Vấp chỉ trích về bảo tồn văn hóa, Hanbok vẫn 'nổi như cồn' nhờ K-pop
Hanbok cách tân trong MV 'How You Like That' của nhóm nhạc K-pop BlackPink đã nhanh chóng trở thành mặt hàng thời trang 'hot' song đang vấp phải nhiều tranh cãi khi bị coi là làm mai một các giá trị văn hóa Hàn Quốc.
Nhóm nhạc K-pop BlackPink đã giúp trang phục truyền thống của Hàn Quốc được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn. (Nguồn: The Korea Times)
Dẫn đầu xu thế
Ngày nay, người dân Hàn Quốc mặc Hanbok với những đường nét thanh lịch và màu sắc rực rỡ trong những dịp lễ đặc biệt. Tuy nhiên, trang phục truyền thống này đã trở thành một món hàng thời trang cho giới trẻ và các du khách nước ngoài nhờ công truyền bá của các ngôi sao K-pop và các bộ phim truyền hình Hàn Quốc.
Khi nhóm nhạc BlackPink phát hành video âm nhạc đình đám “How You Like That” vào cuối tháng 6, chính thời trang chứ không phải âm nhạc của nhóm mới là điểm nhấn của MV.
Trong MV sở hữu hơn 293 triệu lượt xem trên YouTube, trang phục truyền thống của người Hàn Quốc - Hanbok, đã được thiết kế cách điệu mà vẫn giữ nguyên vẹn các đặc trưng truyền thống. Điều đó khiến cho các fan toàn cầu mê mẩn và muốn tìm cách khám phá vẻ đẹp truyền thống này của xứ sở kim chi.
Các thành viên trong nhóm BlackPink đều là một trong những ngôi sao thời trang hàng đầu thế giới. (Nguồn: Instagram)
Các thành viên nhóm BlackPink được thế giới công nhận là các tín đồ thời trang hàng đầu. Sở hữu gu thời trang hoàn hảo, 4 cô nàng của nhóm nhạc nổi danh đã trở thành gương mặt đại diện cho nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ trên thế giới. Chẳng hạn, Jennie là đại diện cho nhãn hàng Chanel, Rose là đại sứ toàn cầu của thương hiệu Saint Laurent, trong khi Jisoo là đại sứ sắc đẹp của Dior, còn Lisa là nàng thơ của Celine.
Trong MV “How You Like That” giành được nhiều danh hiệu kỷ lục Guinness thế giới với lượng người xem nhiều nhất trên YouTube trong vòng 24 tiếng, các thành viên của BlackPink mặc “trang phục Hanbok cách tân” với các đặc trưng truyền thống, màu sắc tươi sáng, họa tiết in đậm nhưng vẫn đủ thoải mái để nhảy.
Sự sáng tạo đó đã khiến Blinks - cộng đồng fan BlackPink toàn cầu, hoàn toàn bị mê hoặc. Các trang phục truyền thống của Hàn Quốc cũng thu hút được sự chú ý của toàn thế giới.
Trước đó, nhóm nhạc K-pop này còn mặc Hanbok cách tân trong màn trình diễn trong chương trình The Tonight Show Starring Jimmy Fallon trên đài NBC của Mỹ.
Tôn trọng hay hủy hoại giá trị truyền thống?
Mặc dù thu hút sự chú ý không nhỏ của cả giới truyền thông và người hâm mộ, trang phục Hanbok cách tân vấp phải không ít ý kiến trái chiều về việc bảo tồn giá trị văn hóa. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng, nhóm nhạc K-pop này đã quảng bá thành công Hanbok ra khắp thế giới.
Nhiều tài khoản YouTube đã ca ngợi trang phục và diện mạo mới của BlackPink. Một fan viết: “Trang phục thật lộng lẫy. Liệu tôi có thể sở hữu trang phục của các cô gái không?”. Tài khoản khác bình luận: “Trời ơi! Tôi chỉ để ý đến trang phục và bộ móng của BlackPink.”
BlackPink không phải nhóm nhạc K-pop đầu tiên kết hợp các yếu tố truyền thống trong trang phục của Hàn Quốc vào âm nhạc K-pop. Vào năm 2018, nhóm nhạc nam BTS đã mặc trang phục Hanbok có màu đen và màu vàng trong MV Idol ra mắt hồi cuối tháng 8.
Đầu tháng 5 vừa qua, thành viên Suga của nhóm BTS đã mặc Hanbok trong MV ca khúc solo Daechwita - một minh chứng sáng rõ cho sự hợp nhất của các yếu tố truyền thống âm nhạc và hình ảnh Hàn Quốc. Bộ trưởng Văn hóa Park Yang-woo ca ngợi nam ca sĩ Suga vì đã kết hợp các yếu tố truyền thống vào bài hát của mình. Ông Park cũng gợi ý bài hát này tới các học sinh nước ngoài tại Hàn Quốc.
Thành viên Suga của nhóm BTS xuất hiện trong trang phục Hanbok ở MV ca khúc solo Daechwita. (Nguồn: Edtimes)
Trong một diễn đàn mở về chủ đề “Mặc trang phục của chúng ta đúng cách” vào năm 2018, Giáo sư Keum Jong-suk (Đại học Di sản Văn hóa Hàn Quốc) chia sẻ: “Tôi lo lắng rằng Hanbok truyền thống đang mất dần vị trí của mình trong xã hội”.
Nhà thiết kế Danha - người sáng tạo ra Hanbok cách tân cho Jennie và Rose giải thích rằng, đội ngũ phong cách thời trang của BlackPink đã cách điệu hơn nữa các trang phục để đảm bảo chúng không cản trở hoạt động của các nghệ sĩ.
Thí dụ, Hanbok của Rose được lấy cảm hứng từ Cheollik, một loại trang phục quân đội, trong khi Hanbok của Jennie là một chiếc áo choàng phượng, vốn được các học giả mặc dưới thời Joseon.
Sau khi ra mắt trung tâm mua sắm trực tuyến toàn cầu, theo nhà thiết kế Danha, số lượng khách hàng trong nước và quốc tế đặt mua Hanbok cách tân đã tăng lên đáng kể. Khoảng một nửa khách hàng trong số đó đến từ Mỹ, tiếp theo là Trung Quốc, châu Âu và Đông Nam Á.
Đối với những lời chỉ trích rằng việc các thiết kế Hanbok “cách tân” đang làm sai lệch truyền thống đích thực, Danha đồng ý rằng, mặc dù mọi người có thể có quan điểm không giống nhau trong việc duy trì truyền thống, điều quan trọng hơn là giữ giá trị cốt lõi của truyền thống ở trong trái tim mình.
“Cách tân Hanbok không có nghĩa là tôi không tôn trọng hay coi nhẹ truyền thống. Tôi muốn quảng bá Hanbok có thêm sức hấp dẫn đa dạng, hơn là chỉ thể hiện nét thanh lịch và nữ tính. Tôi cũng muốn Hanbok giành được một chỗ đứng trong thị trường thời trang nước ngoài”, Danha nói.