Vào vụ cá Bắc

Kéo dài từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nhưng vụ cá Bắc lại hay xuất hiện những đàn cá nổi, nhiều loại cá tầng đáy có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ… Do vậy, những ngày này, ngư dân các địa phương trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị ngư lưới cụ, các nhu yếu phẩm để vươn khơi vào vụ cá Bắc.

 Các tàu cá xa bờ đã sẵn sàng ra khơi đánh bắt vụ cá Bắc

Các tàu cá xa bờ đã sẵn sàng ra khơi đánh bắt vụ cá Bắc

Trao đổi với chúng tôi khi đang cùng các bạn thuyền tập trung tu sửa máy móc, ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi đánh bắt vụ cá Bắc, ngư dân Võ Thanh Tấn ở tại Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, chủ tàu cá số hiệu QT 91379TS công suất 444 CV cho biết, vụ cá Bắc nước biển lạnh, cá thường ra xa bờ nên chủ yếu là khai thác các loại cá tầng đáy với các nghề như lồng bẫy, rê đáy, rê bùng nhùng… Mặc dù sản lượng trong vụ cá Bắc không cao, bình quân mỗi chuyến biển từ 7 - 10 ngày chỉ đánh bắt được từ 0,8 - 1 tấn, cao nhất cũng chỉ từ 1,5 - 2 tấn, tuy nhiên, khác với vụ cá Nam, trong vụ cá Bắc các đối tượng thủy sản đánh bắt được thường có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, cá bè… nên tính ra mỗi chuyến biển cũng mang lại thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng.

Theo ông Tấn, điểm đáng lưu ý trong vụ cá Bắc đó là thời tiết không thuận lợi, sóng to gió lớn, nhiều khi lên đến cấp 5, cấp 6. Do đó, để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá thì việc kiểm tra, tu sửa máy móc trước khi ra khơi là hết sức cần thiết. “Để vào vụ cá Bắc này, tôi đã tu sửa lại máy móc trang thiết bị, mua sắm vàng lưới rê bùng nhùng dài hơn 1.200 m, bốc xếp đầy đủ nhiên liệu, nhu yếu phẩm… để vươn khơi bám biển. Ngư trường dự kiến là khu vực vịnh Bắc Bộ, xung quanh đảo Bạch Long Vĩ đến ngoài khơi Đà Nẵng. Cái khó lớn nhất của vụ cá Bắc là đánh bắt xa bờ, ngư dân luôn phải đối mặt với hiểm nguy, rủi ro trên biển. Để đối phó với sóng gió, giông lốc, ngư dân ra khơi luôn liên kết tương trợ lẫn nhau theo mô hình tổ, đội hợp tác sản xuất trên biển”, ông Tấn cho hay.

Theo lão ngư Bùi Đình Sành, Tổ trưởng Tổ tự quản tàu thuyền Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, Khu phố 5 là đơn vị có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ trong vụ cá Bắc lớn nhất tỉnh với tổng cộng 40 tàu cá có công suất từ 450 - 1.000 CV, trong đó có 4 tàu vỏ thép. Ngành nghề khai thác chủ yếu là lưới rê bùng nhùng. Điểm đặc biệt của nghề lưới rê này là biển càng động, nước càng “cáu” thì mới “bủa” được nhiều cá nên trong vụ cá Bắc các tàu cá của khu phố thường xuyên bám biển dài ngày, việc phải đối mặt với sóng gió cấp 7, cấp 8 là chuyện bình thường. Do vậy, để đảm bảo an toàn, các chủ tàu đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền, ngư lưới cụ, trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc…

Ông Sành chia sẻ, nhờ nỗ lực bám biển nên vụ cá Bắc năm 2018 - 2019 vừa qua, các tàu cá trên địa bàn khu phố đã đánh bắt được hàng trăm tấn thủy sản với các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ… Chỉ tính riêng trong vụ cá Bắc vừa qua, bình quân mỗi lao động có thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng. Trong đó có một số chủ tàu như Nguyễn Văn Ngọc, Võ Văn Huynh sau khi trừ chi phí và chia cho các bạn thuyền có thu nhập từ 1 - 1,2 tỉ đồng. Đây chính là động lực để ngư dân vào vụ cá Bắc 2019 - 2020 tự tin hơn, nhất là khi đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng.

Huyện Gio Linh là địa phương có số lượng tàu thuyền lớn nhất tỉnh với 939 tàu thuyền khai thác thủy sản và dịch vụ, tổng công suất 78.914 CV, trong đó có 169 tàu xa bờ. Năm 2018, sản lượng thủy sản đánh bắt toàn huyện đạt gần 12.500 tấn. Toàn bộ các tàu cá xa bờ đều được lắp đặt máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị vệ tinh (GPS), có 37 tàu xa bờ chuyển đổi công nghệ đèn cao áp sang đèn led để tiết kiệm nhiên liệu, giúp ngư dân giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.

Ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết: Theo kế hoạch, năm 2019 huyện dự kiến sẽ khai thác 14.000 tấn thủy, hải sản. Từ đầu năm 2019 đến nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư trường ổn định, nguồn thủy hải sản rất phong phú nên ngư dân trong huyện đã đẩy mạnh khai thác đạt sản lượng và giá trị cao. Theo thống kê, đến thời điểm này sản lượng khai thác thủy sản đã đạt 88,6% kế hoạch đề ra. UBND huyện cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên ngư dân huy động mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, tăng năng lực đánh bắt của tàu xa bờ; mua sắm thêm lưới nghề và các phương tiện phục vụ đánh bắt, thông tin liên lạc. Chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân tổ chức hoạt động sản xuất trên các vùng biển theo mô hình tổ, đội sản xuất trên biển; bám sát ngư trường, phát hiện ngư trường mới, tranh thủ thời gian thuận lợi trong năm để vừa khai thác vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam, ngành nghề khai thác chính trong vụ cá Bắc là nghề lưới rê nên đối tượng đánh bắt chủ yếu là cá thu, cá ngừ, mực nang, mực ống… Bên cạnh đó, nghề lưới vây và pha xúc cũng tranh thủ những thời điểm thời tiết thuận lợi để ra khơi đánh bắt. Nhờ vậy, trong vụ cá Bắc 2018 - 2019, sản lượng khai thác toàn tỉnh đạt hơn 9.000 tấn, nhiều ngư dân trúng những mẻ lưới có sản lượng lớn và giá trị cao như ngư dân Lê Văn Viện, Lê Văn Tuấn, Hồ Văn Thaờ̉ tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh. Đối với vụ cá Bắc 2019 - 2020, để hỗ trợ ngư dân Chi cục Thủy sản đang tích cực phối hợp với các địa phương ven biển trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017; các nội dung theo Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); các quy định về khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo đảm an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động khai thác trên biển. Khuyến khích các chủ tàu khai thác xa bờ lắp đặt hệ thống bảo quản sản phẩm hải sản sau thu hoạch bằng bột xốp Polyuethane (PU), lót hầm tàu cá bằng inox...

Ứng dụng các tiến bộ khoa học trên tàu cá như máy tời thủy lực, đèn led; trang bị máy dò ngang, ra đa, máy thông tin liên lạc tầm xa..., mở rộng ngư trường khai thác xuống các vùng biển xa và biển phía Nam. Khuyến cáo ngư dân đánh bắt hải sản theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để tương trợ lẫn nhau khi thời tiết biến động, đồng thời giúp nhau ổn định đầu ra sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng có liên quan, các địa phương tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra về khai thác hải sản trên biển. Kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định và xử lí tàu cá khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. “Với sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan chuyên môn, các địa phương cùng với sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo của các ngư dân, tin tưởng rằng các ngư dân sẽ tiếp tục có một vụ cá Bắc thành công, hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra”, ông Nam khẳng định.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143659