VASEP đề xuất loạt giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản

Theo VASEP, doanh nghiệp thủy sản và sản xuất hàng xuất khẩu vay USD, nhưng từ quý III năm ngoái lãi suất vay USD tăng cao hiện ở mức 4,1-4,9%.

Phúc đáp công văn số 4367/BKHĐT-TH ngày 11-6 của Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản tổng hợp báo cáo và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn có liên quan cho ngành thủy sản trong giai đoạn hiện nay.

Lãi suất và các khoản phí ngân hàng quá cao

Theo VASEP, DN thủy sản chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu (XK) thường vay USD. Thế nhưng, từ quý III-2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1-2,8% lên 3-3,3% và thậm chí đến 4,5%. Hiện tại thì đa phần đang ở mức cao 4,1-4,9%, có những DN cao hơn 5% trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất, XK thủy sản.

Một vấn đề đáng quan ngại nữa là việc siết tín dụng, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó.

Cũng theo VASEP, bên cạnh lãi suất, các doanh nghiệp còn chịu nhiều khoản phí như: phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD)...

Việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của DN trong các năm đầu khi mới đầu tư. Trong khi các DN sản xuất là đối tượng cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư, phát triển nhưng lại phải chịu áp mức trần này.

Vốn - tín dụng - lãi suất vay đang là áp lực lớn và căng thẳng nhất hiện này với ngành thủy sản hiện nay. Do vậy, VASEP mong Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quan tâm xem xét các kiến nghị như: điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7% để hỗ trợ cho DN xuất khẩu.

VASEP cũng kiến nghị cho các DN thủy sản được giãn nợ 4-6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý II và III và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm XK của 6 tháng đầu năm. Việc giãn nợ này giúp các DN có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông - ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho XK ở các quý tiếp theo trong năm 2023.

VASEP kiến nghị NHNN hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên bao gồm thủy sản, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thủy sản và DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ SXKD và tạo cơ sở thúc đẩy sinh kế cho chuỗi nông-ngư dân phía trước.

Sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và DN vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp DN không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN.

VASEP kiến nghị tiếp tục quan tâm và xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở ĐBSCL. Gói kích cầu dành cho các DN xuất khẩu thực sự mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3-6 tháng nữa trong năm 2023 và quý I-2024, ứng phó với tình trạng đơn hàng xuất khẩu không có trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi thủy sản có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi thay vì "treo ao" trong giai đoạn hiện nay.

Giải pháp giảm chi phí kinh doanh

Sau giai đoạn dịch Covid-19, nhiều chi phí đầu vào tiếp tục tăng và giữ mức cao khiến chi phí sản xuất, kinh doanh tăng cao trong khi giá bán nhiều sản phẩm thủy sản chủ lực tăng không đáng kể mà còn đang chịu áp lực giảm giá từ khách hàng. Hệ lụy tác động tiêu cực đến người nuôi, ngư dân và nhà máy chế biến xuất khẩu, rất cần được sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua chính sách thuế, phí và mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu vào của DN.

Về vấn đề này, VASEP kiến nghị chính Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết 2023.

Liên quan chính sách về các khoản đóng góp bắt buộc của DN đối với người lao động:Kiến nghị giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho DN đến hết 2023; Nghiên cứu sửa đổi, đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 1% xuống còn 0,5% và tạm dừng đóng BH tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp đến hết năm 2023; Giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH; Kiến nghị cho các DN giãn nộp BHXH từ 3-6 tháng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi Việt Nam.

Đề nghị BHXH Việt Nam giãn thời gian đóng BHXH bắt buộc “thời hạn nộp BHXH hàng tháng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng". Hiện quy định của BHXH đang gây áp lực rất lớn công tác lao động - tiền lương cuối tháng của các DN sử dụng nhiều lao động, tăng khối lượng đối chiếu/điều chỉnh tăng giảm đóng BHXH ở kỳ sau (sau khi DN tính trả lương cho NLĐ).

Cùng với những kiến nghị nêu trên, VASEP còn mong được giải quyết các vướng mắc trong quy định phòng cháy chữa cháy, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng dự án cũ của DN.

Thanh Lâm

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/vasep-de-xuat-loat-giai-phap-go-kho-cho-doanh-nghiep-thuy-san-post105672.html