Vào 'tâm bão' (kỳ 2)

Nhân viên y tế lấy mẫu một người trong khu vực phong tỏa để xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Kỳ 2: Nào mình cùng đi... lấy mẫu

Chiếc xe tải dừng lại phía trước “đại bản doanh” 66-68 Phan Đình Phùng (TP Tuy Hòa), Liền và Toán nhanh nhẹn bê mấy cái thùng đựng vật tư y tế lên xe, không quên đem theo lốc nước suối. Xong, Toán leo lên thùng xe còn tôi và Liền ngồi trước cabin. Chiếc xe già nua khụt khịt rồi lăn bánh, qua cầu Đà Rằng.

Vào nơi phong tỏa

Nhân viên y tế phường Phú Thạnh dẫn đường, đưa chúng tôi đến một xóm nhỏ - nơi có điểm phong tỏa phòng, chống dịch COVID-19. Nhiệm vụ của Liền và Toán là lấy dịch tỵ hầu của những người sống trong điểm phong tỏa này để xét nghiệm SARS-CoV-2.

Tôi nhớ có lần, BSCKII Nguyễn Học, Phó Trưởng Khoa Hóa sinh - Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên nói rằng khi nhân viên y tế lấy mẫu dịch họng và dịch tỵ hầu, người được lấy mẫu bị kích thích, cảm thấy khó chịu. Họ có thể ho, hắt hơi hoặc nôn. Nếu người đó đã nhiễm SARS-CoV-2, nguy cơ lây nhiễm rất cao… Để có kết quả xét nghiệm chỉn chu là cả một quy trình, từ lấy mẫu, xử lý mẫu đến đọc kết quả. Tất cả những công việc đó đòi hỏi người làm phải có kiến thức và có tinh thần trách nhiệm cao.

Căn nhà đầu tiên trong điểm phong tỏa đóng cửa im ỉm, gọi mãi không nghe trả lời, nhưng bên trong vọng ra tiếng TV. Từ căn nhà kế bên, một phụ nữ luống tuổi xuất hiện. Khi biết nhân viên y tế đến lấy mẫu, bà ấy quay vô nhà, nói với con: “Qua kêu mấy đứa nhỏ qua hết đây”. Rồi, trong khi Toán chuẩn bị “đồ nghề”, người đàn bà lớn tuổi than thở: “Tui đã nói với nó rồi, thôi nghỉ ở nhà chớ sợ quá. Nhưng nó nói dịch giã vầy, có việc thì đi làm. Ai ngờ…”. Bà mẹ có con nhiễm SARS-CoV-2 bỏ lửng câu nói, thở dài.

Việc lấy dịch tỵ hầu diễn ra nhanh chóng với 3 người lớn và 5 đứa trẻ. Tất nhiên là chẳng dễ chịu gì. Thằng bé nhỏ tuổi nhất có vẻ căng thẳng. Bà nó trấn an rằng không sao đâu, nhưng cũng dọa là nếu không lấy được mẫu thì chú này sẽ đưa tới khu cách ly tập trung. Thế là thằng bé ngoan ngoãn ngồi im.

Xong việc, Toán xách túi sang ngôi nhà khác, gần đó. Người phụ nữ chủ nhà hỏi đã lấy mẫu bọn trẻ bên kia chưa. Toán nói lấy rồi, chị ta càm ràm: “Sao hồi nãy không qua đây lấy trước?”. Cứ như thể nhân viên y tế “dẫn” virus từ “bên đó” qua “bên này”.

Tổ lấy mẫu trở về sau buổi làm việc. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Tổ lấy mẫu trở về sau buổi làm việc. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

“Ngày nào cũng là thứ hai, hết dịch sẽ là chủ nhật”

Bùi Văn Toán và Nguyễn Thị Liền - những người đi lấy mẫu trên chiếc xe già nua - là nhân viên y tế ở Tây Hòa, được tăng cường đến TP Tuy Hòa khi dịch bùng phát tại Bình Kiến. Toán là kỹ thuật viên X-quang, Liền là y sĩ đa khoa định hướng y học cổ truyền.

