VBF 2020: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh ổn định, song cộng đồng doanh nghiệp vẫn cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục những nỗ lực thực chất, đồng bộ.
Kết luận Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2020 (VBF), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, các Hiệp hội doanh nghiệp và các nhóm công tác của Diễn đàn đã có những ý kiến tham luận và kiến nghị rất xác đáng và tâm huyết đối với các cơ quan Chính phủ.
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, mặc dù đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần doanh nghiệp song cộng đồng doanh nghiệp vẫn cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục những nỗ lực thực chất và đồng bộ để đạt được các mục tiêu chiến lược.
Thời gian qua nhiều chính sách và biện pháp cải cách đã được Chính phủ xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện phù hợp với tình hình mới. Theo đó. trong năm 2019-2020, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành nhiều bộ Luật để tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư, kinh doanh như: Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật PPP, Bộ luật Lao động sửa đổi, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Sở hữu trí tuệ… Đây đều là những lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương cho Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vì những đóng góp nổi bật của ông đối với diễn đàn cũng như nền kinh tế Việt Nam (Ảnh: Đức Thanh)
Bộ trưởng cũng tổng kết các ý kiến về sử dụng điện và năng lượng hiệu quả, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, tái tạo; tiếp tục xây dựng một cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu quả để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng…
Về thuế và hải quan, theo các ý kiến tại Diễn đàn, việc vận dụng các quy định, chính sách ở địa phương vẫn tồn tại một số khó khăn, bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Phạm vi kiểm tra sau thông quan chồng chéo, vấn đề thuế GTGT đối với hàng hóa giao nhận ngoài Việt Nam; Vướng mắc về hoạt động thương mại của các doanh có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI); Điều kiện để được công nhận là Doanh nghiệp chế xuất chưa rõ ràng...
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề xuất Việt Nam cần cải cách cơ bản và toàn diện giáo dục bậc Đại học để đưa nền giáo dục phù hợp với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển nguồn nhân lực quốc gia tập trung vào việc học tập suốt đời và các kỹ năng mềm, kỹ năng công nghệ và kỹ năng giao tiếp và ứng xử cho tất cả sinh viên, phát triển lực lượng lao động du lịch trong tương lai và đào tạo lại nhân viên cũ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp các ý kiến của Cộng đồng doanh nghiệp và nội dung chỉ đạo của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để xử lý hiệu quả các kiến nghị, trình cấp có thẩm quyền tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
“Chính phủ cam kết tiếp tục duy trì trao đổi và kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; cam kết thiết lập cơ chế chính sách ưu đãi thúc đẩy đổi mới sáng tạo; cam kết huy động và kết hợp mọi nguồn lực để hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp”, ông nhấn mạnh.