Vay tiền qua app 'đen', nữ giáo viên bị nhóm đối tượng 'khủng bố' đòi nợ

Sau 2 tháng vay tiền qua app trên mạng để buôn bán online nhưng vẫn chưa trả được nợ và lãi vay, chị N.T.N H. (giáo viên ở Lạng Sơn) đã liên tục bị các đối tượng gọi điện thoại thúc giục trả nợ. Để có tiền trả nợ, chị H. đã phải tiếp tục tìm vay tiền từ các app khác, để rồi sau đó rơi vào vòng xoáy của 'tín dụng đen'.

Không vay tiền và đã chuyển công tác sang một trường học khác hơn 1 năm nay nhưng chị L.M.A., lãnh đạo một trường trung học cơ sở ở Lạng Sơn vẫn bị nhóm đối tượng cho vay “tín dụng đen” liên tục quấy rối. Thậm chí, các đối tượng còn tung hình ảnh của chị chụp cùng một số đồng nghiệp cũ lên mạng xã hội facebook, kèm theo những lời nhục mạ, ảnh hưởng tới danh dự, uy tín bản thân.

Vay tiền qua các app quá dễ dàng nên nữ giáo viên đã sập bẫy “tín dụng đen”.

Chị A. vô cùng bức xúc cho biết, bản thân không hề vay tiền của bất cứ ai, hay tổ chức cá nhân nào, tuy nhiên không hiểu sao hình ảnh của chị lại bị các đối tượng lập facebook ảo tung lên mạng xã hội đòi nợ. Chị A. chỉ biết việc này khi được bạn bè, người thân phát hiện và thông báo. Chị A. đã phải nhờ cơ quan công an vào cuộc.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân chị A. bị nhóm hoạt động “tín dụng đen” quấy rối xuất phát từ việc chị N.T.L.H. - đồng nghiệp ở trường cũ của chị A. đã vay tiền thông qua các trang app “đen” trực tuyến. Lãnh đạo nhà trường - nơi nữ giáo viên nói trên công tác cũng vô cùng bức xúc bởi thời gian gần đây, có một nhóm đối tượng ngổ ngáo thường xuyên tụ tập trước cổng trường chửi bới, gây rối. Việc này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảng dạy của các giáo viên cũng như học sinh nhà trường. Ban lãnh đạo nhà trường cũng đã trình báo sự việc tới cơ quan Công an.

Theo lời chị H., cách đây khoảng gần 1 năm, chị bắt đầu kinh doanh bán quần áo và mỹ phẩm online để kiếm thêm thu nhập. Để có vốn làm ăn, chị H. đã vay của bố mẹ hơn 60 triệu đồng để nhập hàng. Thời gian đầu, công việc tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, sau một thời gian, việc buôn bán bắt đầu chững lại, số hàng tồn nhiều, không bán được.

Đang lúc cần vốn nhập hàng mới mà không còn tiền, thấy có tin nhắn quảng cáo của một app cho vay tiền trên mạng với thủ tục dễ dàng, không cần thế chấp tài sản, chỉ cung cấp các thông tin cá nhân..., chị H. đã nhấn vào app đó để làm thủ tục vay tiền. Lần đầu, chị H. vay 5 triệu đồng với thời hạn 2 tháng.

Chỉ mấy phút ngay sau khi điền các thông tin cá nhân theo hướng dẫn của app nói trên, chị H. đã nhanh chóng được giải ngân ngay. Tuy nhiên, dù đăng ký vay 5 triệu đồng nhưng thực tế chị H. chỉ nhận được 3,5 triệu đồng, số tiền 1,5 triệu đồng còn lại được người của trang app trên giải thích là phí vay và tiền lãi tháng đầu, được chiết khấu thẳng vào số tiền vay khi giải ngân.

Tuy nhiên, sau 2 tháng, việc buôn bán vẫn ế ẩm, chưa trả được nợ và lãi vay, chị H. đã liên tục bị các đối tượng của trang app nói trên gọi điện thoại thúc trả nợ. Bọn chúng chửi bới, đe dọa tung thông tin cá nhân lên mạng và tung tin tới tận trường nơi chị công tác.

Từ số tiền vay 5 triệu đồng ban đầu, chỉ trong hơn 4 tháng, số nợ và lãi của chị H. đã bị đẩy lên thành gần 40 triệu đồng bởi trang app đã tính mức lãi suất quá hạn theo ngày cao ở mức “cắt cổ”.

Để có tiền trả nợ cho trang app này, chị H. đã phải tiếp tục tìm vay tiền của các app khác. Đến nay, do vay tiền của quá nhiều trang app “đen” nên chị H. không nhớ hết được tên của các trang app đó. Vậy là, chỉ từ việc vay khoản tiền nhỏ từ 3-5 triệu đồng của một app, đến nay tổng số tiền nợ và lãi vay chị H. phải trả đã lên tới hàng trăm triệu đồng.

Do liên tục bị các đối tượng gọi điện đòi nợ, bị đe dọa, khủng bố tinh thần, có một thời gian dài khoảng gần 2 tháng liền, chị H. đã phải nhập viện điều trị vì suy nhược, trầm cảm và có ý định bỏ việc.

Còn việc chị M.A., đồng nghiệp cũ với chị H. bị nhóm hoạt động “tín dụng đen” khủng bố tinh thần và tung hình ảnh lên mạng để bôi xấu có lẽ là do bọn chúng nắm được thông tin chị A. là lãnh đạo nhà trường nơi chị H. từng công tác, nhằm mục đích gây sức ép, bắt chị H. phải nhanh chóng trả nợ.

Sau khi nắm được sự việc, Ban Giám hiệu nhà trường đã động viên chị H. cố gắng tiếp tục công tác đảm bảo có thu nhập thường xuyên để ổn định cuộc sống, thu xếp trả nợ dần; bàn bạc với gia đình để giúp chị H. tìm hướng giải quyết nợ nần, đồng thời trình báo vụ việc đến cơ quan Công an, đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng nếu có hành vi gây mất an ninh trật tự tại trường học.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tai-chinh-40/vay-tien-qua-app-den-nu-giao-vien-bi-nhom-doi-tuong-khung-bo-doi-no-i634767/