Vấp ý kiến trái chiều khi phóng tác trang phục cổ, người trong cuộc nói gì?
'Dệt nên triều đại' là tên gọi của dự án phóng tác trang phục cung đình các triều đại phong kiến Việt Nam được thực hiện bởi những người trẻ sống xa xứ.
Khao khát hướng về cội nguồn
Thành viên của dự án “Dệt nên triều đại” là các du học sinh, những người đang sinh sống và làm việc tại Úc. Lý do để những người trẻ xa xứ cùng hội tụ trong một dự án này là tìm về văn hóa cổ truyền qua các trang phục cổ, rồi từ đó quảng bá ra nước ngoài.
Lê Ngọc Linh, thành viên sáng lập nên dự án này chia sẻ: “Khi còn ở trong nước, tôi không ý thức được sâu sắc rằng, văn hóa bản địa rất quan trọng. Khi ra nước ngoài, tôi cảm nhận rất rõ khát khao hướng về cội nguồn. Tháng 3-2017, Vietnam Centre chính thức ra đời với sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Ban đầu ý tưởng của chúng tôi chỉ đơn giản là dựng buổi trình diễn trang phục và lễ nghi để mọi người xem ngày xưa ông cha mình ăn mặc thế nào, lễ nghi ra sao”.
Dần dà, sau 9 tháng mày mò, tìm hiểu tư liệu, nhóm đã quyết định sẽ phóng tác 12 bộ trang phục của các vị vua, Thái hậu… triều Lê Sơ và tái dựng nghi lễ sắc phong Hoàng hậu thời Hậu Lê. Sở dĩ, Vietnam Centre chọn triều Lê Sơ mà không phải các triều đại gần hơn theo lý giải của nhóm này là bởi, triều đại này có trang phục đơn giản, phù hợp với kinh phí hiện tại của nhóm.
Được biết, nguồn sử liệu chính để Vietnam Centre căn cứ phục dựng trang phục là sách “Ngàn năm áo mũ” của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tranh vẽ, tượng thờ rồi thư tịch cổ được ghi lại trong “Lịch triều hiến chương loại chí” – bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam. Toàn bộ số tiền để thực hiện dự án đều được các thành viên cùng nhau bỏ tiền túi ra làm.
Chưa mang rõ “bóng dáng” Việt
Theo tiết lộ của một thành viên trong nhóm Vietnam Centre, số tiền để may các bộ trang phục kể trên không nhỏ, ví như bộ trang phục của Thái hậu lên tới 70-80 triệu đồng/bộ. Do vậy, với 12 mẫu trang phục này, số tiền các thành viên bỏ ra tương đối lớn. Dẫu vậy, ai nấy đều tin tưởng, dự án sẽ thành công, giúp người Việt hình dung cụ thể hơn về trang phục mà các “ông hoàng, bà chúa” đã mặc trước đây.
Tuy nhiên, ngay khi vừa ra mắt, các mẫu trang phục cũng đã vấp phải ý kiến của một số nhà nghiên cứu cùng những người quan tâm tới văn hóa cổ Việt Nam. Trong đó, đại đa số các ý kiến đều cho rằng, dự án làm trang phục về Việt Nam nhưng lại chưa thấy rõ bóng dáng Việt, trái lại làm người ta liên tưởng nhiều hơn tới trang phục cung đình của nhiều nước khác trong khu vực châu Á.
Nhà sưu tầm mỹ thuật Nguyễn Thị Thu Hòa cho rằng: “Trang phục của “Dệt nên triều đại” chưa có màu sắc hài hòa và kiểu dáng cân đối. Tay áo của hoàng hậu lại dài hơn tay áo của vua, gây sự bất đối xứng. Khi phục dựng, ngoài việc dựa trên văn bản đời trước lưu lại, các bạn trẻ còn cần có một tư duy logic. Và quần áo rõ ràng có sự tiếp biến từ cổ tay áo rất rộng từ từ bóp lại để thuận tiện trong sinh hoạt đó cũng là điều dễ hiểu”.
Về màu sắc của trang phục, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa còn nhận xét: “Màu sắc áo của Việt Nam có độ thâm trầm. Nên lần phục dựng này, các mẫu quần áo của vua chúa và hoàng hậu lại có màu giống như trang phục cung đình Hàn Quốc thì cần xem lại”.
Ước mơ mang “Dệt nên triều đại” xuất ngoại
Để giải thích cho việc tạo dáng và màu sắc của các mẫu trang phục bị cho là chưa thuyết phục như trên, Nguyễn Đức Lộc, thành viên của Vietnam Centre cho biết: “Do kinh phí thực hiện eo hẹp nên nhóm đã quyết định sử dụng sa của Hàn Quốc (loại vải cao cấp) để phỏng dựng. Bởi nhóm đã từng về làng nghề La Khê, nhưng tại đây không còn sản xuất loại vải dùng cho vua chúa giống như trong sách sử miêu tả. Còn nếu đặt thợ thủ công làm riêng cho dự án, giá thành sẽ không dừng lại ở 70-80 triệu đồng/bộ. Cũng có thể về điều này đã làm nhiều người nhầm tưởng, nhóm đang phục dựng cung đình Hàn Quốc”.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cũng cho rằng, trang phục trong “Dệt nên triều đại” cần mang nhiều yếu tố của Việt Nam hơn như hoa văn, họa tiết cần được lấy từ trong vốn cổ”.
Trước những lời khen chê, các thành viên Vietnam Centre cho biết, họ đều ghi nhận với tinh thần tiếp thu, cầu thị và học hỏi để tiếp tục chỉnh sửa các mẫu trang phục hoàn thiện hơn. Và sau khi hoàn thiện, nhóm mong muốn trong năm 2018 có thể mang “Dệt nên triều đại” đến Sydney (Úc) và các thành phố khác trên thế giới.