Vấp ngã và hoàn lương
Như bao người bình thường khác, những người hoàn lương cũng có ước mơ về cuộc sống ổn định và một mái ấm bình yên. Dẫu biết rằng, hành trình quay về nẻo thiện của họ là chuỗi ngày khó khăn, vất vả, nhưng bằng ý chí phấn đấu, nghị lực mạnh mẽ, một số người đã tự kiến tạo lại cuộc sống mới đầy tươi đẹp.
Sau khi tái hòa nhập cộng đồng, anh Bùi Bá Sơn ở xã Nga An (Nga Sơn) được tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ “Doanh nhân với an ninh trật tự” do Công an huyện quản lý để đầu tư phát triển kinh tế trang trại.
Từ nhỏ, anh Trần Văn S., sinh năm 1982 ở xã Nga Thạch (Nga Sơn) được biết đến là một đứa trẻ thông minh, lanh lợi. Khi đang là học sinh lớp 11, anh đã được kết nạp vào Đảng, trở thành đảng viên trẻ nhất của xã lúc bấy giờ. Thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, anh là sinh viên giỏi suốt 3 năm. Đến cuối năm thứ 4, cuộc đời anh S. rẽ sang hướng khác - một ngã rẽ “chết người” khi nghe bạn bè rủ rê đi buôn tiền giả. S. bị bắt và bị tòa tuyên án 7 năm tù giam. Trong những ngày cải tạo tại Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình), nhờ được sự quan tâm, động viên của cán bộ, chiến sĩ trại giam, S. đã nhận ra lỗi lầm và quyết tâm cải tạo, học nghề, rèn luyện tốt để được hưởng chính sách khoan hồng. Năm 2009, sau khi được đặc xá tha tù trước thời hạn, anh S. trở về địa phương nhưng vẫn còn mang nặng mặc cảm, tự ti.
Chia sẻ trong một lần tham gia giao lưu tại chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” do Tỉnh đoàn Thanh Hóa phối hợp với các trại giam trên địa bàn tỉnh tổ chức, anh S. cho biết: “Lúc mới trở về địa phương tôi gần như chỉ quanh quẩn ở trong nhà, sau đó nghĩ đến việc sẽ đi xa để lập nghiệp, làm lại cuộc đời”. Tuy vậy, sau những ngày lặn lội vào Nam tìm kiếm việc làm bất thành, anh đã quyết định trở về quê hương. Trong hành trình hoàn lương, anh S. cũng đã không đơn độc. Được gia đình, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể thường xuyên đến động viên, giúp đỡ, anh đã quyết định lập nghiệp và bắt đầu làm lại cuộc đời tại địa phương. Thông qua kênh của tổ chức đoàn, anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vay vốn, phát triển kinh tế. Từ những ngày đầu lập nghiệp khó khăn, giờ anh đã thành lập công ty xây dựng chuyên về lĩnh vực đá ốp lát và thầu các công trình xây dựng. Lợi nhuận hàng năm, sau khi giảm trừ chi phí đạt hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 10 lao động với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, trong đó có một số công nhân đã từng là phạm nhân như anh.
Vì thiếu hiểu biết, chị Nguyễn Thị L. ở khu phố Thượng Hải, phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) bị dụ dỗ vận chuyển trái phép vật liệu nổ công nghiệp từ Thanh Hóa vào Nghệ An và bị kết án 3 năm tù. Trong trại giam, do cải tạo tốt, chị được giảm án sớm 1 năm và trở về đoàn tụ với gia đình. Bước chân ra khỏi cánh cổng trại giam, chị mang tâm trạng vui, buồn lẫn lộn. Vui vì được trở về với gia đình, nhưng buồn vì không biết hai con có bị mặc cảm, hàng xóm có kỳ thị mình không... Những câu hỏi ấy đã sớm được giải đáp bằng sự chào đón của những người thân trong gia đình, hàng xóm láng giềng trong ngày chị trở về. Được Hội LHPN phường Hải Thanh tín chấp cho vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn tiết kiệm của chị em để mua nguyên liệu cá, moi chế biến nước mắm, chị đã chăm chỉ làm ăn. Cứ 4h sáng chị ra biển đón thuyền của chồng mang cá ra chợ bán. Những ngày biển động không có cá, chị lại rong ruổi lên TP Thanh Hóa, các huyện miền núi bán nước mắm để có điều kiện lo cho hai con ăn học. Dẫu cuộc sống rất khó khăn, nhưng chị đã hiểu và chấp hành luật pháp, tích cực tham gia sinh hoạt và là hội viên nòng cốt của chi hội phụ nữ khu phố Thượng Hải...
17 năm dính sâu vào ma túy, những tưởng cuộc đời và ước mơ của anh Nguyễn Hoàng T. ở phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa sẽ chấm hết. Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường của bản thân cùng sự giúp đỡ của gia đình, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là hội cựu chiến binh phường, anh đã hoàn lương. Anh tâm sự: “Đa phần những người nghiện ma túy khi mới trở về địa phương đều có tâm lý mặc cảm, tự ti, trong đó có không ít trường hợp đã quay lại con “đường cũ” chỉ vì những ánh mắt nghi kỵ từ cộng đồng. Với tôi, sau khi được giúp đỡ hoàn lương, tôi đã học được nghề sửa giày, dép. Công việc này tuy nhặt nhạnh tiền lẻ, nhưng nếu chịu khó ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn. Có được cuộc sống yên bình bên gia đình thân yêu như hiện tại, tôi đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều”.
Còn rất nhiều những số phận hoàn lương khác, trong quá khứ vì những hoàn cảnh khác nhau đưa đẩy mà họ đã phạm phải sai lầm, phải trả giá bằng những năm tháng “cơm tù áo số”. Thế nhưng phúc phận đời người, họ may mắn được nâng đỡ, cưu mang ngay khi vừa bước ra khỏi cánh cổng trại giam bởi những tấm lòng bao la trời biển. Quan trọng hơn, ý chí, nghị lực và niềm tin đã giúp họ đứng dậy sau vấp ngã. Những số phận người tù sau cải tạo như anh S., chị L. và sự quyết tâm từ bỏ ma túy làm lại cuộc đời của anh T. ví như một trang đời mới. Bởi họ đã bước qua quá khứ, vượt lên chính mình, trở thành những công dân tiêu biểu của địa phương- nơi bản thân từng vấp ngã.
Để hạn chế tình trạng phạm nhân ra tù tái phạm, thiết nghĩ chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể cần quan tâm hơn nữa đến việc tiếp nhận, quản lý, cảm hóa, giáo dục người lầm lỡ trở về; xây dựng và áp dụng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng; tạo nguồn vốn hỗ trợ, mở các lớp dạy nghề, tạo việc làm cho các đối tượng; đẩy mạnh tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/vap-nga-va-hoan-luong/179899.htm