“Lúc mới được điều đi, em cảm thấy hoang mang, gia đình lo lắng. Nhưng xuống dưới này rồi cũng quen, giờ hết lo rồi”, y sĩ sinh năm 1992 chia sẻ. Lúc đầu, Liền, Toán tham gia tổ lấy mẫu trong cộng đồng cùng 2 sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng. Toán kể: “Tổ đi liên tục, có những hôm đi đến 9-10 giờ, thậm chí 11 giờ đêm, lấy hơn một nghìn mẫu”.

Sau khi các đơn vị rút bớt người về để tập trung vào công tác phòng, chống dịch tại địa phương, lực lượng lấy mẫu không còn đông như trước, Liền xung phong vào tổ này, lấy mẫu trong khu vực phong tỏa. Cô không nói cho cha mẹ ở Hòa Thịnh biết công việc cụ thể của mình, để họ khỏi lo lắng.

“Tụi em đi gần cả tháng chưa về nhà. Mấy chị có con nhớ con lắm nhưng đâu biết làm sao. Đang dịch mà. Tụi em cũng không còn khái niệm thứ, ngày. Ngày nào cũng là thứ hai. Khi hết dịch, về nhà thì ngày đó sẽ là chủ nhật”, Liền nói vậy.

Cuối buổi chiều, tại 66-68 Phan Đình Phùng, tôi gặp 2 nhân viên y tế từ huyện Phú Hòa tăng cường đến thành phố. Sau gần một tháng đồng hành với các đồng nghiệp tại Tuy Hòa, hôm ấy họ nhận lệnh trở về địa phương. Trông họ có vẻ bồn chồn. Chị Dương Thị Bích Hồng, nhân viên y tế xã Hòa Trị cho biết chị và đồng nghiệp đang đợi lấy mẫu xét nghiệm chính họ trước khi trở về Phú Hòa.

Từ Sông Cầu, Trần Thị Hồng Nhi, nhân viên y tế Khoa Khám - Cấp cứu, Trung tâm Y tế thị xã được tăng cường vào Tuy Hòa từ ngày 28/6, tham gia lấy mẫu trong khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa, sau đó lấy mẫu trong cộng đồng. Cùng tổ có y sĩ Nguyễn Nhật Trường, làm việc tại Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế TX Sông Cầu, cũng vào đây từ 28/6. Trường chia sẻ: “Vào tâm dịch, ai cũng lo vì có nguy cơ cao từ những người mà mình tiếp xúc. Nhưng vì cộng đồng, vì mọi người thì mình cố gắng”. Tham gia chống dịch tại Tuy Hòa, anh Trường vô cùng nhớ con gái mới 26 tháng tuổi, cô nhóc cũng nhớ cha.“Xem TV, thấy xe cứu thương và có người mặc đồ phòng hộ là con bé kêu ba, ba”, anh Trường kể về con, ánh mắt bừng sáng.

Những người đi lấy mẫu có “bị” lấy mẫu không? Đương nhiên có. 3 ngày lấy mẫu test một lần. Cảm giác rất là… không dễ chịu!

Tình nguyện góp sức chống dịch

Chỉ mấy ngày sau khi Phú Yên ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, sáng 29/6, một đồng nghiệp ở VTV gọi điện cho tôi. Người bạn của cô ấy muốn tham gia chống dịch. Tôi hăng hái kết nối với Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa. Ngay sau đó, cậu ấy - y sĩ Nguyễn Ngọc Hòa, “đầu quân” về Trạm Y tế phường 9.

