Vay nóng tiền mua xe, đưa bạn thân bị ung thư du lịch khắp đất nước
Trước ngày khởi hành, Hạ Tương Mân đăng dòng trạng thái: 'Từ ngày mai tôi sẽ cùng người anh em của mình hoàn thành tâm nguyện cuối cùng: Lang thang khắp thế gian! Có ngày đi, không có ngày trở lại!'.
Muốn đi để nhìn thế giới lần cuối
Hai chiếc đàn guitar, một chiếc trống châu Phi, lều bạt, túi ngủ, xoong nồi, chút thuốc men - đó là hành trang trong chuyến đi chưa hẹn ngày về của đôi bạn Hạ Tương Mân và Lương Thành (ở Chu Châu, Hồ Nam, Trung Quốc).
Trên chiếc xe Van cũ, ông Hạ (54 tuổi) chở bạn mình tới vùng biển Quảng Tây. Cả hai xuất phát vào ngày 2/10 và dự kiến sẽ đi du lịch khắp Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên.
Ông Hạ dáng người cao lớn, khỏe mạnh, còn ông Lương dù ít hơn 2 tuổi nhưng lại rất gầy gò, ốm yếu. Lý do là bởi, vào đầu tháng 9 năm nay, ông nhận tin “sét đánh” bị ung thư lưỡi giai đoạn cuối.
Trước đó, ông Lương thường thấy mình có các vết loét trong miệng. Ban đầu, ông nghĩ đó chỉ là biến chứng của bệnh tiểu đường nên không mấy quan tâm. Khoảng 6 tháng trở lại đây, vết loét ngày càng lớn, phát triển thành khối u, khiến miệng ông luôn lộm cộm, vô cùng khó chịu. Điều trị ở bệnh viện tuyến dưới không mấy hiệu quả, khi lên tuyến trên, ông Lương mới biết mình bị ung thư.
Các bác sĩ cho biết, với trường hợp của ông, họ sẽ thực hiện ca phẫu thuật cắt một phần lưỡi. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật chỉ là 50%. Lúc này, ông Lương đã không thể nói và nuốt bình thường được nữa.
Biết thời gian không còn nhiều, ông Lương từ chối nằm viện. Rời bệnh viện, ông Lương không về phòng trọ mà đến thẳng nhà người bạn họ Hạ. Câu đầu tiên ông nói với bạn mình là: “Anh Hạ! Em muốn ra ngoài và nhìn thấy thế giới lần cuối”.
Cuộc viếng thăm ngay khi từ viện về của Lương Thành đã khiến ông Hạ hiểu được sự gấp gáp của vấn đề. 20 ngày tiếp theo, ông gấp rút chuẩn bị cho chuyến đi.
Ngày 29/9, ông Hạ được người quen giới thiệu tới một tiệm sửa xe. Sau khi thỏa thuận giá cả, ông Hạ đồng ý mua chiếc xe cũ màu bạc với giá 25.000 tệ (khoảng 88 triệu đồng).
Chủ tiệm sửa xe đã thức cả đêm để bảo trì chiếc xe và một cảnh sát địa phương đã tích cực giúp đỡ ông hoàn tất thủ tục giấy tờ của chiếc xe. Ngày 30/9, sau khi đã vay nóng được một người bạn số tiền trên, ông Hạ đến lấy xe về.
Ông Hạ tháo ghế sau, lắp ván gỗ rồi mua 1 chiếc đệm để đặt trên xe. Người đàn ông này còn không quên mang theo dây sạc điện thoại và đèn pin.
Ngày lên đường, trong túi của ông Hạ chỉ có khoảng 3.000 tệ (hơn 10 triệu đồng). Một số bạn bè biết chuyện đã ủng hộ cả hai thêm 6.000 tệ nữa.
Ngày 2/10, họ lên đường từ sáng sớm, đến tối thì dừng chân ở Dương Sóc (Quảng Tây). Cả hai đậu xe, dựng lều, ăn bữa tối đơn giản. Ông Hạ dành chiếc đệm êm ái trên xe cho bạn còn mình ngủ trong lều. Dương Sóc là một vùng núi non sông nước hữu tình nhưng vì gần vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc nên nơi đây vô cùng đông đúc, chỗ nào cũng tắc đường, kẹt xe.
Đôi bạn quyết định rời đi vào buổi trưa hôm sau. Sau nửa ngày đường, họ đến thành phố Đông Hưng (Quảng Tây). Cả hai nhanh chóng tìm thấy một bãi biển vắng vẻ để dựng lều.
Ban ngày cả hai đi dạo và trò chuyện dọc bờ biển. Tối đến họ cùng ăn tối, đàn hát, ngắm sao. Vùng đất này dường như đã đáp ứng được sự mong đợi của họ bởi nước biển trong xanh, khung cảnh thanh bình, đẹp đẽ.
