Vay ngân hàng phải 'cõng' thêm phí bảo hiểmVay ngân hàng phải 'cõng' thêm phí bảo hiểm
Trong những ngày gần đây, trên các diễn đàn và mạng xã hội nhiều đại diện doanh nghiệp cho biết họ bức xúc vì ngân hàng bắt mua bảo hiểm cho một khoản vay đã có tài sản thế chấp, đã được thẩm định năng lực trả nợ đầy đủ. Việc phải 'cõng' thêm phí bảo hiểm khiến chi phí đi vay đội lên quá cao.
Mới đây, NHNN chi nhánh Long An gửi văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn báo cáo và sẽ tiến hành thanh tra làm rõ tình trạng nhiều ngân hàng thương mại "ép" khách hàng vay vốn phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ, … Ai chấp nhận mua thêm thì được duyệt hồ sơ cho vay sớm, nếu không thì bị gây khó dễ, trì hoãn giải ngân. Thế nhưng, tình trạng này có lẽ không chỉ diễn ra ở Long An.
Theo ông Võ Quốc Bình, Tổng giám đốc của tập đoàn đầu tư Bình Minh, đơn vị chuyên mua bán bất động sản và xe hơi cũ ở thị trường TPHCM, cho biết ông gặp rất nhiều trường hợp tương tự như vậy. Với đặc thù mua bán tài sản cũ có giá trị lớn, khách hàng của ông Bình thường phải vay tiền ngân hàng để mua nhà hoặc mua xe. Tuy nhiên, hầu như toàn bộ đều bị ngân hàng “ép” mua bảo hiểm nhân thọ thì mới chịu giải ngân.
“Hầu hết các khách hàng đã đáp ứng đủ các điều kiện, đủ năng lực sau khi thẩm định mới được ngân hàng ra thông báo cho vay, nhưng đến giai đoạn giải ngân là bị ép ký vào hợp đồng mua bảo hiểm. Đáng chú ý hơn, tình trạng này không chỉ diễn ra cá biệt ở một vài ngân hàng mà là phổ biến ở nhiều ngân hàng”, ông Bình chia sẻ.
SSI Research đã từng dự báo phí bảo hiểm thông qua kênh bancassurance sẽ tăng 30-40% và chiếm tỷ trọng tăng lên 14% trong năm 2019. Tuy nhiên, mức tăng trưởng có vẻ đã vượt xa so với kỳ vọng trong năm nay.
Một trường hợp khác mà người đi vay phải “nuốt nước mắt” chấp nhận mua bảo hiểm là ở các dự án bất động sản mà ngân hàng tài trợ độc quyền, như trường hợp của chị V.T.D.T. (quận 3) với ngân hàng T.
Theo đó, nhân viên tư vấn ngân hàng nói ngay từ đầu là người vay phải mua bảo hiểm, nhưng sản phẩm đưa ra là bảo hiểm khoản vay trả trong vòng 3 năm, với lý do là “đảm bảo khả năng trả nợ trong trường hợp người đi vay có rủi ro xảy ra” nhưng chị T. không đồng ý. Sau hồi “ngã giá”, chị T. mua 2 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với trị giá thấp nhất là 5 triệu đồng/năm/hợp đồng (nhưng ngân hàng cho phép đứng tên người thân chứ không cần đứng tên người đi vay). Theo chị T., với bảo hiểm khoản vay thì mình coi như “mất trắng”, còn bảo hiểm nhân thọ thì ít nhất vẫn còn tích lũy được số tiền đã nộp.
Thông thường, với các khoản vay mua tài sản như nhà và xe, ngân hàng thường "kèm" thêm bảo hiểm cháy nổ. Đa phần khách hàng đồng ý vì sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ này là hợp lý, vừa đúng mục đích sử dụng lại có giá trị thấp, nhưng việc kèm theo bảo hiểm nhân thọ thì theo nhiều người, đây là đề nghị “vô lý” mà lại còn khiến chi phí “đội” lên quá cao.
Theo ông Bình, nhiều khách hàng của ông đã phải “bấm bụng” chấp nhận bỏ thêm 15 triệu đồng cho năm đầu tiên để được vay, sau đó bỏ luôn hợp đồng bảo hiểm này. “Điều này không chỉ làm tăng gánh nặng chi phí cho người đi vay, mà còn làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp”, ông Bình nhận định.
Về cơ bản, ngân hàng khi cho vay đã phải thực hiện đầy đủ khâu thẩm định, đánh giá năng lực trả nợ của khách hàng, nên không thể lấy lý do đảm bảo khoản vay và hạn chế rủi ro để “ép” khách vay, ông Bình cho biết thêm.
“Cần lưu ý thêm, đây là những khoản vay thế chấp, tức đã có tài sản đảm bảo, vậy tại sao ngân hàng lại còn khách hàng mua thêm bảo hiểm rủi ro cho khoản vay?”, cả ông Bình và chị T. đều đặt vấn đề.
Theo tìm hiểu, không có quy định nào bắt buộc khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ khi đi vay. Hồ sơ bảo hiểm và hồ sơ vay của khách hàng cũng là độc lập với nhau.
Tuy nhiên, các ngân hàng cũng có quyền từ chối cho vay nếu hồ sơ không đủ hợp lệ. Mấu chốt ở đây là lý do từ chối đưa ra phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của ngân hàng. Tất nhiên nhà băng không thể đưa ra lý do từ chối trực tiếp là vì khách không chịu mua bảo hiểm, nhưng cũng không thiếu cách để "từ chối khéo".
Sau khi bị “ép” mua bảo hiểm, theo nhiều trường hợp mà TBKTSG Online tìm hiểu, nếu không đồng ý thì người đi vay một là phải nhờ sự can thiệp của “cấp trên” tại chi nhánh ngân hàng để không phải mua bảo hiểm nữa, hoặc phải chuyển sang ngân hàng khác để vay. Như vậy, muốn vay ngân hàng mà không cần mua bảo hiểm thì cần phải có “quan hệ”.
Dũng Nguyễn