Vào làng trong phố, thấy những dấu xưa...
Phố cũ từ lâu đã không còn cũ. Những hàng, quán kinh doanh đổi thay biển hiệu quảng cáo đã làm những con phố cũ luôn mới và hiện đại hơn.
Thế nhưng, đằng sau sự mới mẻ đó, những xưa cũ vẫn còn và không bị trôi mất theo thời gian và tốc độ đô thị hóa. Đâu đó, màu vàng của vôi ve, mái nhà cũ, vết tróc lở của những bức tường…, đến kiến trúc họa tiết xưa vẫn còn, vẫn hiện hữu cùng ký ức về làng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, gắn bó thương yêu của bao thế hệ người Hà Nội.
1. Nhiều người cho rằng, cổng làng xưa nơi chốn ngoại thành còn khó giữ thì cổng làng ở trong phố làm sao yên vị được trước cơn lốc đô thị hóa hôm nay?! Có lẽ, nhận xét này mới chỉ đúng một phần.
Ngôi làng nổi tiếng Mễ Trì (nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) mấy chục năm trước, ruộng đồng vẫn ôm lấy làng. Con đường rải đá cấp phối chạy giữa cánh đồng cứ vào độ lúa trổ đòng đòng thì mùi thơm hương lúa quyện kín lấy người đi, chẳng hổ danh của vùng đất có tên Ao gạo. Những ruộng rau muống nở hoa độ tháng 10, những cánh đồng với rất nhiều loại rau dại cho người làng nghề kiếm rau tập tàng tồn tại cho đến bây giờ. Trải qua mấy chục năm, cánh đồng làng Mễ Trì xưa đã trở thành khu đô thị nổi tiếng. Bãi rác Mễ Trì năm nào cũng đã thành khu chung cư sang trọng, nhưng người Mễ Trì vẫn quyết giữ cổng làng, như giữ cái gốc gác, cái văn hóa lề thói của cha ông, để rồi cổng làng Mễ Trì đã được xây mới to cao, uy nghi hơn trước.
Có người nghĩ, bây giờ làng đã khác trước, ít người còn canh nông, thu nhập khá hơn xưa nên làm cổng to mới đúng tầm và “lọt” ô tô, lại đảm bảo việc phòng, chống cháy nổ, an toàn cho đời sống người dân. Suy nghĩ đó cũng mới đúng một phần, bởi, xây to cũng là cách giữ cổng làng, nhưng cũng là nhắc nhớ người gốc gác nơi này, người ngụ cư về làng 2, 3 thế hệ nhớ về dấu ấn làng xưa... Cách đó không xa, làng bún Phú Đô, làng cốm Vòng cũng vậy... Những cổng làng xây lên như thể lưu giữ ký ức của cả đất và người.
Làng trong phố, làng đã lên phường và từ lâu người ta đã quen ghi vào lý lịch cá nhân chữ “Phường”, chứ không còn chữ “Làng” như những năm nào. Lâu rồi người làng cũng ít phân biệt người làng gốc với người ngụ cư. Những làng có nghề truyền thống, có di tích lịch sử văn hóa với những mỹ tục luôn là niềm tự hào của dân làng và những người ngụ cư sau này.
Xưa làng kề làng, nhìn từ cánh đồng về chỉ thấy một màu xanh của tre và cổ thụ. Tre hát bài hát tự ngàn xưa đan kết nên lũy thành, thì cổng làng với những đường nét kiến trúc, chi tiết đắp nổi, chữ nghĩa, câu đối... nhìn vào là biết đời sống, khát vọng của người làng. Cứ đi dọc đê sông Đáy nhìn xuống làng mạc dưới chân đê bên lở, bên bồi nay đã cùng phát triển. Thấp thoáng những cổng làng cũ mới dưới những con dốc luôn cho người ta cảm xúc cội nguồn ấm áp. Khách vãng lai đi trên đê, hẳn có người lao xao với những tên làng: Bồng Lai, Tiên Cảnh, Phượng Cát...
2. Những tưởng đô thị hóa nhanh, mạnh thì nhà cũ, vườn xưa còn khó giữ nữa là những cổng làng, thế nhưng không hẳn vậy, vì còn nhiều làng trong phố cổng làng vẫn giữ đúng dáng xưa.
Đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) - con phố không lớn mà dấu ấn làng với những cổng làng Yên Thái, cổng làng Thọ, cổng làng Đông, làng Hồ đã tạo nên dấu ấn đặc biệt cho con phố. Làng cổ Hồ Khẩu, vẫn được gọi làng Hồ, đình làng thờ 2 vị thánh có công giúp Vua Hùng đánh giặc ngoại xâm. Cổng làng được xây theo lối cổ với tam quan, cổng chính và 2 cổng phụ. Phía trên cổng chính đề 4 chữ “Hồ Ấp Đình Môn”, là cổng đình làng; sau này, dân họp chợ ở đây thì còn được gọi là cổng chợ. Đôi câu đối ghi chữ đại ý là: nơi đây cởi bỏ áo giáp, còn nghe rõ tiếng sóng kình vọng tới, còn nghe cả tiếng ngựa hí - câu chuyện mà cho đến nay, người làng vẫn còn nhắc nhau. Hội làng diễn ra vào ngày 14, 15/4 âm lịch để tưởng nhớ đến các vị thánh và đám rước sẽ đi qua cổng này.
