Vất vả phá dỡ 2/6 biệt thự tiền tỉ trên 'quả đồi rất đẹp'
6/25 biệt thự khu vực đồi Đống (thôn Cuống và thôn Bơn, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) được xác định vi phạm, nhưng sau hơn 4 năm UBKT Trung ương kết luận thì hiện mới chỉ có 2 căn bị phá dỡ
Ngày 18-5, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì (TP Hà Nội), xác nhận lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế 2 biệt thự xây dựng trên đất rừng tại khu vực đồi Đống, thôn Cuống và thôn Bơn, xã Vân Hòa.
"Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch cưỡng chế 4 căn biệt thự còn lại, hiện đã có quyết định cưỡng chế nhưng về thời điểm cưỡng chế thì chúng tôi đang nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục liên quan" - ông Hưng nói.
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cũng xác nhận trong 4 căn biệt thự sắp bị cưỡng chế, hiện một số căn đang được chủ nhà cho thuê, sử dụng.
Còn theo ông Chu Mạnh Huy, Phó chủ tịch UBND xã Vân Hòa, quá trình cưỡng chế phá dỡ 2 biệt thự trên đồi Đống vào sáng 10-5 "rất vất vả" bởi các biệt thự này "rất kiên cố". "Lúc đầu, chúng tôi nghĩ đã huy động máy móc thì chỉ xử lý trong 1 tiếng đồng hồ nhưng khoan nhồi, tháo dỡ đến quá trưa mới xong" - ông Huy nói.
Theo lãnh đạo xã Vân Hòa, hiện tính theo giá thị trường thì giá trị mỗi căn biệt thự này khoảng 15 đến 17 tỉ đồng. Kinh phí xây dựng mỗi căn ước tính khoảng vài tỉ đồng nữa. Các căn biệt thự có khuôn viên rộng khoảng vài trăm m2. Chủ nhân của các căn biệt thự này đều không phải người địa phương nên việc liên hệ, thuyết phục gặp nhiều khó khăn.
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, khu vực đồi Đống nằm ở vị trí đắc địa, có núi, có hồ rất đẹp. Khu vực này có 25 căn biệt thự đã được xây dựng kiên cố từ lâu, nằm rải rác các sườn đồi. Khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện có 6 căn biệt thự xây dựng trên đất rừng, phải xử lý.
Hiện nay, hàng chục căn biệt thự ở khu vực đồi Đống dù không nằm trong danh sách bị cưỡng chế nhưng cũng đang bị bỏ hoang nhiều năm qua.
Sau khi 2 căn biệt thự bị phá dỡ, vẫn còn ngổn ngang nhiều mảng bê tông cốt thép. Trong 4 căn biệt thự còn lại có 1 căn có dấu hiệu từ lâu đã không có người ở, cỏ mọc um tùm xung quanh. 2 căn nằm ở vị trị đắc địa có dấu hiệu được cho thuê, có người sử dụng thường xuyên.
Trước đó, năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Trung Ương đã họp, kết luận việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng đất, quản lý trật tự xây dựng, thực hiện các dự án trên địa bàn; chấp hành không nghiêm kết luận thanh tra và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Ông Hà Xuân Hưng, Bí thư Huyện ủy Ba Vì; ông Hoàng Thanh Vân, nguyên Bí thư Huyện ủy Ba Vì; ông Bạch Công Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì được xác định phải chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm.
Cùng chịu trách nhiệm về vi phạm của Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì và chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao là ông Nguyễn Văn Hà, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì; 2 Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Đình Dần và ông Nguyễn Thế Hà, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì trong các nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020 và các cá nhân trên là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Một số hình Báo Người Lao Động ghi nhận tại các căn biệt thự sắp bị cưỡng chế: