Vấp loạt thách thức hậu Brexit, giới nghệ sĩ Anh thúc giục hành động
Một nhóm nghị sĩ đa đảng tại Anh đã đề nghị chính phủ nên chỉ định một quan chức phụ trách vấn đề hoạt động nghệ thuật tại nước ngoài của các nghệ sĩ nước này. Họ đã phải đối mặt với nhiều khó khăn kể từ khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Theo hãng tin BBC, các nghệ sĩ Anh đang phải đối mặt với chi phí tăng cao của việc xin thị thực và vận chuyển các công cụ mà các ban nhạc đã gặp phải kể từ Brexit.
Theo một nhóm nghị sĩ Anh, một số dàn nhạc phải đối mặt với hóa đơn 5.000 bảng mỗi khi họ biểu diễn ở nước ngoài. Họ cho biết thêm ngành công nghiệp nghệ thuật này đang phải đối mặt với một "cuộc khủng hoảng" đòi hỏi hành động "khẩn cấp".
Trong một báo cáo quan trọng về tình trạng lưu diễn hậu Brexit, hơn 100 nghị sĩ và thành viên của Hạ viện Anh đã cảnh báo rằng các nhạc sĩ và nghệ sĩ nước Anh đang "đối mặt với nhiều chi phí hơn, thủ tục phức tạp hơn và có ít cơ hội hơn" kể từ khi Vương quốc Anh rời EU vào cuối tháng 1 năm 2020.
Nghị sĩ Công đảng Kevin Brennan, một thành viên của nhóm nghị sĩ trên cho biết: "Đã hơn hai năm kể từ Brexit, nhưng vẫn rất nhiều vấn đề còn chưa được giải quyết".
Đáp lại, một phát ngôn viên cho biết chính phủ Anh vẫn đang "hỗ trợ các nhạc sĩ của Vương quốc Anh thích nghi với sự thay đổi và làm cho chuyến lưu diễn dễ dàng hơn".
Các trang thiết bị bị mắc kẹt
Ban nhạc rock White Lies đau đớn nhận ra tình hình này vào tháng Tư năm nay.
Nhóm nhạc này, với số lượng người hâm mộ khổng lồ ở châu Âu, đã phải hủy ngày đầu tiên của chuyến lưu diễn năm 2022, sau khi thiết bị của họ bị vướng vào quy trình kiểm tra biên giới tại Dover.
"Đó là một thảm họa thực sự," tay trống Jack Lawrence-Brown nhớ lại.
"Chiếc xe tải của chúng tôi chở tất cả thiết bị, tất cả đèn và đồ dùng sân khấu cho buổi biểu diễn và bị kẹt trong một hàng dài phương tiện chờ kiểm tra trong hai hoặc ba ngày", Jack Lawrence-Brown chia sẻ.
"Trong một chuyến lưu diễn châu Âu, chúng tôi cần mọi buổi biểu diễn thực sự thành công. Và đó là một cú sốc lớn đối với chúng tôi khi bắt đầu chuyến lưu diễn bảy tuần nhưng buổi biểu diễn đầu tiên không kịp diễn ra", Jack Lawrence-Brown nói.
Sau vụ việc này, Lawrence-Brown cho biết ban nhạc đã phải đưa thêm thời gian vào lịch trình của họ để giải quyết bất kỳ sự chậm trễ nào sau Brexit. Tuy nhiên, điều đó dường như vẫn chưa đủ.
"Tôi không biết là những nghệ sĩ mới với khả năng kinh tế và tài nguyên hoạt động ít hơn chúng tôi sẽ phải đối phó ra sao với tình hình này", Jack Lawrence-Brown nói thêm.
Tác động lên các nhóm nhạc mới cũng được nghệ sĩ kỳ cựu Elton John đưa ra. Ông đã thông tin với nhóm nghị sĩ Anh rằng chính phủ nước này đã lãng phí một "cơ hội vàng" để giải quyết các vấn đề xung quanh việc lưu diễn trong thời gian diễn ra phong tỏa phòng dịch Covid-19.
Elton John cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản: "Trong khi một số tiến bộ đã được thực hiện, cơ hội đã bị bỏ qua. Nhịp đập và tương lai của ngành công nghiệp sôi động này phải đối mặt với việc bị mắc kẹt mà không phải do lỗi của họ."
Năm ngoái, hơn 200 nghệ sĩ bao gồm Radiohead, Rick Astley và Little Mix đã phát động một chiến dịch mang tên #LetTheMusicMove, trong đó nhấn mạnh rằng những hạn chế về hoạt động lưu diễn châu Âu sẽ "đe dọa sự thành công trong tương lai của ngành âm nhạc Anh" và có thể dẫn đến "sự sụp đổ của ngành công nghiệp này".
Cấp bách giải quyết khuyến nghị, mở đường cho ngành nghệ thuật nước Anh
Ca sĩ Katie Melua thông tin với chiến dịch này rằng cô đã từ chối một số lần xuất hiện trên truyền hình châu Âu do không chắc chắn về các hạn chế đi lại. "Đương nhiên, điều này có tác động đến doanh thu trong các chương trình phát trực tuyến và số liệu bán các sản phẩm âm nhạc", cô nói thêm.
Thêm vào đó, ngành kinh doanh nhạc sống ước tính sử dụng 30.000 người tại Vương quốc Anh. Các nghệ sĩ Anh có số hợp đồng biểu diễn ở EU nhiều gấp 4 lần Mỹ; và người ta ước tính rằng 80% các chuyến lưu diễn hoạt động trên khắp Vương quốc Anh và châu Âu đến từ các nhóm nhạc Anh.
Trong bản báo cáo trên, các nghị sĩ cũng cho rằng các vấn đề về thủ tục, giấy tờ nảy sinh từ Brexit đã "làm tắc nghẽn động mạch của ngành âm nhạc" và "cản trở khả năng cạnh tranh" của các ban nhạc Anh. Họ cũng đưa ra một số khuyến nghị như: Bổ nhiệm một quan chức phụ trách để chỉ đạo phản ứng của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng này; làm việc với EU để đi đến một thỏa thuận hỗ trợ cho hoạt động lưu diễn; mở một quỹ hỗ trợ tạm thời để giúp ngành công nghiệp âm nhạc đối phó với chi phí gia tăng và mở rộng số lượng các điểm kiểm tra giấy tờ tại biên giới để đẩy nhanh quá trình kiểm tra giấy tờ và các thiết bị âm nhạc.
Trong một tuyên bố gửi tới BBC, một người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết: "Sau khi chúng tôi đã có sự kết nối, 24 quốc gia thành viên EU, trong đó có các thị trường lưu diễn lớn nhất như Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Hà Lan đã xác nhận rằng họ sẽ hỗ trợ việc miễn thị thực và giấy phép lao động cho các nghệ sĩ biểu diễn và các chuyên gia sáng tạo khác từ Vương quốc Anh. Chúng tôi cũng đang tiếp tục làm việc với một số quốc gia còn lại chưa hỗ trợ việc miễn thị thực hoặc giấy phép lao động."