Vay và cho vay có trách nhiệm để đẩy lùi tín dụng đen
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, bên cạnh hành lang pháp lý được hoàn thiện, việc người đi vay và cho vay có trách nhiệm hơn để hạn chế rủi ro chính là phương thức quan trọng để tín dụng tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Người đi vay cần có trách nhiệm để hạn chế rủi ro
Anh Phan Văn Th. (Hà Nội) cho biết, vừa mới quyết định vay công ty tài chính (CTTC) thêm 20 triệu đồng để đổi xe máy mới. Cân đối được khả năng tài chính, anh Th. cho hay, đã xác định được thời gian trả nợ và lãi suất ở mức chấp nhận được.
“Điều quan trọng nhất, là phải trao đổi kỹ càng về những quy định trước khi ký hợp đồng vay vốn tiêu dùng, ý thức rõ trách nhiệm của người vay trong việc lên kế hoạch chi tiêu để trả nợ đúng hạn, tránh phát sinh lãi phạt”, anh Th. chia sẻ kinh nghiệm.
Là một người đã từng vay tiêu dùng của CTTC, chị Nguyễn Ngọc K. (Bình Dương) cho biết, tháng sau sẽ ký hợp đồng vay tiêu dùng với một CTTC để sửa nhà. Cùng với khoản tiền tiết kiệm ba năm qua, hai vợ chồng chị sẽ vay thêm 60 triệu đồng. Chị K chia sẻ: “Tôi cảm thấy yên tâm hơn khi các cơ quan quản lý ban hành thêm các quy định nêu rất rõ trách nhiệm của CTTC trong việc cho vay”.
Còn về lãi suất, theo chị K, vì là vay tín chấp không có tài sản bảo đảm, nên phải chấp nhận mức lãi suất cho vay cao hơn lãi vay ngân hàng. “Tuy nhiên, thời gian qua, do đã từng vay tiền tại CTTC, có lịch sử trả nợ tốt, tôi được ưu đãi, được thỏa thuận về lãi suất với bên cho vay. Thiết nghĩ, chúng ta nên tự cân đối tài chính của mình như mức lương hằng tháng và các thu nhập khác để xem lãi suất có phù hợp hay không trước khi quyết định vay”, chị K cho hay.
Nhận định về vấn đề người đi vay tự trang bị kiến thức và có trách nhiệm với khoản vay như các trường hợp kể trên, các chuyên gia tài chính - ngân hàng đều đồng thuận cho rằng sẽ rất tốt, trước hết là có lợi cho người đi vay. Bởi, khi thiết lập được lịch trình trả nợ, người vay sẽ hoàn toàn chủ động cân đối chi tiêu để thanh toán đúng thời hạn, không bị lãi phạt do chậm trả, không vướng phải những rủi ro, mâu thuẫn không đáng có phát sinh trong quá trình thu hồi công nợ do chây ỳ, trốn nợ.
Đặc biệt, việc nâng cao hiểu biết và có trách nhiệm hơn khi đi vay cũng là cách để lãi suất cho vay tiêu dùng dần thấp hơn với người vay. Theo lý giải của chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, nếu người đi vay có hồ sơ “đẹp” (thu nhập ổn định, thanh toán nợ đúng đủ, không có nợ quá hạn trả, chưa đi vay quá nhiều…), sẽ nhận được lãi suất thấp và ưu đãi hơn.
Cho vay có trách nhiệm để bảo đảm an toàn
Cũng theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, đã qua thời kỳ tăng trưởng nóng, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang phát triển sâu và vững chắc hơn. Nhất là sau khi Thông Tư 43/2016/TT-NHNN và Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi bổ sung do Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC đối với khách hàng, đã tạo tiền đề phát triển ổn định hơn đối với ngành. Bản thân các CTTC đang chủ động kiện toàn để hoàn thiện theo hướng minh bạch, hạn chế rủi ro, an toàn hơn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc FE Credit, cho biết: “Chúng tôi luôn chú trọng công tác cho vay có trách nhiệm bằng cách bảo đảm công tác thẩm định khi xét duyệt vay cho đúng đối tượng/người đi vay có nhu cầu. Đồng thời, công ty cũng xét duyệt hạn mức khoản vay nằm trong khả năng trả nợ của khách hàng. FE Credit cũng luôn minh bạch và công khai thông tin về hạn mức tín dụng, khung lãi suất, mức phí liên quan đến khoản vay… trên website công ty lẫn các kênh truyền thông đại chúng”.
Đánh giá về thị trường tài chính tiêu dùng trong thời gian tới, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, chắc chắn sẽ phát triển hơn rất nhiều, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Mỗi khách hàng - người đi vay luôn ý thức được trách nhiệm trả nợ trước khi quyết định ký hợp đồng vay tiêu dùng.
“Lời khuyên của tôi cho những người đi vay là hãy có trách nhiệm của mình với tổ chức đi vay. Số tiền trả cho món vay không quá 60% thu nhập của họ hằng tháng. Chính bản thân người vay khi đã tính toán, xác định được khả năng cũng như tiến độ trả nợ thì chắc chắn góp phần giúp cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển và sẽ bền vững hơn”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Đối với CTTC, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, thời gian qua, nhiều đơn vị đã luôn nỗ lực trong vai trò là tổ chức cho vay, như tư vấn đầy đủ cho khách hàng trước khi ký hợp đồng vay vốn, thẩm định kỹ càng khả năng tài chính của người vay để khoản vay được sử dụng đúng mục đích…
Đây là những tín hiệu rất tích cực cho thị trường. Rõ ràng, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh khi có sự chủ động về trách nhiệm của cả hai bên là người đi vay - khách hàng và bên cho vay - CTTC trong việc trả nợ và giải ngân vốn.