Vasep kiến nghị gỡ vướng cho doanh nghiệp thủy sản

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa gửi công văn tới Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị tháo gỡ một số vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thủy sản phát triển.

Chế biến cá tra nguyên con xuất khẩu tại nhà máy chế biến thủy sản của Tập đoàn Sao Mai (An Giang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Chế biến cá tra nguyên con xuất khẩu tại nhà máy chế biến thủy sản của Tập đoàn Sao Mai (An Giang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Cụ thể, trong công văn Vasep đề cập đến quy định áp trần chi phí lãi vay theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Việc quy định giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, từ đó áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư.

Phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, nên nguồn vốn ngân hàng là kênh chính để đầu tư, phát triển, đặc biệt giai đoạn hiện nay ngoài nguồn vốn vay, các kênh huy động vốn từ thị trường tài chính gần như không hiệu quả.

Vì vậy, giao dịch cho vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp cần được nhận định là một hoạt động kinh doanh bình thường trong đó sản phẩm là nguồn vốn. Việc áp trần chi phí lãi vay này sẽ khiến doanh nghiệp không có đủ tiềm lực hoặc ngại đầu tư, đổi mới công nghệ. Trong khi đầu tư, đổi mới là sống còn cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, cũng như nền kinh tế của đất nước nói chung.

Đối với thủ tục cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (S/C) tại các cảng cá, nhiều doanh nghiệp phản ánh, sau khi doanh nghiệp đưa nguyên liệu về nhà máy ở nhiều nơi đang kéo dài và mất rất nhiều thời gian, thậm chí hàng tháng hoặc nhiều lô đến 2 - 3 tháng, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Dù doanh nghiệp đã tăng cường làm việc với các đầu mối và kiểm tra kỹ lưỡng, nhưng vẫn vô cùng thấp thỏm sau khi đã chốt mua xong nguyên liệu.

Trong khi đó, lý do khiến các doanh nghiệp mua nguyên liệu xong không được cấp S/C nằm ở các khâu mà doanh nghiệp không thể kiểm soát như xác nhận điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá hay tàu cá khai thác ở vùng biển không đúng quy định… Doanh nghiệp chỉ biết những tàu cá này vẫn được phép ra khơi khai thác, được kiểm tra và cho phép cập cảng.

Những bất cập này đã được Vasep báo cáo, kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ tháng 1/2024 nhưng chưa được giải quyết. Do đó, Vasep tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét thay đổi quy định, cấp giấy S/C ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá. Việc này là mấu chốt giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong quá trình truy xuất nguồn gốc, kiểm soát IUU.

Liên quan đến kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên được quy định tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP (về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản) có hiệu lực từ ngày 19/5/2024 với cá ngừ vằn, quy định chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác là 0,5 m (tương đương trọng lượng từ 5 kg) trong khi tiêu chuẩn quốc tế đối với loài này là 1,8 - 3,4 kg.

Theo Vasep, quy định về bảo tồn của EU không đề cập kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn mà chỉ áp dụng với một số loài nhạy cảm; kích thước tối thiểu cũng thay đổi khác nhau tùy từng vùng biển và nguồn lợi tại khu vực đó. EU bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng biện pháp quy định hạn ngạch, thời gian cấm biển… chứ không chỉ quy định bằng kích thước tối thiểu được khai thác. Các tàu cá của nước ngoài vẫn đánh bắt cá ngừ vằn dưới 1,5 kg và vẫn được cấp chứng nhận thủy sản khai thác.

Đề cập vấn đề này tại Hội nghị toàn thể Vasep mới đây, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) thông tin, cá ngừ vằn kích cỡ 0,5 m trở lên chỉ chiếm 5 - 7% trong các lô khai thác. Hiện chưa thấy quốc gia nào quy định cấm khai thác ngừ vằn nhỏ hơn 0,5 m. Ngay cả Ủy ban Nghề cá Trung tây Thái Bình Dương cũng chưa có bất cứ báo cáo hoặc thông báo nào về việc cá ngừ vằn bị khai thác quá mức hay có quy định khai thác theo kích cỡ.

Theo Giám đốc Bidifisco, quy định của Việt Nam sẽ khiến ngư dân phải thay đổi lưới có kích thước mắt lưới lớn hơn, các tổ chức quản lý cảng cá phải bổ sung tiêu chí “ngư cụ” vào phần kiểm tra cấp phép xuất bến, cập bến. Về phía các doanh nghiệp sẽ không có nguồn nguyên liệu để cá ngừ vằn thu mua chế biến, xuất khẩu.

Do vậy, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên để phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế, không gây khó khăn thêm cho cả ngư dân và doanh nghiệp.

Xuân Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/vasep-kien-nghi-go-vuong-cho-doanh-nghiep-thuy-san-20240624152800176.htm