Vào nơi 'lâm tặc' lộng hành như rừng vô chủ
Hàng loạt cây gỗ quý như gõ, lim, táu… có đường kính từ 60cm đến hơn 1m đã bị lâm tặc đốn hạ và lấy đi, để lại ngổn ngang bìa bắp, cành ngọn và nhiều gốc cây đang rỉ nhựa.
Theo chân người dẫn đường, PV Tiền Phong xuất phát từ Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, mất nhiều giờ đồng hồ di chuyển bằng cả xe máy và đi bộ để có mặt tại khu vực Xã Biên, thuộc đội 11 (Lâm trường Trường Sơn), thuộc Xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
Tại đây, lâm tặc đã lợi dụng việc khai thác keo tràm để vào rừng tự nhiên đốn hạ hàng loạt cây gỗ quý có đường kính từ 60cm đến hơn 1m.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, cách bìa rừng tràm vừa khai thác chừng 200 mét, có đến hàng chục cây gỗ lớn vừa bị đốn hạ chủ yếu gõ, lim và táu. Sau khi khai thác và mang gỗ đi, lâm tặc đã đốt cháy nhiều gốc và cành ngọn để che dấu.
Hiện trường cho thấy việc khai thác gỗ chỉ diễn ra cách đó vài ba ngày. Phần lớn gỗ khai thác xong lâm tặc đã lấy đi, tuy nhiên vẫn còn nhiều cây gỗ lớn chỉ mới vừa đốn hạ chưa được cưa xẻ.
Tiếp tục di chuyển đến một khu vực khác cũng vừa khai thác keo tràm xong, cũng tình trạng tương tự, nhiều cây gỗ lớn vừa bị đốn hạ và mang đi chưa lâu. Cách đó không xa thì tiếng máy cưa xăng vẫn gầm rú.
Những khu vực này đều có đường ô tô vào đến mép bìa rừng. Người dẫn đường cho biết, lâm tặc lợi dụng việc vào chở keo tràm để vận chuyển gỗ khai thác trái phép.
Tại khu vực Xã Biên này, có hàng trăm hecta rừng tràm được trồng và khai thác nhiều lần từ hơn 10 năm nay. Theo người dẫn đường, hầu hết những khu vực rừng tự nhiên giáp với khu vực rừng keo tràm đều bị lâm tặc khai thác trộm gỗ trong nhiều năm nay.
Theo đó, lâm tặc lợi dụng việc khai thác keo tràm để đưa máy móc mở đường vào tận bìa rừng, tiện cho việc phá rừng “trộm” gỗ. Hầu hết gỗ rừng khai thác trái phép được dấu bên dưới thùng xe, sau đó xếp gỗ keo tràm lên phía trên rồi vô tư “lọt” hàng loạt chốt, trạm bảo vệ rừng của lâm trường, Kiểm lâm, Biên phòng… để về xuôi.
Điều ngạc nhiên, để vào được khu vực rừng bị phá nói trên, chỉ có một con đường độc đạo duy nhất và ngay đầu lối vào còn đường này có chốt bảo vệ rừng. Không những thế, trên đường về xuôi, cũng duy nhất môt con đường độc đạo với nhiều trạm bảo vệ rừng, trạm kiểm tra lâm sản của các cơ quan chức năng như lâm trường, Kiểm lâm, Biên phòng…