VCCI góp ý hoàn thiện dự thảo nghị định về giảm phát thải khí nhà kính
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tiêu chí xác định cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính theo đề xuất của dự thảo cần phải được xem xét lại.
Phản hồi đề nghị của Bộ Tư pháp về việc góp ý xây dựng dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tiêu chí xác định cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính theo đề xuất của dự thảo cần phải được xem xét lại.
Bởi lẽ, theo quy định, các cơ sở phát thải từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, hoặc các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng từ 1.000 tấn dầu/năm trở lên; các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa đường bộ có tổng tiêu thụ nhiên liệu từ 1.000 TOE/năm trở lên; các tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE/năm trở lên; cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động từ 65.000 tấn/năm trở lên... đều thuộc diện kiểm kê khí nhà kính.
Tuy nhiên, theo VCCI, quy định tiêu chí theo tấn CO2 tương đương có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Bởi như vậy cần mở rộng đối tượng phải kiểm kê ra ngoài các đối tượng được liệt kê theo lĩnh vực gồm công nghiệp, xây dựng, xử lý chất thải, chăn nuôi.
Dù dự thảo quy định trách nhiệm cập nhật danh mục cơ sở phải kiểm kê là của cơ quan Nhà nước. Song, người cung cấp số liệu này cho cơ quan quản lý vẫn là các doanh nghiệp. Trong khi hiện nay, rất ít doanh nghiệp thực hiện việc này. Vì thế khó xác định diện cần phải kiểm kê khí nhà kính, do đó, doanh nghiệp lại phải tốn kém chi phí để đo đạc, kiểm kê.
Thêm nữa, việc xác định cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính nhằm đưa họ ra khỏi danh mục nếu đã thực hiện giảm nhẹ phát thải và có mức kiểm kê dưới 3.000 tấn CO2 tương đương một năm. Nếu thế, cách quy định như vậy là không phù hợp. Quy định sử dụng cấu trúc “hoặc”, nghĩa là doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng một trong hai điều kiện sẽ là đối tượng thuộc danh mục, bất kể doanh nghiệp phát thải ít như thế nào.
Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ tiêu chí về tấn CO2 tương đương; đồng thời, bổ sung quy định cho tiêu chí này theo hướng các doanh nghiệp có tài liệu chứng minh mức phát thải dưới 3.000 tấn CO2 tương đương một năm được miễn thực hiện nghĩa vụ nói trên.
Liên quan tới căn cứ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, theo dự thảo, dựa vào kết quả kiểm kê khí nhà kính trong kỳ kiểm kê gần nhất và tình hình thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở giai đoạn từ năm 2023 – 2025.
Theo quan điểm của VCCI, quy định này cần làm rõ việc các dự án đầu tư mới áp dụng công nghệ, quy trình làm giảm lượng phát thải. Một số dự án đầu tư sau này có thể áp dụng công nghệ sản xuất mới, làm giảm lượng phát thải hơn so với các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ cũ. Những dự án này vẫn là các cơ sở phát thải lớn.
Tuy nhiên, mức phát thải sẽ giảm đáng kể so với mức phát thải của dự án sử dụng công nghệ cũ cùng quy mô. Trong nhiều trường hợp, giai đoạn thiết kế, xác định công nghệ trong giai đoạn đầu tư sẽ quyết định lớn lượng khí thải so với việc cải tiến công nghệ sau khi vận hành. Nhưng dự thảo lại chưa đưa ra quy định nào để khuyến khích doanh nghiệp chú ý việc giảm phát thải ngay từ giai đoạn này.
Việc phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở mới xây dựng hoặc mới đưa vào hoạt động sau năm 2025 theo dự thảo, cơ sở mới xây dựng sẽ được xem xét bổ sung vào danh mục và được phân bổ hạn ngạch tại chu kỳ sau. Như vậy, một số điểm không rõ ràng về thời điểm doanh nghiệp thực hiện kiểm kê, do vậy, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ các nội dung nói trên.
Theo dự thảo, quy định tổng số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho các cơ sở không vượt quá 90% tổng hạn ngạch phát thải. Như vậy, việc xác định tỷ lệ hạn ngạch được phân bổ cần dựa trên việc kiểm kê khối lượng phát thải. Tuy nhiên, việc không xác định được lượng hạn ngạch phân bổ tối thiểu khiến doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh trung hạn, do không ước lượng tương đối được lượng hạn ngạch sẽ được phân bổ (miễn phí) và số tiền phải bỏ ra cho việc mua hạn ngạch. Vì vậy, cơ quan soạn thảo bổ sung giới hạn hạn ngạch tối thiểu được phân bổ cho các cơ sở không thông qua đấu giá, chẳng hạn như 80%.
Dự thảo còn quy định các đơn vị thẩm định phải gửi đề nghị công nhận đủ điều kiện thực hiện thẩm định về Bộ Tài nguyên và Môi trường và quy định này có thể coi là một dạng thủ tục hành chính. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục đảm bảo tuân thủ Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính.
Cuối cùng là nội dung chuyển giao, vay mượn, bù trù hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Theo dự thảo, số lượng tín chỉ carbon mua từ dự án trao đổi, bù trừ tín chỉ không vượt quá 10% tổng hạn ngạch được phân bổ trong 1 năm tuân thủ. Quy định này nhằm yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính.
Nhưng, quy định này lại có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp; đặc biệt là với một số dự án đã đầu tư hoặc một số ngành công nghiệp do việc tự giảm phát thải có thể rất khó khăn và đắt đỏ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ được lựa chọn hoặc hạn chế phát thải hoặc mua bán tín chỉ carbon, tùy theo nhu cầu để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải. Từ đây, VCCI đề nghị dự thảo sửa đổi theo hướng không giới hạn số lượng tín chỉ carbon được bù trừ. Ngoài ra, dự thảo cần xem xét thêm một số điểm khác như quy định kỹ thuật viên phải có bằng cấp, chứng nhận phù hợp; thời điểm ban hành quy chuẩn thu gom, xử lý..../.