Có người nói, cổng Chợ này được xây dựng vào thời Nguyễn gắn với sự kiện 3 anh em ông Lý Văn Phức (làm quan Thượng thư Bộ lễ triều Nguyễn) đỗ cử nhân. Điều đó cho thấy lịch sử làng Hồ cổ xưa, đất linh, thánh ngự và người đỗ đạt. Người làng kể, xưa cổng làng Hồ ngày mở, đêm đóng, nhưng nay đã khác, cổng mở cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên bậc tam cấp đá xanh với chiếu nghỉ rộng vẫn còn, nên cổng chỉ dành cho người đi bộ.
Cạnh đó là cổng vào làng Đông ghi 4 chữ “An Đông Chính Lộ” còn nguyên vẹn. Qua cổng là con đường nhỏ dẫn vào làng với san sát nhà tiếp nhà. Nghĩa là, tuy làng lên phường đã lâu, nhưng dấu tích làng vẫn còn rất rõ trong lối sống của người làng. Câu chuyện của bà Thái 86 tuổi, bán nước chè gần cầu làng, cũng bắt đầu bằng cổng làng thân quen đó: “Làng tôi đang trùng tu lại chùa làng, chùa Mật Dụng. Cổng làng cũng sẽ được tu sửa cho đẹp hơn, khang trang hơn”...
Những vị khách đến quán nước chè của bà Thái cũng đều nói chuyện xoay quanh việc trùng tu cổng làng và đều khẳng định, cổng làng Đông chỉ trùng tu chứ không đập đi xây mới. Bà Thái còn chỉ tay về phía cầu, nơi có bát hương, bệ thờ, mà kể: “Đây là quán của làng, năm xưa đói, người chẳng may chết đường, chết chợ thì đem về quán này, rồi người làng đưa đi chôn. Quán làng tôi vẫn giữ được”. Bà cụ 86 tuổi vẫn mang trong lòng vết dấu làng xưa: cả mấy làng quanh đây đều có nghề làm giấy dó, chúng tôi đều thạo việc, rồi vào hợp tác xã. Năm 1989, giải tán hợp tác, không có ruộng, chẳng biết làm gì, tôi đi bán hoa tươi ở chợ Đồng Xuân. Giờ các con đã trưởng thành, về ngồi bán nước chè tại cửa nhà mình, vui tuổi già...
3. Cũng trên con phố Thụy Khuê ấy, cổng đình An Thọ, cổng Hầu, cổng Canh, cũng góp phần khiến con phố lưu lại vẻ cổ kính xưa. Trong cái tấp nập của phố thị, nếu cứ chầm chậm tìm một ngôi nhà cũ, có tuổi đời khoảng 30 - 40 năm, vẫn thấy thấp thoáng đâu đó. Đôi khi phải hướng tầm mắt lên tầng 2, vì tầng 1 đã được tu sửa để bán hàng với những biển hiệu bắt mắt. Ngã tư chợ Bưởi - nơi đường Thụy Khuê và đường Lạc Long Quân giao nhau, có miếu thờ đức Thành hoàng chiêu ứng Vũ Phục Đại Vương. Cạnh đền này là ngôi làng có trong câu ca “Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”. Cổng làng Yên Thái không lớn, kiến trúc lợp mái ri như mái nhà. Dù làng lên phố đã lâu, nhưng con đường lát gạch nghiêng sau cánh cổng làng luôn nhắc người ta nhớ đến lịch sử và nghề làm giấy quý giá của làng. Nơi đây đã sinh ra những người thợ có bàn tay vàng, làm ra loại giấy dó tốt vào loại nhất dâng lên triều đình.
Những làng bên Hồ Tây, làng mé chợ đông vui, làng mé hồ thì lộng gió. Chuyện xưa, có lúc ngỡ như đã chìm vào quên lãng, ngỡ như người làng già cả chẳng nhớ nổi, đám hậu sinh bận rộn cũng chẳng mấy quan tâm. Nhưng không, người già vẫn kể, cháu con đã khắc ghi, nên bà Thái làng Đông có nặng tai thì con trai bà và những người hàng xóm của bà vẫn cùng bà kể lại khá tường tận. Bà Mì ở làng Thọ cũng nhớ, dù bà về đất này từ năm 1957.
Nghề giấy xưa không còn, cầu làng Đông giờ đã thành ở giữa làng, cổng làng này, làng kia đều phải trùng tu, nhưng với những gì chủ nhân đất này kể, người đương thời hoàn toàn có thể tin rằng, vẫn có những làng trong phố, hồn vía làng vẫn còn nguyên vẹn ở đất Hà thành, trong ngày hội làng, trong tâm thức dân làng.
Nhắc lại những dấu xưa còn lại ở những làng trong phố nay để thấy trong hành trình đô thị hóa tất yếu hôm nay, như chặng đã qua, những làng ven đô có thể lại TP. Hành trình “lên phố” hẳn là sẽ có những điểm giống thời đã qua, thời mà những làng Hồ Khẩu, An Thái… đã từng. Đó là ký ức không thể phai phôi trong lòng người Hà Nội.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vao-lang-trong-pho-thay-nhung-dau-xua.html