Vất vả nhân viên sân gôn
Được biết đến là sân chơi thể thao sang chảnh, địa điểm mà các đại gia, người lắm tiền nhiều của thường hay lui tới nên không ít người cho rằng công việc của những nhân viên ở sân gôn sẽ nhàn nhã, sung sướng, song thực tế lại không hẳn như vậy.
Đi sớm, về khuya
Sân gôn Chí Linh một ngày mưa rả rích nhưng vẫn có nhiều khách xuống sân để thỏa mãn đam mê với môn thể thao này. "Bão, sấm sét, mùa đông mưa phùn rét buốt khách đam mê còn chơi thì trời mưa thế này ăn thua gì. Khách đến là phải phục vụ nhiệt tình, chứ không có chuyện thời tiết xấu là nhân viên được nghỉ. Anh em vất vả lắm", ông Trần Thế Hải, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển sân gôn Chí Linh cho biết.
Sau gần 5 tiếng rong ruổi đi bộ khắp sân gôn để phục vụ khách, chị Vũ Thị Bắc - một nhân viên ở đây đã thấm mệt. Nhấp ngụm nước lấy hơi, chị nhỏ nhẹ nói: "Đa phần khách sử dụng xe điện để di chuyển nhưng cũng có không ít người thích đi bộ. Di chuyển hết 18 lỗ gôn cũng phải tầm 10 cây số, lòng bàn chân phồng rộp cả lên".
Sân gôn Chí Linh hiện có 430 cán bộ, nhân viên, trong đó đông nhất là lực lượng phục vụ khách trực tiếp (caddie) với 270 người. Chị Bắc cho biết cuối tuần khách đến sân rất đông, các nhân viên gần như không được nghỉ ngơi. Nhiều khách đặt lịch chơi từ 6 giờ sáng nên nhân viên làm ca sáng phải thức dậy từ khoảng 4 giờ để chuẩn bị. Một số nhân viên nhà ở thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) còn phải dậy sớm hơn để kịp ra sân.
Tới sân, công việc đầu tiên của họ là kiểm tra danh mục gậy, đồ dùng, nước uống... phục vụ khách chơi gôn xem có gì cần bổ sung hay không. Caddie phải đi cạnh người chơi như hình với bóng để làm những công việc như che ô, đưa gậy, nước uống, khăn lau. Sau mỗi cú đánh, họ phải nhanh chóng lau gậy, hỏi khách xem cần gì để đáp ứng... "Nói chung, người phục vụ phải thật nhanh nhẹn. Chúng tôi chỉ nhìn ánh mắt khách là đã biết phải làm gì, không để họ phải giục", chị Bắc chia sẻ.
Thời gian để khách chơi hết 18 lỗ gôn thường kéo dài 4-4,5 giờ, với những người mới tập thì có thể lên đến 5-6 giờ. Những ngày đông khách, một caddie có khi phải phục vụ liên tục 2-3 lượt người chơi, tương đương khoảng 8-12 giờ. Khoảng thời gian để họ nghỉ ngơi giữa các ca rất ít ỏi, chỉ khoảng 10-15 phút. Các nhân viên phải làm thông tầm thì thường không có được bữa ăn trọn vẹn mà phải tranh thủ lót dạ bằng chiếc bánh mỳ cộng với hộp sữa hoặc chai nước lọc rồi tiếp tục trở lại công việc.
Ngoài các caddie, sân gôn Chí Linh còn có 70 nhân viên chuyên làm nhiệm vụ bảo dưỡng mặt sân. Công việc của những người làm ở bộ phận này cũng vất vả không kém. Anh Trần Văn Định có 16 năm làm nhân viên chăm sóc cỏ sân gôn cho biết thường phải bắt đầu công việc từ khoảng 3 giờ sáng vì 6 giờ đã có khách chơi. Anh em soi đèn đi vá mặt sân, chăm sóc cỏ để làm sao bảo đảm cho khách có sân chơi tốt nhất. Mưa, bão, nắng nóng, kể cả những ngày lễ, Tết cũng phải đi làm. "Mùng 1 Tết vừa rồi tôi vẫn phải đi làm. Càng ngày lễ, Tết thì càng đông khách. Nói chung chẳng mấy khi được nghỉ ngơi", anh Định nói.
Thu nhập chưa cao
Đi làm từ sáng sớm nhưng nhiều nhân viên sân gôn chỉ được trở về nhà khi đồng hồ đã điểm 20-21 giờ. Một nữ caddie ở đây cho biết nhiều hôm về tới nhà các con đã ngủ, sáng đi làm cả nhà cũng chưa ai dậy. "May mắn là em được bố mẹ và chồng thông cảm. Đôi khi vì công việc mà cũng cảm thấy áy náy khi không có nhiều thời gian ở bên chăm sóc gia đình. Tình cảm vợ chồng, mẹ con cũng không được như nhà người ta", nhân viên này chia sẻ.
Nhưng không phải nhân viên sân gôn nào cũng được vợ hoặc chồng cảm thông. Thật buồn khi biết rằng chỉ từ năm 2006 đến nay, đã có hơn 20 trường hợp nhân viên làm việc tại sân gôn Chí Linh ly hôn với nguyên nhân chính vì công việc bộn bề, không có nhiều thời gian cho gia đình.
Những năm gần đây, lượng khách nước ngoài đến sân gôn Chí Linh luôn chiếm khoảng 50%, chủ yếu đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Các nhân viên ở đây ngoài học nghiệp vụ, còn phải tranh thủ tự học ngoại ngữ để có thể giao tiếp với khách. Dù vậy vẫn có những khi khách nói từ khó khiến nhân viên không hiểu. Gặp khách thông cảm thì không sao, nhưng có người nóng tính là họ mắng ngay. Có không ít người khi chơi không đạt được kết quả như ý quay ra đổ lỗi cho caddie, thậm chí là hằn học, chửi bới, quăng gậy... Những lúc như vậy, nhân viên chỉ còn biết ngậm ngùi cúi đầu xin lỗi.
Mỗi nhân viên ở sân gôn Chí Linh có thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nghe có vẻ cao nhưng với số tiền này, họ cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Người nào ở xa, không có bố mẹ hỗ trợ, phải thuê người trông nom con nhỏ thì cũng chẳng tiết kiệm được là bao. Thế nên có nhân viên theo nghề cả chục năm vẫn đang phải đi ở trọ.
Ông Trần Thế Hải cho biết thêm công ty rất đồng cảm với những nỗi vất vả của nhân viên. Để động viên họ, công ty đóng đầy đủ các loại bảo hiểm, thưởng thêm mỗi dịp lễ, Tết. Hằng năm, các nhân viên được công ty tổ chức cho đi du lịch. Những nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nặng đều được công ty quan tâm, hỗ trợ. "Sân gôn ở các nơi mọc lên ngày càng nhiều, việc kinh doanh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty sẽ cố gắng làm tất cả những gì có thể để các nhân viên yên tâm làm việc, vơi bớt nỗi vất vả", ông Hải chia sẻ.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song/vat-va-nhan-vien-san-gon-144879