Vất vả 'nghề rác' dịp Tết
Những ngày cuối năm, khi người người hối hả mua sắm, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy thì người công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài với công việc dọn rác của mình.
Vệ sinh môi trường là một trong những nghề nặng nhọc. Công việc của công nhân vệ sinh môi trường là làm hết việc chứ không phải làm hết giờ. Chỉ khi nào đường phố sạch đẹp thì họ mới được về nhà nghỉ ngơi. Với chúng tôi, đây là một nghề rất đặc thù và rất cao quý bởi chỉ có sự hy sinh, âm thầm cống hiến của những người công nhân vệ sinh môi trường, người dân mới có môi trường xanh, sạch, trong lành để làm việc, sinh hoạt.
Để gắn bó với nghề đặc thù này, đòi hỏi người công nhân phải có lòng yêu nghề chứ không hẳn là vì “miếng cơm manh áo”. Bởi lẽ, nghề này có không ít nguy hiểm rình rập, gặp không ít những lời “khó nghe”. Đặc biệt, nhiều công nhân vệ sinh phải làm nhiệm vụ vào thời điểm mà nhà nhà sum vầy, người người đón Tết. Nhiều người chia sẻ hàng chục năm nay, họ đã không được hưởng cảm giác đón giao thừa cùng gia đình.
Theo chân họ, chúng tôi mới cảm nhận được nhiều bữa cơm của họ không trọn vẹn, uống vội vàng, ăn chóng vánh để kịp tăng ca cho dịp Tết.
Vất vả là thế, hy sinh là thế, nhưng đâu phải ai cũng hiểu được. Một số người dân vẫn thản nhiên vô ý thức vứt rác vô tội vạ. Cũng không ít người coi thường công việc của những công nhân vệ sinh, họ kỳ thị đến mức không muốn nói chuyện. Tuy nhiên, ít ai biết những công nhân vệ sinh phải hy sinh niềm vui riêng của bản thân để phục vụ xã hội. Nhiều đêm mưa dầm họ vẫn đội áo mưa để đi làm. Nhiều ngày nắng cháy họ vẫn phơi mặt để quét đường, dọn rác.
Chị Nguyễn Thị Huyền (đội vệ sinh môi trường Tân Phú, thuộc công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM), quê Thanh Hóa rưng rưng chia sẻ: “11 năm vào TP.HCM đi làm nghề quét rác là cũng đúng bằng ấy số năm tôi không biết bữa cơm đêm giao thừa là gì. Cũng chừng đó năm tôi không được về quê ăn tết với gia đình, do nghề quét rác, gom rác cuối năm người ta bỏ ra nhiều lắm, đêm giao thừa lại càng nhiều. Buồn chứ! Nhớ nhà lắm chứ! Mà biết sao được, phải ráng làm vì gia đình và cũng có thể vì cái… nghiệp. Có nhiều lần, vào cuối năm nhìn nhà người ta ăn cơm, nấu bánh, hay vô tình nghe bài nhạc quen nào đó, nước mắt tôi chảy hồi nào không biết”.
Nghề nào cũng có lúc vui, lúc buồn, lúc thăng, lúc trầm. Nghề vệ sinh môi trường còn đặc biệt hơn, do nghề này như “làm dâu trăm họ”, nên khó mà biết tính tình của “trăm” người như thế nào mà chiều.
“Tôi làm nghề này hơn 30 năm nay, người nào cũng đã từng gặp qua. Có người thương, người khinh ra mặt, nhưng chuyện vui thì mình nhớ lâu, chuyện buồn thì ráng quên để vui sống cô ơi.
Có lần đi làm, đang quét rác đằng trước, đằng sau có anh ăn mặc lịch sự quăng một bịch rác to đùng mà không cột miệng làm văng tứ tung ra đường. Tui nhắc ảnh ý thức hơn thì ảnh hằn học nói “Tui ý thức rồi việc đâu bà làm?”. Nghe mà muốn khóc, nhưng thôi, những người như vậy không làm ảnh hưởng tới tinh thần làm việc của tôi.
Chuyện buồn thì bao la, chuyện vui cũng không ít. Có bữa đi làm, gặp bé gái chừng 8-9 tuổi, nó thấy mình mần cực, chạy ra cho mình chai nước với cái bánh, nó nói “Bà giống nội con quá, thấy bà cực, mốt con hỏng xả rác nữa hén. Nghe vậy thấy vui nguyên ngày. Cuộc sống mà, ráng nhớ những cái tốt đẹp để vui sống nhen”- bà Bùi Thị Hồng (công nhân vệ sinh tại địa bàn quận Tân Phú) bộc bạch.
Ắt hẳn trong đầu không ít người nghĩ rằng, thất nghiệp mới đi làm nghề quét rác, nhưng có những chuyện làm họ phải thay đổi cách nghĩ.
Mặc dù là công nhân quét rác đường phố nhưng ít ai biết được anh Lưu Tiến Phát, đội vệ sinh môi trường Tân Phú đã tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh từ nhiều năm nay. Sau khi tốt nghiệp đại học anh đã làm đúng chuyên ngành của của mình nhưng sau đó có lẽ “nghề chọn lại anh”, anh bỏ việc và làm công nhân quét rác trong sáu năm nay.
“Nhà tôi ba đời làm nghề quét rác là ông ngoại, mẹ và tôi. Hồi còn nhỏ tôi theo mẹ quét rác trên nhiều con đường, tôi thấy tự hào vì công việc của ngoại, của mẹ mình. Trước đây sau khi tốt nghiệp tôi làm việc trên tàu lửa, đúng chuyên ngành học nhưng vì phần xa nhà, phần thấy không phù hợp nên nghỉ rồi đi làm công nhân vệ sinh môi trường. Tôi thấy quen và thấy phù hợp với nghề này rồi làm cho đến nay”- anh Phát nói.
Ngoài anh Phát, bà Huỳnh Thị Tý (mẹ ruột của anh Phát) cũng là một trong những trường hợp không quản khó khăn “tìm con chữ” rất đáng khâm phục.
“Tôi làm công nhân vệ sinh từ rất lâu rồi, nghề này ba tôi đã làm từ trước, rồi tôi cũng theo nghề. Khi theo nghề tôi chưa có bằng cấp 3, nhưng khi đi làm một thời gian tôi đã cố gắng sắp xếp việc gia đình để lấy bằng cấp 3, thời gian vừa học vừa làm tôi cũng đã hoàn thành và lấy bằng kế toán.
Khi đi học tôi thấy mình có nhiều kiến thức hơn, tuy vậy tôi chưa từng nghĩ mình sẽ bỏ nghề mà mình đã gắng bó nhiều năm qua. Thật sự nghề vệ sinh môi trường cũng là một công việc như bao việc khác, nhiều người xem nó là nghề “rẻ rúng” nhưng với tôi và gia đình tôi đây là nghề rất quan trọng. Bởi lẽ, đây này là công việc cống hiến nhiều cho xã hội. Tuy nhiều người không biết được sự cống hiến thầm lặng, nhưng đối với chúng tôi, chúng tôi đang làm đẹp cho người, cho đời…”- bà Tý nói.
Theo chân Lưu Tiến Phát vào một dịp gần cuối năm, chúng tôi mới thấy hết nỗi vất vả của nghề, từ việc tiếp xúc với rác thải nguy hại, chất độc hại, kim sắt nhọn…tiềm ẩn tai nạn lao động. Thực tế nhiều công nhân trong quá trình làm việc đã không may trở thành nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông do chính những mối nguy hại trên gây ra.
Khó khăn là vậy, vất vả là vậy, nhưng khi tôi hỏi Phát: Anh có vui với công việc của mình không. Anh nhìn xa xăm rồi nói “Vui!” Rồi đẩy xe rác tiếp tục công việc. Phía xa xa tôi vẫn nghe anh cất giọng hát “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…”
Nguồn PLO: https://plo.vn/vat-va-nghe-rac-dip-tet-post666835.html