuất
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc, công nghệ hiện đại chính là một trong những yếu tố tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng với sản phẩm miến dong xã Bản Xèo. Chính sự kết hợp khéo léo giữa hiện đại và truyền thống, cùng với chữ “tâm” trong nghề là chìa khóa để những người dân ở xã Bản Xèo cho ra đời những sợi miến ngon nức tiếng.
Theo thống kê, đến nay, toàn huyện Bát Xát có 3 HTX tham gia chế biến miến dong riềng, phát triển sản phẩm chất lượng cao được gắn sao OCOP. Nghề làm miến truyền thống của dân tộc Giáy đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, ổn định thu nhập hàng trăm lao động là người địa phương.
Đơn cử, HTX Hưng Hiền đang tạo việc làm cho khoảng 20 lao động người Giáy tại địa phương. Chị Nông Thị Liên, thành viên HTX cho biết: “Tôi làm ở HTX được hơn 6 năm rồi. Công việc của tôi là thái sợi, cắt và phơi miến, buổi chiều khi miến khô thì sẽ đóng gói. So với làm ruộng, đi nương thì công việc này nhẹ nhàng hơn, thu nhập ổn định 6 triệu đồng/tháng.”
Còn chị Vàng Thị Chíu ở thôn Thành Sơn thì tham gia vào công đoạn tráng miến từ những ngày đầu anh Hưng mở xưởng. Với việc tráng miến hằng ngày theo thời vụ, chị được HTX trả 200 nghìn đồng/ngày công. Mức thu nhập này tương đối cao so với lao động nông nghiệp tại địa phương.
Theo lãnh đạo UBND xã Bản Xèo, huyện Bát Xát, miến dong là sản phẩm chủ lực của địa phương. Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm của xã cũng thường xuyên kiểm tra cơ sở và cơ sở cũng hướng dẫn cho các lao động thực hiện đúng quy trình an toàn thực phẩm đối với sản phẩm miến.
Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ thành lập, phát huy vai trò của các HTX, tạo điểm tựa cho người dân địa phương phát triển nghề, nâng cao thu nhập. Địa phương cũng sẽ tăng cường các nguồn lực để nâng cao trình độ nhân lực, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã, thương hiệu sản phẩm.