VASS định hướng là trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội ngang tầm khu vực

Năm 2025, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm nghiên cứu hàng đầu, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Với định hướng nâng cao chất lượng nghiên cứu và gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, VASS đặt mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội ngang tầm khu vực và quốc tế, đồng thời tạo ra những giá trị phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước, đóng góp thiết thực cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Định hướng nghiên cứu trọng tâm, trọng điểm

Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN

Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN

Theo Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khoa học xã hội không chỉ là công cụ nhận thức mà còn là động lực thúc đẩy phát triển. Các nghiên cứu khoa học xã hội gắn liền với thực tiễn, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách và kiến tạo nền tảng lý luận vững chắc cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Do đó, năm 2025, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xác định các định hướng nghiên cứu trọng tâm, tập trung vào các vấn đề lớn mang tính chiến lược, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh đất nước đang hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Trọng tâm nghiên cứu đầu tiên là lĩnh vực biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đây là một trong những vấn đề cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức môi trường, như lũ lụt, hạn hán và nước biển dâng. Các nhà khoa học tại VASS sẽ tiến hành phân tích sâu tác động của biến đổi khí hậu đối với các vùng kinh tế trọng điểm, từ đó đề xuất các giải pháp thích ứng hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực. Đồng thời, có định hướng nghiên cứu các chính sách kinh tế tuần hoàn, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Chuyển đổi số là một định hướng quan trọng khác của Viện trong năm 2025. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, giáo dục và kinh tế là yêu cầu tất yếu. VASS tập trung nghiên cứu các mô hình và giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Những kết quả nghiên cứu này sẽ hỗ trợ xây dựng chính sách phù hợp, đồng thời tạo nền tảng cho xã hội số hiện đại, an toàn và hiệu quả.

Trong lĩnh vực văn hóa, Viện sẽ tập trung làm rõ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện đại hóa. Các nghiên cứu này không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn giúp định vị Việt Nam như một quốc gia giàu giá trị văn hóa trên bản đồ quốc tế.

Nghiên cứu về an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững cũng là một trọng tâm lớn trong năm 2025. Viện sẽ đánh giá hiệu quả của các chính sách an sinh hiện hành, đồng thời đề xuất các giải pháp giảm nghèo toàn diện, hướng tới nâng cao chất lượng sống của người dân, đặc biệt là ở các khu vực khó khăn. Ngoài ra, VASS tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua việc nâng cấp các tạp chí khoa học đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất bản công trình nghiên cứu bằng tiếng Anh và tham gia vào các hệ thống dữ liệu khoa học toàn cầu. Đây là bước đi chiến lược nhằm nâng cao uy tín của khoa học xã hội Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học hợp tác với những tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới.

Nền tảng cho bước phát triển mới

Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong nghiên cứu khoa học và quản lý tổ chức. Nhiều đề tài trọng điểm có giá trị ứng dụng cao đã được nghiên cứu, nổi bật là nghiên cứu về hệ thống di tích khảo cổ học tiền sử tại Điện Biên, góp phần làm sáng tỏ lịch sử hình thành và phát triển của con người ở khu vực Tây Bắc. Nghiên cứu về di cư lao động xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã cung cấp những phân tích sâu sắc về tác động của hiện tượng này đối với kinh tế-xã hội, đồng thời đề xuất các giải pháp quản lý phù hợp. Đề tài về hôn nhân quốc tế, đặc biệt là vai trò và vị thế của phụ nữ Việt Nam, cũng đã đưa ra các khuyến nghị chính sách quan trọng, góp phần bảo vệ quyền lợi và thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong năm qua, VASS cũng đã tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng nghiên cứu. Đặc biệt, Hội thảo “Phát triển con người trong bối cảnh giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” diễn ra ngày 22/11/2024 quy tụ nhiều chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý; góp phần đưa ra các chính sách phát triển bền vững, mô hình ứng dụng, gắn kết khoa học xã hội với các lĩnh vực liên ngành để tìm ra giải pháp phù hợp cho thực tiễn Việt Nam.

Những thành tựu đạt được trong năm 2024 đã tạo nền tảng vững chắc để Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam triển khai các định hướng nghiên cứu chiến lược trong năm 2025. Với sự đoàn kết, quyết tâm và đổi mới trong cách tiếp cận, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam kỳ vọng sẽ đóng góp những giá trị khoa học thiết thực, không chỉ phục vụ phát triển bền vững của đất nước mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trong cộng đồng khoa học quốc tế. Với những định hướng chiến lược và thành tựu đã đạt được, năm 2025 hứa hẹn sẽ là bước ngoặt để Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu khoa học; không ngừng đổi mới, gắn kết lý luận với thực tiễn và vươn xa trên trường quốc tế, xứng đáng là trung tâm nghiên cứu hàng đầu khu vực.

Lý Thanh Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/vass-dinh-huong-la-trung-tam-nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-ngang-tam-khu-vuc-20250124140900331.htm