Vào cuộc với trách nhiệm cao

Thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã tạo những 'cú hích' phát triển mạnh mẽ cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Song đến nay, với tiến độ rất chậm, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khó có thể đạt mục tiêu đề ra, ít nhất trong năm 2020.

Hãy cùng nhìn vào con số lũy kế từ năm 2016 đến tháng 9-2020: Cả nước có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong số đó mới chỉ có 37/128 doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm (giai đoạn 2017-2020), đạt 28% kế hoạch; còn 91/128 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa. Theo một số chuyên gia, tiến độ “ì ạch” này khiến việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế nhà nước những năm qua chưa đạt như mong muốn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, mà trước hết là do cơ chế, chính sách còn không ít bất cập. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công của một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa quyết liệt chỉ đạo, triển khai cổ phần hóa; vẫn còn hiện tượng không "dám làm, dám chịu", viện dẫn khó khăn, vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện cổ phần hóa. Năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng khiến tiến độ cổ phần hóa chậm thêm.

Để đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước, tất cả các bộ, ngành, địa phương và chính mỗi doanh nghiệp nhà nước cần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

Trước mắt, cơ quan chức năng cần xây dựng, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo ngành nghề, lĩnh vực cùng với đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty. Các bộ, ngành hữu quan, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc diện phải cổ phần hóa cũng phải rốt ráo chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát huy vai trò, thúc đẩy quá trình lập phương án tại từng đơn vị. Về tổng thể, các bộ, ngành cần xây dựng, báo cáo Thủ tướng kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa với lộ trình cụ thể, gắn trách nhiệm của người đứng đầu.

Quá trình triển khai, các cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, cũng phải bám sát để kịp thời giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát chấp hành kỷ luật, kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường nhằm mang lại hiệu quả, lợi ích cao nhất cho Nhà nước... Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tiếp tục các giải pháp kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả bởi đây cũng là điều kiện cần thiết giúp doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp nhà nước sẽ có nhiều thuận lợi khi tiến hành quá trình cổ phần hóa.

Về các giải pháp “tự thân”, các doanh nghiệp nhà nước càng cần thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu của năm 2020 cho phù hợp với tình hình mới; xây dựng các giải pháp ứng phó rủi ro, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh… Và khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư từ xã hội.

Rõ ràng, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa bằng nỗ lực của riêng doanh nghiệp hay cơ quan quản lý nhà nước là chưa đủ mà tất cả phải cùng vào cuộc, với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Văn Ngọc Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/981528/vao-cuoc-voi-trach-nhiem-cao