VB Bank sẽ bán hơn 1 tỷ cổ phiếu VPB cho doanh nghiệp Nhật Bản
VPBank sẽ bán hơn 1 tỷ cổ phiếu VPB cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC, một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Sumitomo Mitsui, theo Bloomberg.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang trong giai đoạn cuối của thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui của Nhật Bản với giá khoảng 1,4 tỷ USD, Bloomberg đưa tin.
Cụ thể, VPBank sẽ bán hơn 1 tỷ cổ phiếu VPB cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC, một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Sumitomo Mitsui, với giá 32.000 - 33.000 đồng/cổ phiếu VPB. Hai bên ký kết thỏa thuận giao dịch cổ phiếu VPB vào cuối tháng 3.
Theo Bloomberg, các ngân hàng hàng đầu Nhật Bản đang đầu tư hàng tỷ USD vào châu Á để cung cấp dịch vụ cho tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng trong khu vực. Vào tháng 11, Sumitomo Mitsui đã đồng ý mua thêm cổ phần của Ngân hàng thương mại Rizal có trụ sở tại Philippines với giá khoảng 460 triệu USD.
VPBank là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất tại Việt Nam với tổng tài sản đạt hơn 631.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 12/2022. Ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực cho vay bán lẻ, tín dụng doah nghiệp, tài chính tiêu dùng và quản lý tài sản.
Cổ phiếu VPB chỉ tăng hơn 2% từ đầu năm nay với mức vốn hóa hiện tại vào khoảng 5,2 tỷ USD, cũng là ngân hàng lớn thứ tư của Việt Nam tính theo giá trị thị trường. Lợi nhuận ròng của VPBank tăng 55,6% lên 18.200 tỷ đồng trong năm 2022.
Từ năm 2021, VPBank đã lên kế hoạch bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và dự kiến hoàn tất thương vụ này vào năm ngoái. Bà Lưu Thị Thảo, Phó Giám đốc điều hành thường trực của VPBank cho biết số tiền thu được sẽ giúp ngân hàng bổ sung nguồn vốn hoạt động.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tháng 1, Giám đốc điều hành của Sumitomo Mitsui, Jun Ohta xác nhận công ty đang thảo luận về việc hợp tác vốn với VPBank, dựa trên liên minh với ngân hàng này. Trước đó, Sumitomo Mitsui đã mua 49% cổ phần của FE Credit từ VPBank.
Đại diện của VPBank từ chối bình luận về thỏa thuận, trong khi Sumitomo Mitsui và SMBC cũng thực hiện động thái tương tự.