Tròn một tháng kể từ ngày Hòa tình nguyện tham gia chống dịch, tôi gọi điện cho cậu ấy. Hóa ra y sĩ sinh năm 1996 này quê ở Bình Định, từng làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, sau đó chuyển sang Thiên Trường Yoga, hướng dẫn tập yoga trị liệu, tập vận động cho những người có vấn đề về sức khỏe. Khi dịch bệnh bùng phát, phòng tập yoga đóng cửa. “Tôi nghĩ mình có sức trẻ, từng làm việc trong ngành Y nên muốn góp sức chống dịch trên mảnh đất mà mình gắn bó”, Hòa chia sẻ về quyết định của mình.

Tại Trạm Y tế phường 9, Hòa tham gia tiếp nhận khai báo y tế và truy vết trên địa bàn phường. “Ban đầu cũng lo, nhưng sau một thời gian, hiểu được công việc này và mức độ của bệnh thì không còn lo lắng nữa. Ba má ở Bình Định cũng động viên; các anh chị ở trạm y tế hỗ trợ tôi trong công việc. Tôi sẽ tham gia cho đến khi nào tình hình ổn định”, Hòa cho biết.

Đến 66-68 Phan Đình Phùng, tôi gặp khá nhiều tình nguyện viên đang chung sức chống dịch. Kỹ thuật viên Huỳnh Thị Mỹ Dung ở Phú Hòa, làm việc tại Phòng khám Mắt - Da liễu Khánh Phi (TP Tuy Hòa) đã xung phong vào “tâm bão” từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh. Cô gái sinh năm 1995 này nói rất giản dị: “Thành phố mình cần người tham gia chống dịch thì em đi thôi”. Mỹ Dung cho biết, ngoài Phòng khám Mắt - Da liễu Khánh Phi, Nha khoa Thiên Chương (TP Tuy Hòa) có 3 người tình nguyện tham gia chống dịch.

Lực lượng tình nguyện viên hùng hậu nhất là sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng. Theo bạn trẻ Nguyễn Thế Trường, sinh viên năm 2 ngành Y đa khoa, Thế Trường cùng hơn 80 sinh viên và 20 cán bộ, giảng viên Trường đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng có mặt tại Phú Yên từ ngày 4/7. Lực lượng được chia ra, mỗi đội từ 12-14 người hỗ trợ các địa phương, riêng tại TP Tuy Hòa có hơn 30 người. Thế Trường từng tham gia chống dịch tại Đà Nẵng hồi tháng 7/2020. “Chống dịch ở đâu cũng cực; nếu người dân hợp tác với ngành Y tế thì dịch sẽ nhanh được khống chế. Niềm vui của em là khi người dân hợp tác với mình để mình hoàn thành công việc”, Thế Trường chia sẻ. Chiều 25/7, sinh viên này cùng đoàn công tác Trường đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng chia tay Phú Yên.

Lại nói về chiếc xe tải 3 tấn đã chở chúng tôi đi lấy mẫu. Đó là một trong hai chiếc xe mà Trường cao đẳng Nghề Phú Yên hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại Tuy Hòa. Hỗ trợ xe đương nhiên kèm theo người. Vậy là, cùng một số người từ các đơn vị khác, ông Phạm Hùng Tiển, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe và ông Đinh Phước Hữu, Tổ trưởng Tổ thực hành, trở thành “cán bộ đường lối” cho nhân viên y tế.

Ông Tiển chia sẻ: “Điều anh em đi người ta cũng ngại, mình xung phong đi. Tưởng đâu đi một hai ngày, hóa ra đi từ ngày 6/7 tới giờ. Bạn bè hỏi chừng nào nghỉ, rồi nói vui chắc khi… dương tính mới nghỉ”.

Thành phố mình cần người tham gia chống dịch thì em đi thôi.

Tình nguyện viên Huỳnh Thị Mỹ Dung

Kỳ cuối: Những người giữ nhịp thở cho bệnh nhân COVID nặng

PHƯƠNG TRÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/89/262324/vao--tam-bao--ky-2.html