Vay nợ để kinh doanh, hệ sinh thái Bamboo Capital (BCG) và Tracodi (TCD) của chủ tịch Nguyễn Hồ Nam liên tục tăng vốn
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Bamboo Capital lại âm đến hơn 7.000 tỷ đồng trong khi dòng tiền đầu tư cũng âm 3.131 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Liên tục tăng vốn
Ngày 7/12 tới đây, Công ty Cổ phần Bamboo Capital (mã BCG) sẽ chốt danh sách đăng ký cuối cùng triển khai phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng. Theo đó, BCG sẽ phát hành hơn 148,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2:1) qua đó nâng vốn điều lệ lên 4.463 tỷ đồng.
Bài liên quan
Âm nặng dòng tiền kinh doanh, Bamboo Capital (BCG) vẫn lao vào thâu tóm hàng loạt công ty bảo hiểm
Âm nặng dòng tiền kinh doanh, nợ vay của Bamboo Capital (BCG) tăng “chóng mặt”
Cổ phiếu giảm sâu trước thềm thoái vốn, lợi nhuận đột biến của Tracodi (TCD) được 'bơm' từ đâu?
Thời gian chuyển nhượng quyền mua từ 14/12/2021 - 10/1/2022, quyền mua được chuyển nhượng 1 lần và không được chuyển nhượng tiếp cho người thứ 3. Thời gian đăng ký mua và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 14/12/2021 - 14/01/2022.
Giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền thu về hơn 1.785 tỷ đồng dự kiến được dùng để đầu tư dự án nhà máy Điện gió Đông Thành 1 và 2 (800 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động như trả nợ vay, trả tiền mua cổ phần (hơn 985 tỷ đồng).
Trước đó, vào tháng 1, Bamboo Capital đã phát hành thành công 68 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để góp vốn vào BCG Energy và BCG Land đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1 và nhà máy điện mặt trời Vneco – Vĩnh Long, cùng dự án khu phức hợp căn hộ kết hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng King Crown Infinity.
Cùng câu chuyện tăng vốn, cổ phiếu BCG trên thị trường cũng tạo ra nhiều sóng trong 1 năm trở lại đây. Đặc biệt từ cuối tháng 7, cổ phiếu này liên tục tăng mạnh và đang giao dịch quanh vùng đỉnh 28.000 đồng/cổ phiếu, gấp 2,3 lần giá chào bán cho cổ đông. Mức thị giá hiện tại cũng cao hơn 150% so với đầu năm 2021.
Âm nặng dòng tiền kinh doanh
Cổ phiếu BCG tăng mạnh trong bối cảnh tình hình kinh doanh của Bamboo Capital chưa có đột phá. Quý 3/2021, doanh thu thuần của Bamboo Capital giảm 41,5% so với cùng kỳ xuống 457 tỷ đồng. Giá vốn giảm nhanh hơn khiến lợi nhuận gộp cũng giảm nhẹ xuống còn 221 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãi ròng lại tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 218 tỷ đồng nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến lên hơn 596 tỷ đồng chủ yếu từ lãi đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư.
Đáng chú ý, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Bamboo Capital lại âm đến hơn 7.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm do công nợ phải thu phình to trong khi khả năng chiếm dụng vốn bị hạn chế.
Ngoài ra, Bamboo Capital cũng gia tăng nắm giữ chứng khoán kinh doanh với giá trị danh mục đến cuối tháng 9 ở mức 1.670 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm. TPB là cổ phiếu được đầu tư nhiều nhất với 990 tỷ đồng và là khoản đầu tư được thực hiện thông qua công ty con Tracodi.
Tracodi tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1993. Đến đầu năm 2015, Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã hoàn tất thoái vốn tại Tracodi và Bamboo Capital (mã BCG) mua lại 68% cổ phần qua đó nắm cổ phần chi phối. Sau khi tiếp quản, Bamboo Capital đã tái cấu trúc toàn diện và mạnh mẽ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.
Hiện tại, Bamboo Capital vẫn đang sở hữu 51,4% vốn tại Tracodi trong khi một cổ đông liên quan đến tập đoàn này là Helios cũng đang nắm giữ 10,86% vốn. Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tracodi đang trực tiếp nắm giữ 7,3 triệu cổ phiếu TCD (tỷ lệ 8,37%).
Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital
Ngày 1/12 tới đây, Tracodi cũng sẽ chốt quyền mua cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, công ty sẽ phát hành hơn 87,2 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ phát hành 1:1) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm tăng vốn gấp đôi lên hơn 1.744 tỷ đồng.
Không chỉ âm nặng dòng tiền kinh doanh, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Bamboo Capital cũng âm đến 3.131 tỷ đồng. Điều này khiến Bamboo Capital buộc phải tìm kiếm dòng tiền để bù đắp từ hoạt động tài chính, chủ yếu là đi vay.
Tính đến cuối quý 3, nợ phải trả của BCG đã vượt 29.000 tỷ đồng, chiếm đến 82% tổng tài sản. Nợ vay ngắn hạn giảm nhẹ xuống 1.962 tỷ đồng trong khi nợ vay dài hạn lại tăng đột biến từ mức 2.549 tỷ đông lên gần 10.951 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn khoản trái phiếu chuyển đổi hơn 1.370 tỷ đồng.