Vào mùa ruốc biển
Những ngày này, từ mờ sáng, bà con ngư dân và thương lái đã tấp nập tại bãi biển dưới chân bán đảo Sơn Trà (P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà , Đà Nẵng) để mua bán ruốc. Những khoang thuyền đầy ắp ruốc biển tươi đã tạo niềm hứng khởi cho người dân đi biển.
Những ngày này, từ mờ sáng, bà con ngư dân và thương lái đã tấp nập tại bãi biển dưới chân bán đảo Sơn Trà (P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà , Đà Nẵng) để mua bán ruốc. Những khoang thuyền đầy ắp ruốc biển tươi đã tạo niềm hứng khởi cho người dân đi biển.
Ruốc biển (hay còn gọi là tép biển, moi...) xuất hiện từ khoảng tháng 10 năm trước, nhiều nhất là từ tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch năm sau. Những ngày vừa qua, mặc dù ruốc biển đến muộn hơn so với năm trước, nhưng lượng ruốc vẫn được mùa, mang lại cho ngư dân Đà Nẵng một khoản thu nhập đáng kể.
Chợ mua bán ruốc họp từ 5 giờ sáng ngay tại biển, nhìn ra nơi đánh bắt. Việc mua bán diễn ra trong khoảng 2 giờ. Thương lái muốn thu mua được ruốc tươi thường phải đến chợ từ sớm để đợi thuyền. Theo ghi nhận giá ruốc tươi lớn khoảng 30.000- 40.000 đồng/kg, ruốc nhỏ chỉ tầm 7.000 - 10.000 đồng/kg, ruốc làm mắm dao động từ 15.000 đồng/kg, ruốc phơi khô từ 120.000 - 150.000 đồng/kg. So với năm trước, giá ruốc cao hơn 5.000- 10.000 đồng/kg.
Thông thường, thuyền ra biển bắt ruốc ra khơi từ 4 giờ chiều ngày hôm trước và cập bờ vào 5 giờ sáng ngày hôm sau. Hiện nay, đang vào mùa ruốc nên ngư dân tập trung nguồn lực để ra khơi đánh bắt ruốc biển. Mỗi thuyền từ 2 - 3 lao động, thu lại khoảng 700 - 1 triệu đồng/người/ngày, có thời điểm được 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/ngày, sau khi đã trừ chi phí.
Nhanh tay chuyền những khay ruốc vào bờ, ngư dân Đặng Viên Phước ( P. Mân Thái, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) chia sẻ: "So với năm trước thì sản lượng ruốc năm nay không nhiều, tuy nhiên ruốc vẫn được mùa. Trung bình mỗi ngày tôi khai thác được từ 500kg ruốc, có khi khai thác được gần 1 tạ. Công việc tuy vất vả, nhưng vẫn mang lại thu nhập kha khá cho gia đình tôi".
Cũng theo ông Phước, trong khoảng thời gian này, ruốc thường xuất hiện và đi từng luồng theo những con sóng trôi sát gần bờ; cách đánh bắt ruốc thường dùng đèn dụ ruốc vào lưới giăng sẵn và dùng lưới di chuyển cùng với đèn pha để thu hút ruốc rồi bắt ruốc bằng vợt lớn. Ruốc bắt được trong đêm đựng vào những thùng nhỏ, đến khoảng 3 giờ sáng sẽ được đưa lên thuyền thúng chuyển vào bờ bán cho các thương lái.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi, trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng), cho biết "Những ngày này bà con đều tất bật ra khơi để khai thác ruốc cuối mùa, đây cũng là thời điểm thu hoạch được nhiều nhất. Buổi sáng, mỗi thúng ra vô từ 2-4 chuyến, ruốc được thương lái tranh nhau mua nên bán rất nhanh. Dù đây là nghề phụ, nhưng cũng giúp gia đình có chi phí để trang trải cuộc sống".
Tay đang bưng bê những thúng ruốc lên xe, chị Lê Thu Thủy, một thương lái đến từ Q. Sơn Trà cho hay, từ khi vào mùa ruốc biển, vì lượng thương lái quá đông nên sáng nào chị cũng dậy từ tờ mờ sáng để kịp đến đây thu mua, mỗi ngày chị thu mua khoảng 300 - 700 kg ruốc.
Theo ngư dân, ruốc biển đánh bắt đưa vào bờ bao nhiêu được thương lái thu mua bấy nhiêu. Sau khi mua, ruốc sẽ được cho vào những rổ nhỏ rồi sàng qua nước biển để rủ bớt cát. Sau đó các thương lái sẽ cho ruốc vào thúng để chở đi các chợ đầu mối. Mỗi thúng ruốc tươi có trọng lượng là 10kg. Ngoài việc để dùng làm thực phẩm tươi sống, ruốc tươi được người dân sử dụng làm nguyên liệu chính để chế biến xay thành ruốc bột, ruốc chua, làm mắm, làm ruốc phơi khô.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_239561_vao-mua-ruoc-bien.aspx