Vào mùa dịch sốt xuất huyết
Những ngày gần đây, số ca bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị tăng mạnh so với những tháng đầu năm. Theo dự báo của các chuyên gia, dịch bệnh này sẽ còn tăng mạnh nếu người dân không chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.
Bệnh sốt xuất huyết nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách rất dễ khiến bệnh trở nặng. Khi đó, việc điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém.
* Chủ quan khiến bệnh nặng
Ngày 21-6, Khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tiếp nhận bệnh nhân B.V.S. (ngụ ấp Bình Hóa, xã Hóa An, TP.Biên Hòa) trong tình trạng chảy máu chân răng, đau bụng lâm râm, bị sốt 5 ngày trước đó ở nhà nhưng không khỏi. Sau khi làm các xét nghiệm máu, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị sốt xuất huyết.
Anh S. cho biết, anh làm nghề tự do, ở nhà có ngủ mùng nhưng không biết bị muỗi đốt từ lúc nào. Đến khi bị sốt cao, thấy trong người mệt mỏi, khó chịu, anh có đến một phòng khám tư nhân ở gần nhà để mua thuốc uống và truyền nước. Nhưng đến hết ngày thứ 3, việc uống thuốc và truyền nước vẫn không làm cho bệnh suy giảm. Ngược lại, đến ngày thứ 4, anh S. còn cảm thấy đau bụng, đi tiêu lỏng và chảy máu chân răng. Lúc này, vợ anh S. mới đưa anh vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để được thăm khám và điều trị.
Thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tuần gần đây nhất từ ngày 14 đến 20-6, toàn tỉnh ghi nhận 262 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 27,8% so với tuần trước đó. Tổng số ca bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay đã lên tới hơn 4,1 ngàn ca (trong đó hơn 3,4 ngàn ca phải nhập viện điều trị), tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Địa phương có số ca bệnh sốt xuất huyết cao nhất vẫn là TP.Biên Hòa với hơn 1,3 ngàn ca. Tổng số ổ dịch được phát hiện là 930, tăng 264 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2018. Số ổ dịch đã được xử lý là 913, đạt hơn 98%.
Khi được hỏi vì sao không vào bệnh viện từ khi bị sốt cao, anh S. cho hay, do chủ quan cứ nghĩ cảm sốt nhẹ nên chỉ mua thuốc bên ngoài uống, không ngờ bệnh càng ngày càng nặng.
Bác sĩ CKI Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, kết quả xét nghiệm máu cho thấy tiểu cầu của bệnh nhân S. xuống rất thấp, chỉ bằng 1/3 mức bình thường. Do tiểu cầu xuống thấp nên có thể gây chảy máu bất cứ lúc nào kèm theo huyết áp tụt.
Ở người lớn, bệnh sốt xuất huyết khi trở nặng có thể gây nên nhiều biến chứng. Trước hết là gây chảy máu ở răng, mũi, xuất huyết tiêu hóa hoặc gây rong kinh, xuất huyết âm đạo ở phụ nữ. Những trường hợp này buộc phải truyền máu để bồi hoàn lượng máu đã mất. Tiếp theo, người bệnh có thể bị sốc sốt xuất huyết với những biểu hiện như mạch nhanh, huyết áp tụt.
Nếu người bệnh bị sốc sốt xuất huyết kèm theo một số bệnh nền như suy đa tạng thì buộc phải lọc máu liên tục. Trường hợp sốc sốt xuất huyết trên nền bệnh tim bẩm sinh, tiểu đường, cao huyết áp hay phụ nữ có thai nếu điều trị không đúng cách sẽ dễ dẫn đến tử vong. Một biến chứng khác của bệnh sốt xuất huyết có thể gây tử vong khác là xuất huyết não.
* Số ca bệnh tăng cao gấp 2 lần
Theo bác sĩ Hùng, từ đầu tháng 6 đến nay, số ca bệnh sốt xuất huyết điều trị tại khoa tăng gấp 2-3 lần so với những tháng đầu năm và cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, mỗi ngày Khoa Nhiễm tiếp nhận mới 6-10 trường hợp bệnh sốt xuất huyết mới. Số ca bệnh sốt xuất huyết cũng chiếm 50% tổng số các bệnh truyền nhiễm đang được điều trị tại khoa.
Không chỉ ở người lớn mà với trẻ em, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cũng đang gia tăng nhanh chóng. Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho hay, trung bình mỗi ngày khoa điều trị cho khoảng 20 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 2 lần so với những tháng đầu năm và cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp sốt xuất huyết biến chứng rối loạn đông máu nhưng đã có những trường hợp bị sốc sốt xuất huyết.
Lý giải nguyên nhân vì sao số ca bệnh sốt xuất huyết tăng cao trong những ngày gần đây, các bác sĩ cho rằng lý do chính là do mưa nhiều, muỗi sinh trưởng nhanh, cộng với sự lơ là, chủ quan không diệt muỗi, không ngủ mùng của người dân khiến bị muỗi đốt. Hiện có đến 4 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết nên một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời. Nhiều trường hợp trước kia đã bị sốt xuất huyết rồi, chủ quan nghĩ rằng mình sẽ không bị sốt xuất huyết lại nữa nên không chủ động trong cách phòng tránh muỗi đốt.
Một lý do khác, theo bác sĩ Đồng Minh Hùng là do chu kỳ bệnh sốt xuất huyết diễn ra 4 năm/lần. Năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một đợt dịch lớn (có những ngày khoa tiếp nhận, điều trị 80-90 ca bệnh sốt xuất huyết). Do đó có khả năng năm 2019, đúng chu kỳ 4 năm, dịch sốt xuất huyết sẽ lại bùng phát mạnh.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh diễn ra hầu như quanh năm. Do đó, người dân cần chủ động phòng tránh bằng cách dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ, gọn gàng, tiêu diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng cả ngày lẫn đêm. Khi thấy có các dấu hiệu như sốt cao, mệt mỏi từ 2 ngày trở lên, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế có uy tín để được xét nghiệm máu, kiểm tra sức khỏe, điều trị kịp thời. Các bác sĩ khuyến cáo người dân không được tự ý mua thuốc bên ngoài hoặc truyền nước ở các phòng khám tư nhân bởi có thể gây bệnh trở nặng và biến chứng khó lường.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201906/vao-mua-dich-sot-xuat-huyet-2951977/