Vật liệu nào thay thế cát sông?

Tốc độ phát triển hạ tầng tăng cao khiến nhu cầu sử dụng, tiêu thụ cát sông tăng mạnh. Cung không đủ cầu đã khiến tiến độ nhiều dự án chậm so với tiến độ đề ra.

Do đó, việc tìm ra những vật liệu khác để thay thế cát sông là hết sức cần thiết nhằm bảo vệ môi trường cũng như tiến độ các dự án.

Dự án chậm tiến độ vì thiếu cát

Sau hơn 11 tháng khởi công, tiến độ Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau, thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) chỉ đạt khoảng 13% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5 tháng so với kế hoạch. Nguyên nhân chính do thiếu cát san lấp. Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án này cần hơn 18 triệu mét khối cát.

Thi công Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang. Ảnh: Cửu Long

Thi công Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang. Ảnh: Cửu Long

Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay nguồn cát cho dự án. Trong đó, tổng khối lượng cát cấp trong năm 2023 là khoảng 9 triệu mét khối. Đến giữa tháng 11/2023, các bên liên quan mới thực hiện xong thủ tục và đang khai thác hơn 3,5 triệu mét khối. Mặc dù vậy, khối lượng đã khai thác cho dự án chỉ mới đạt hơn 700.000m3.

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển, không chỉ thiếu cát thực hiện các dự án tuyến cao tốc Bắc Nam, chỉ tính riêng dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ (giai đoạn 1), mới khởi công vào tháng 9 vừa qua, nhu cầu cát san lấp đã lên đến 9 triệu mét khối. Dự kiến giai đoạn 2 mở rộng khu công nghiệp này thêm 600ha, cũng như thu hút thêm nhiều khu công nghiệp, thì cát càng trở thành một bài toán khó đối với địa phương.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, mặc dù các bộ, ngành đã đưa ra những giải pháp và các địa phương cũng có cam kết trong việc bảo đảm nguồn cung cát sông cho các công trình trọng điểm cũng như quản lý việc khai thác hợp lý hơn. Tuy nhiên, đến năm 2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần hoàn thành khoảng 400km đường cao tốc, đồng nghĩa với việc cần khoảng 39 triệu mét khối cát san lấp, chưa kể các công trình công cộng, công trình dân sinh khác. Do đó, việc thiếu cát sông trở thành thách thức trong nỗ lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông tại khu vực này.

Theo các chuyên gia về môi trường, việc thiếu cát sông trong xây dựng cũng đã gián tiếp thúc đẩy tình trạng khai thác cát quá mức ở các con sông. Việc khai thác quá mức tài nguyên, đặc biệt là cát ở các con sông chính là cách chúng ta đang chống lại thiên nhiên, làm thay đổi tự nhiên và tự làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của chính mình. Việc tìm kiếm các loại vật liệu khác để thay thế cát sông là hết sức cần thiết để bảo đảm tiến độ các dự án cũng như môi trường sống của người dân.

Đề xuất dùng cát biển thay cát sông

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Viện Dragon Mekong), Đại học Cần Thơ cho rằng, việc tìm ra nguồn vật liệu thay thế cát sông cho các công trình xây dựng là cần thiết. Thậm chí, thay vì làm nền đường cao tốc chúng ta nghĩ đến những đoạn cao tốc thiết kế cầu cạn để giảm bớt lượng cát…

Từ thực tế trên, ông Lê Anh Tuấn đề xuất vận chuyển đá từ các vùng khác về để xay thành cát rồi nghiền nát trộn bê tông. Theo ông Tuấn, việc vận chuyển mặc dù chi phí cao nhưng bù lại sẽ giúp tăng tuổi thọ công trình. Bên cạnh đó, ông Lê Anh Tuấn đề xuất các đơn vị chức năng tăng cường sử dụng các vật liệu như nhôm, thép để làm công trình trường học, bệnh xá. Điều này vừa giảm lượng cát san lấp, xây dựng và vừa phù hợp với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, cũng cần tính đến phương án làm đường trên cao; mở rộng giao thông đường thủy để giảm bớt áp lực đường trên bộ; giảm lượng cát sử dụng cho các công trình, dự án tại mỗi địa phương.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ cát sạch Mekong Võ Tấn Dũng đề xuất, các cơ quan chức năng nên xem xét sử dụng cát biển thay thế cho cát sông. Cụ thể, ông Võ Tấn Dũng cho biết, hiện tại đơn vị đã thử nghiệm tuyển rửa cát biển thay thế cho cát sông. Theo đó, hệ thống thiết bị tuyển rửa của đơn vị này sẽ phân loại và tăng modul cát, đồng thời phá vỡ vết nứt tạm thời trong những hạt cát, sau đó, chà sát loại bỏ được muối và loại bỏ bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ cho ra cát sạch thành phẩm với công suất từ 1.000 - 2.000m3/giờ.

“Cát sạch thành phẩm sau khi tuyển rửa tại vùng nước lợ hoặc nước ngọt đều đạt tiêu chuẩn TCVN 9436:2012 và tiêu chuẩn AASHTO MI 45-91 của Mỹ dùng cho cát đắp đường và đạt tiêu chuẩn TCVN 7570:2006 và TCVN 13754:2003 “Cát nhiễm mặn dùng cho bê tông và vữa” do Bộ KH&CN ban hành theo Quyết định số 1343/QĐ-BKHCN ngày 29/6/2023” – ông Võ Tấn Dũng nhấn mạnh và cho biết thêm, nếu áp dụng phương pháp này giá thành mỗi khối cát sẽ thấp hơn 10.000 đồng.

Nhiều chuyên gia cho hay, việc tìm kiếm những loại vật liệu khác để thay thế cát sông hoàn toàn có thể thực hiện được. Song, để việc tìm kiếm sớm hoàn thành, các đơn vị chức năng cần có chính sách đặc biệt để khuyến khích những nghiên cứu khoa học, nhất là việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học để ứng dụng. Cần công bố tiêu chuẩn về xây dựng giao thông và liên quan tới vật liệu xây dựng mới. Ngoài ra, cần có những chính sách về thuế, về khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng khác thay thế cát.

Tại Đồng Tháp, công ty tham gia một số gói thầu với khối lượng cát lên đến hơn 300.000m3. Tính ra hiện nhà thầu đang phải bù lỗ từ 57.000 đồng đến 87.000 đồng/m3 cát.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng công trình Trường Lộc
Nguyễn Quang Vinh

Trữ lượng cát ngày càng ít trong khi cát tái tạo gần như rất ít, dẫn đến chất lượng cát không còn được như trước. Điều này cũng khiến giá thành san lấp của các dự án bị đội lên so với tính toán ban đầu. Các mỏ trước đây đào lên là cát nhưng giờ đây là bùn. Nhà thầu mua được 1m3 cát phải trả tiền cho gần 2m3. Khan hiếm cát ngoài việc dẫn đến giá cát tăng còn khiến thời gian các sà lan chờ để lấy cát kéo dài hơn, chi phí vận chuyển tăng lên.
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo

Vân Nhi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vat-lieu-nao-thay-the-cat-song.html