Thực ra, trước đây ông Hạ biết bạn mình luôn có ước muốn được đi du lịch bằng ô tô. Hồi đầu tháng 9, khi thấy sức khỏe của Lương Thành ngày một yếu, đi lại loạng choạng không vững, ông Hạ tự nhủ ngoài việc “lái xe và lên đường”, mình không thể làm gì khác.
Trên đường đi, ông Lương thường nằm trên tấm đệm phía sau xe. Dù có khó chịu đến đâu, ông cũng không than vãn nửa lời mà luôn tự mình chịu đựng.
“Tôi không bao giờ thuyết phục anh ấy. Tôi nghĩ đó là sự lựa chọn của riêng anh ấy và tôi luôn tôn trọng. Nhưng tôi nói với anh ấy rằng, khi nào anh cảm thấy không chịu đựng được nữa thì đừng ngần ngại, cứ nói với tôi một tiếng. Tôi sẽ lập tức đưa anh ấy trở về. Nếu anh ấy chết trên đường, tôi sẽ cõng anh ấy về. Anh ấy cũng đã viết sẵn di chúc. Ba mẹ anh ấy không còn. Anh ấy chỉ có 1 đứa con đang sống cùng người vợ đã ly hôn”, ông Hạ chia sẻ.
Từng dựng lều ở trong nhà bạn
Biết bạn bị căn bệnh tiểu đường đeo bám đã 10 năm, Hạ Tương Mân luôn chú ý xem chỉ số đường huyết của Lương Thành ra sao, có bị hoa mắt chóng mặt hay không.
Trên hành trình của mình, hai người bạn không đưa ra kế hoạch chi tiết, không chắc chắn sẽ dừng ở đâu. “Mục đích duy nhất trong chuyến đi là chúng tôi muốn được sống và sống những ngày tháng tươi đẹp nhất”, người đàn ông 54 tuổi nói.
Hạ Tương Mân và Lương Thành đều có chung sở thích đi du lịch tự túc. Trước đây, họ đã cùng nhau đi đến nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc.
Khoảng 5 năm trước, cả hai đã dành hơn 20 ngày để đi xe máy từ Hồ Nam đến Quảng Đông, sau đó đến Phúc Kiến, Giang Tây và cuối cùng là quay lại Hồ Nam, trải qua chặng đường hơn 4.000 km.
Điểm đến của họ không phải là các danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà là các địa điểm còn hoang sơ, phong cảnh đẹp. Chi phí sinh hoạt ở những nơi này thường khá rẻ. Cả hai trực tiếp đến nhà người dân mua thức ăn và thường mất không quá 10 tệ (khoảng 35.000 đồng) một bữa.
Ông Hạ và ông Lương vốn là bạn học cấp 2 nhưng ngày đó họ không mấy thân thiết. Những năm tháng trưởng thành, họ thi thoảng chỉ chào nhau xã giao khi tình cờ gặp mặt.
Khoảng 8 năm trước, một lần thấy Lương Thành đi qua nhà nên ông Hạ mời bạn vào chơi. Lần ấy, ông Hạ nhận ra giữa hai người có khá nhiều điểm chung. Ông Lương là một người khá hay chuyện chứ không ít nói, lạnh lùng như mình nghĩ.
Sau đó, ông Lương thường xuyên ghé nhà anh Hạ chơi. Trong 6 chiếc chìa khóa của nhà mình, ông Hạ dành riêng một chiếc cho bạn hiền để ông Lương có thể đến nhà mình bất cứ lúc nào.
Ba năm trước, ông Hạ ly hôn. Ngày ký đơn, ông bước ra đường với một chiếc túi xách trên tay. Dù có nhiều bạn bè nhưng ông Hạ chỉ đủ tự tin đến tìm Lương Thành.
Về phần mình, ông Lương cũng đã ly hôn 10 năm nên thuê một căn nhà nhỏ để ở. Khi ông Hạ đến sống cùng, ông Lương ngủ trong phòng riêng, còn ông Hạ dựng một cái lều trong phòng khách để ngủ. Họ sống theo cách này trong một năm rưỡi, sau đó tách ra đi thuê trọ riêng.
Ông Hạ sau đó mở một bếp ăn để bán đồ ăn. Thu nhập chỉ đủ duy trì cuộc sống eo hẹp. Ông chăm chỉ kiếm tiền và thi thoảng thong dong trên những hành trình khám phá của riêng mình.
Vào ngày thứ 8 của chuyến đi này, cả hai bị mắc kẹt ở thành phố Đông Hưng do ảnh hưởng của bão. Không thể sống tiếp trên bãi biển, họ ở tạm trong khách sạn của một người bạn.
Những ngày này, ông Hạ mua ít cá biển của người dân địa phương rồi hầm nhừ thành súp cho bạn ăn. “Về cơ bản anh ấy không nhai được nữa nên việc ăn cá lúc này là phù hợp nhất. Tôi đã mang theo một chiếc túi ngủ để có thể ngủ trong thời tiết âm 20 độ C. Tôi đã sẵn sàng để trải nghiệm với anhấy”, ông Hạ chia sẻ.
Hồng Hạnh(Theo The Paper)