Vật phẩm đặc biệt trong đám cưới hoàng tử triều Nguyễn
Ngoài các lễ theo tục lệ, còn một lễ đặc biệt trong đám cưới hoàng tử triều Nguyễn gọi là lễ phát sách, cử hành trước khi cô dâu từ giã gia đình về nhà chồng trở nên bà phi.
Mặc dù tại Việt Nam có tục tảo hôn, nhưng các con vua chỉ thành hôn khi đã 18 tuổi. Cho đến năm 18 tuổi, các hoàng tử sống bên cha mẹ trong cung. Bắt đầu từ tuổi này các hoàng tử phải ra ở riêng tục gọi là xuất phủ.
Khi ra ở riêng lập phủ, hoàng tử có một số các quan văn võ, thường là cấp nhỏ, giúp việc và một số lính hầu. Con phải ra ở riêng; thương con, phụ hoàng và mẫu hậu phải tính chuyện lập đôi bạn cho con.
Nhà vua, trong một buổi hội họp quần thần nêu ý muốn nạp phi cho hoàng tử và hỏi xem trong số các quan có ai có con gái có thể sánh duyên với hoàng tử được. Khi có một vị đại thần nhận gả con gái cho hoàng tử, nhà vua sẽ chọn hai vị đại thần có tuổi, vợ chồng song toàn con cái đàn đống làm Chánh và Phó sứ trong việc giao thiệp với nhà gái.
Lãnh mệnh vua, Chánh phó sứ cầm mao tiết, biểu hiện quân quyền cùng một số người tùy tùng tới nhà gái để tuyên đọc thánh chỉ. Nhà gái đã sửa soạn sẵn, lập hương án xây về hướng Nam nghênh tiếp Chánh phó sứ. Chánh phó sứ đứng hai bên tả hữu hương án cũng xây về hướng Nam, bố cô gái mặc áo thụng xanh quỳ trước hương án. Viên Chánh sứ đọc thánh chỉ truyền cho cô gái kết duyên với hoàng tử và hẹn ngày để bố cô gái vào điện lĩnh mệnh. Bố cô gái nghe thánh chỉ, lễ năm lễ.
Xong, một tiệc rượu thết đãi sứ đoàn, trước khi sứ đoàn về cung phục mệnh. Đúng ngày hẹn bố cô gái phải vào chầu vua, lại lễ năm lễ để tạ ơn và mẹ cô gái vào cung để lạy tạ hoàng hậu. Sau đó Khâm thiên giám phải xem ngày để tiến hành lễ cưới.
Ở đây mọi lễ nghi của phong tục vẫn được theo đủ. Các nghi thức truyền thánh chỉ là lễ tạ ơn được thay thế cho các lễ đầu tiên: nạp thái, vấn danh và nạp cát. Từ đây, bắt đầu lễ nạp lệ. Vua truyền Bộ Lễ sắm sửa lễ vật, ghi vào một tờ thiếp đựng trong tráp đỏ. Thường các lễ vật gồm:
2 thoi vàng, 4 thoi bạc, 2 cây gấm, 6 cây lụa, 20 cây vải hảo hạng, 1 đôi xuyến, 1 đôi hoa tai, 1 bộ trâm vàng, 2 chuỗi hạt châu, 2 vò rượu, 1 mâm trầu cau, 1 con trâu, 1 con bò, 1 con lợn.
Trước ngày nạp lễ một hôm, nhà vua thiết triều tại điện Cần Chánh. Giữa điện có kê chiếc bàn trên để cờ mao tiết và tráp thiếp. Sau khi triều thần quỳ lạy xong, nhà vua báo cho bá quan biết về ngày giờ hôn lễ cử hành và ủy cho Chánh Phó sứ lo lễ Nạp tệ.
Chánh phó sứ lĩnh thánh chỉ cầm mao tiết và tráp thiếp. Hai vị tới nhà Văn võ Công thự, tại đây các lễ vật đã sắp đủ, để nhận lễ vật rồi lên đường tới nhà gái. Có mấy vị đại thần và mấy vị mạng phụ đi theo.
Lễ vật do quân lính khiêng gánh. Tại nhà gái, hương án đã được thiết lập để đón thánh chỉ. Lễ vật đưa vào trong nhà. Chánh phó sứ lại đứng hai bên tả hữu hương án, ông bố vợ lại quỳ trước hương án để nghe thánh chỉ. Chánh sứ giao cho bố vợ lễ vật và tráp thiếp. Ông này nhận rồi trao lại cho một viên quan quỳ gần đấy.
Sau đó, ông lại lễ năm lễ để tạ ơn nhà vua. Sau lễ nạp lệ là các lễ khác của tục lệ. Ngoài các lễ theo tục lệ, còn một lễ đặc biệt gọi là lễ phát sách, cử hành trước khi cô dâu từ giã gia đình về nhà chồng trở nên bà phi.
Nhà vua cho làm một quyển sách bằng vàng gọi là Kim sách nói về cuộc hôn phối của hoàng tử với bà phi, lý lịch của hai người. Nhà vua cũng ra lệnh sắm cho bà phi mũ, áo, giầy và kiệu. Cũng như các lễ trước, nhà vua lại truyền chỉ cho Chánh phó sứ mang trao kim sách, với lễ vật mới sắm.
Trong chuyến đi nạp lễ này có mấy bà nội cung đi theo và lúc đi đường có âm nhạc. Khi sứ đoàn tới nhà gái, bố cô gái rước mọi người vào. Chánh sứ cầm mao tiết, phó sứ bưng tráp đựng kim sách và mọi người khác mang lễ vật kéo vào. Lại nghi lễ trước hương án.
Lần này sau khi bố cô gái lễ xong năm lễ, một nữ quan ra đứng trước hương án. Phó sứ trao kim sách cho nữ quan, nữ quan quỳ xuống nhận, rồi sau đó cùng thị nữ bưng kim sách đi vào nhà trong. Từ trong khuê phòng, bà mẹ đưa cô gái ra nghênh tiếp. Kim sách lại được mang ra đặt lên hương án. Nữ quan dẫn cô dâu đến trước hương án lễ năm lễ, rồi vào phòng riêng thay triều phục của vua ban, đoạn lại quỳ trước hương án để đọc kim sách.
Kim sách đọc xong, nữ quan trao cho cô dâu. Cô dâu nhận lấy đưa ngang trán, trao lại cho một nữ quan khác để đặt lên hương án. Kế đó, hương án được dẹp đi và được thay vào bằng một chiếc ghế đặt trên một chiếc bực. Nữ quan mời cô dâu, lúc đó là bà Phi ngồi vào ghế để các bà mạng phụ, thị nữ sắp hàng lễ mừng mỗi người bốn lễ.
Lễ mừng xong đến tiệc tùng nhà gái khoản đãi, rồi sau cô dâu được đưa về phủ của ông Hoàng theo lễ thân nghênh. Ngày hôm sau, bố mẹ cô dâu vào cung để tạ ơn vua và hoàng hậu.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/le-dac-biet-trong-dam-cuoi-hoang-tu-trieu-nguyen-post1429084.html