Vào rẫy hái nấm vừa mọc sau mưa để ăn, 3 người trong gia đình nguy kịch
Sau bữa ăn khoảng 12 tiếng đồng hồ, vợ chồng anh T. và con gái (12 tuổi) bị đau bụng, nôn mửa ra máu, chóng mặt, đi ngoài phân lỏng. Các nạn nhân sau đó được người thân đưa vào bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu.
Báo Lao động đưa tin, ngày 6/5, bệnh viện Đà Nẵng cho biết, 1 trong 3 bệnh nhân bị ngộ độc nấm tại Quảng Ngãi vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Trước đó, anh Đinh Văn T. (39 tuổi), người dân tộc Ca Dong, trú tại xã Sơn Tân, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã vào rẫy hái nấm (chưa xác định tên) có màu trắng, vừa mọc sau mưa để về chế biến món ăn tối.
Sau bữa ăn khoảng 12 tiếng đồng hồ, vợ chồng anh T. và con gái (12 tuổi) bị đau bụng, nôn mửa ra máu, chóng mặt, đi ngoài phân lỏng. Riêng 3 người con còn lại trong nhà do không ăn nấm nên sức khỏe bình thường.
Các nạn nhân sau đó được người thân đưa vào bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu. Tuy nhiên sau 2 ngày điều trị, con gái anh T. được chuyển ra bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, 2 vợ chồng anh T. được chuyển ra bệnh viện Đà Nẵng do tình hình chuyển biến nặng.
Theo Infonet, BS.CKII Hà Sơn Bình, phụ trách khoa Hồi sức chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, bệnh viện tiếp nhận người vợ trong tình trạng rối loạn tri giác, sau đó hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan cấp, suy thận cấp. Người chồng triệu chứng ngộ độc xảy ra chậm hơn, tỉnh táo, tiếp xúc được, tổn thương gan.
“Các bác sĩ đã tích cực điều trị, thải độc qua đường tiêu hóa và tiết niệu cho 2 bệnh nhân. Tuy nhiên người vợ diễn tiến nặng, nhiễm độc gan nặng, suy gan cấp nên phải thay huyết tương, lọc máu liên tục, thở máy. Các bác sĩ vẫn đang theo dõi sát sao, tích cực cứu chữa cho bệnh nhân” – BS.CKII Hà Sơn Bình cho hay.
Theo ông, tùy từng loại nấm mà xuất hiện triệu chứng ngộ độc trước 6 giờ hoặc xuất hiện muộn từ 6 đến 40 giờ sau khi ăn. Những trường hợp ngộ độc sau 6 giờ hoặc muộn hơn có tổn thương gan, thận, tiên lượng nặng hơn.
Ngộ độc nấm thường gây đau bụng, nôn mửa, hoa mắt, chóng mặt, đi ngoài phân lỏng, toàn thân mệt mỏi, da xanh tái, co giật, khó thở… Thậm chí, độc tố của một số loại nấm có thể gây liệt thần kinh, phá hủy tế bào gan, thận, dẫn đến hôn mê, tử vong.
Đối với những trường hợp ngộ độc nấm, suy gan cấp, việc điều trị nội khoa thường thất bại, chỉ có biện pháp duy nhất là ghép gan. Tuy nhiên, việc ghép gan thường rất khó khăn do chi phí cao, khó tìm được gan tương thích để ghép và không phải cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện được.
“Vì thế việc cấp cứu ban đầu cho các ca ngộ độc nấm là hết sức quan trọng. Ngay sau khi có biểu hiện ngộ độc, người dân cần nhanh chóng thải độc ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn để nôn sạch toàn bộ thức ăn, hoặc dùng than hoạt tính có tác dụng làm giảm chất độc, sau đó đến ngay cơ sở y tế có đủ năng lực chuyên môn để điều trị sớm!” – BS.CKII Hà Sơn Bình chia sẻ.
Ông cho biết, mới đây có trường hợp 3 cháu gái ở huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) hay 4 người trong một gia đình tại huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) sau khi ăn phải nấm độc đều tử vong... Mặc dù nguy hiểm vậy nhưng người dân vẫn rất chủ quan, chưa có kiến thức phân biệt nấm lành và nấm độc.
“Những loại nấm vừa mọc sau mưa có màu sắc sặc sỡ thường là nấm độc và rất nguy hiểm. Người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại, nguồn gốc nấm. Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, nấm màu trắng hoặc có màu sắc sặc sỡ. Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc” – BS.CKII Hà Sơn Bình khuyến cáo.
Quốc Tiệp (t/h)