VBF 2024: Nhà đầu tư nước ngoài muốn mua điện sạch không qua EVN
Vấn đề cung ứng điện, thiết lập các quy định để có thể cung cấp năng lượng từ các dự án năng lượng tái tạo trực tiếp đến người dùng cuối (không qua EVN và lưới điện)… được nhiều nhà đầu tư nước ngoài nêu ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2024).
Cụ thể, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) phản ánh, trong thời gian từ tháng 6-7/2023, nhiều khu vực ở miền Bắc Việt Nam (Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…) xảy ra tình trạng bị cắt điện do thiếu điện và ở một số khu công nghiệp cũng đã tiến hành cắt điện có báo trước với tần suất khoảng 1-2 lần/tuần.
Ngần ngại đầu tư vì lo điện không ổn định
“Chính phủ Việt Nam cũng nhận thức được rằng hiện tượng thiếu điện như vậy là yếu tố gây trở ngại lớn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời đã có nhiều nỗ lực nhằm đề ra giải pháp, tuy nhiên đây là vấn đề khó có thể giải quyết được trong thời gian ngắn”, ông Hong Sun nói.
Theo Chủ tịch KoCham, các DN Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các DN công nghệ cao như bán dẫn đang chỉ ra rằng hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Lập trường của các DN toàn cầu khác trong lĩnh vực công nghiệp cao mà Chính phủ Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư cũng tương tự.
“Các công ty Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến các ngành sử dụng nhiều công nghệ, phù hợp với xu hướng thân thiện môi trường như điện mặt trời áp mái, tuy nhiên họ đang ngần ngại việc xúc tiến đầu tư do việc cung cấp điện không ổn định và các quy định pháp luật liên quan chưa rõ ràng”, Chủ tịch KoCham thông tin.
Vị đại diện DN Hàn Quốc đề nghị Chính phủ Việt Nam có phương án cung cấp điện thông suốt trong các khu công nghiệp để các DN đầu tư nước ngoài, trong đó có DN Hàn Quốc có thể duy trì hoạt động sản xuất ổn định.
Cùng nỗi lo lắng này, ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), nhấn mạnh một trong các nhu cầu chính của tất cả các DN và bất kỳ nhà đầu tư trong tương lai đó là nhu cầu về sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo ngay lập tức.
Muốn triển khai nhanh cơ chế mua bán điện trực tiếp
Đáng chú ý, Chủ tịch AmCham khuyến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh các Thỏa thuận mua bán điện (PPA) theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho các tổ chức đa phương và tổ chức Tài chính Phát triển cho vay các dự án lớn về Chuyển đổi Năng lượng và lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Theo ông, các nhà đầu tư hiện tại cần các quy định hợp lý hơn để có thể cung cấp năng lượng tái tạo, vì nhiều nhà đầu tư mới và các dự án mở rộng cần có khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo để xem xét đầu tư. Những vấn đề then chốt bao gồm việc triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, xây dựng Nghị định về phát triển điện mặt trời trên mái nhà, tiếp cận năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp và hướng dẫn cơ chế Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA).
“Chúng tôi rất vui và được khích lệ bởi những tín hiệu cho thấy DPPA có thể được triển khai vào ngày 1/7 năm nay. Các thành viên của Hiệp hội chúng tôi – cùng với các nhà đầu tư và khách hàng, luôn sẵn sàng hỗ trợ triển khai sớm nhất chương trình đáng mong đợi từ lâu này”, Vị Chủ tịch AmCham bày tỏ.
Liên quan tới hợp đồng mua bán điện (PPA), Chủ tịch Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam Gabor Fluit, nhấn mạnh cần thiết lập các quy định để có thể cung cấp năng lượng từ các dự án năng lượng tái tạo trực tiếp đến người dùng cuối (không phải qua EVN và lưới điện), với việc bao tiêu trực tiếp dưới hình thức Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa nhà phát điện và người tiêu dùng cuối cùng.
Ông cũng kiến nghị, sửa đổi PPA giữa EVN và các nhà sản xuất năng lượng sạch để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tận dụng tối đa lợi ích giảm chi phí của các quy trình đấu giá theo kế hoạch, từ đó đưa ra các điều khoản chính và khoản chấp nhận thanh toán đầy đủ nhằm giải quyết mối quan ngại của các bên cho vay quốc tế.
“Cho phép người tiêu dùng điện tiếp cận năng lượng sạch bằng cách triển khai DPPA trong các chương trình thí điểm và bằng cách giảm bớt các rào cản pháp lý đối với các nhà máy năng lượng sạch sau công tơ”, ông Gabor Fluit nói.
Theo EuroCham, cần khuyến khích triển khai ngay Chương trình thí điểm DPPA, không nhất thiết chỉ giới hạn ở một dự án duy nhất, với các tiêu chí phù hợp và thủ tục hiệu quả để lựa chọn các dự án thí điểm và giảm bớt gánh nặng pháp lý đối với các công ty mong muốn triển khai các nhà máy năng lượng sạch trên sau công tơ.