VCCI: RCEP không gây ra cú sốc nhập siêu cho Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (VCCI) nói hiệp định RCEP có những đối thủ lớn của Việt Nam, nhưng khó gây ra tình trạng hàng hóa nhập khẩu ồ ạt như 'lũ tràn' vào trong nước.

“Nhập khẩu từ các nước trong RCEP vào Việt Nam tất nhiên sẽ tăng vì họ sẽ có thêm con đường ưu tiên. Tuy nhiên, cái gọi là 'lũ lụt' hay cú sốc nhập siêu có lẽ là nỗi lo quá mức”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ sáng 19/4 tại hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Thông tin Tuyên truyền ASEAN - tổ chức

RCEP, viết tắt của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có sự tham gia của 15 nước, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và 10 nước ASEAN.

Khi toàn bộ 15 nước tham gia phê chuẩn đầy đủ, RCEP sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới. Nó tạo ra khu vực thương mại tự do với thị trường chiếm 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu.

Các nước RCEP sẽ có điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất nhập khẩu trong khối này, từ đó thúc đẩy hàng hóa lưu thông tự do trong khu vực và giảm thiểu chi phí.

“Khối RCEP là thị trường lớn và chúng ta đã có thêm một con đường tiến vào thị trường ấy”, bà Trang nói. “Rõ ràng đây là một điểm rất có ý nghĩa với các doanh nghiệp Việt”.

 Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: VCCI.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: VCCI.

Không có lo ngại về nhập siêu

Trừ Myanmar, Philippines và Indonesia, RCEP đã có hiệu lực đối với 12 nước còn lại, giúp xóa bỏ ngay lập tức ít nhất 64% dòng thuế giữa các quốc gia này. Tỷ lệ ấy cũng sẽ được nâng lên ít nhất 90% trong vòng 15-20 năm tới.

Chính những ưu đãi thuế quan ấy khiến một số người lo ngại RCEP sẽ làm cho nhập siêu tăng mạnh, vì trong RCEP có nhiều đối thủ lớn của Việt Nam, với những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp.

Nhưng bà Trang chỉ ra rằng ngay từ trước khi tham gia RCEP, Việt Nam cũng đã dành tỷ lệ xóa bỏ thuế quan bằng hoặc cao hơn trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

“Mức xóa bỏ thuế quan ở cuối lộ trình vào năm 2018 (của ATIGA) là 98%”, bà Trang nói. “Như vậy, mức Việt Nam hiện tại mở cho (các nước ASEAN trong) RCEP còn thấp hơn nhiều so với mức đã mở cho cũng chính các đối tác đó trong ATIGA”.

Với Australia và New Zealand, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ lần lượt 65,3% tỷ lệ dòng thuế ngay lập tức và 89,6% trong 15 năm tới.

“Nhưng mức chúng ta cam kết cho họ trong AANZFTA (Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand, có hiệu lực từ năm 2010) đã là 90%, bắt đầu từ năm nay”, bà Trang nhấn mạnh.

 Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ký hiệp định vào năm 2020, với sự chứng kiến của ngài Nguyễn Xuân Phúc khi còn giữ cương vị thủ tướng. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ký hiệp định vào năm 2020, với sự chứng kiến của ngài Nguyễn Xuân Phúc khi còn giữ cương vị thủ tướng. Ảnh: Hoàng Hà.

Thời gian dỡ bỏ thuế quan cũng là một lý do khiến bà Trang không lo ngại về nhập siêu.

“Lộ trình dỡ bỏ thuế quan của RCEP cũng tương đối dài, không mở ngay trong năm nay hoặc năm sau mà kéo dài 15-20 năm”, bà nói. “Điều này sẽ tạo ra sự thay đổi dần dần cho các doanh nghiệp để họ thích ứng”.

Ngoài ra, việc Việt Nam nhập khẩu từ các nước RCEP trong một số trường hợp còn là cơ hội có thêm nguyên liệu để gia tăng sản xuất xuất khẩu. Vì thế, nhập khẩu tăng chưa chắc đã mang lại tác động xấu cho nền kinh tế, theo bà Trang.

Trả lời Zing bên lề hội nghị, bà Trang nhấn mạnh vì Việt Nam là thành viên của CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), chúng ta có lợi thế hơn các nước khác khi thực thi RCEP.

“Về tổng thể, các tiêu chuẩn, cam kết trong RCEP thấp hơn hoặc bằng CPTPP. Có nhiều cam kết trong CPTPP chúng ta đã thực hiện rồi nên với RCEP gần như không phải làm nữa”, bà Trang nói. “Trong chừng mực nhất định, đây là điểm cộng, làm giảm thách thức của RCEP đối với nền kinh tế và doanh nghiệp”.

Cũng vì RCEP có các cam kết thấp hơn CPTPP hay EVFTA, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tham gia hội nhập, bà Trang nói.

 Với mỗi FTA, để được hưởng ưu đãi thuế, hàng hóa lưu thông phải đáp ứng quy tắc xuất xứ nhằm đảm bảo đó là hàng hóa của các nước thành viên. Ảnh: Xuân Hoát.

Với mỗi FTA, để được hưởng ưu đãi thuế, hàng hóa lưu thông phải đáp ứng quy tắc xuất xứ nhằm đảm bảo đó là hàng hóa của các nước thành viên. Ảnh: Xuân Hoát.

“Quy tắc xuất xứ của RCEP dễ đáp ứng hơn, trong khi các hiệp định khác cam kết mức giảm thuế cao hơn nhưng quy tắc xuất xứ khó hơn”, bà Trang chia sẻ.

Với mỗi FTA, để được hưởng ưu đãi thuế, hàng hóa lưu thông phải đáp ứng quy tắc xuất xứ nhằm đảm bảo đó là hàng hóa của các nước thành viên.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị bài bản

Ở chiều ngược lại, bà Trang chỉ ra rằng ưu đãi thuế quan mà thành viên RCEP cam kết dành cho Việt Nam trong những năm đầu thấp hơn đáng kể so với mức ưu đãi song phương mà họ dành cho Việt Nam.

RCEP chắc chắn cũng sẽ đặt ra thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Các quốc gia từ trước đã có thế mạnh xuất khẩu sang Việt Nam ở một số mặt hàng, như Trung Quốc, sẽ có thêm con đường nữa vào thị trường trong nước.

“Cạnh tranh cũng có ở thị trường xuất khẩu. Trước đây, hàng Việt Nam vào Nhật Bản tung tăng vì có 3 con đường ưu tiên, trong khi Trung Quốc không có”, tiến sĩ Thu Trang chỉ ra. “Nhưng với RCEP, Trung Quốc sẽ có đường ưu tiên nên hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh hơn với hàng Trung Quốc tại thị trường Nhật”.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tại hội nghị cũng chỉ ra một số lưu ý cho doanh nghiệp để tận dụng RCEP hay các hiệp định khác.

 Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: CIEM.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: CIEM.

“Doanh nghiệp cần có chiến lược nâng cao năng lực xuất khẩu, không phải chỉ tập trung cạnh tranh về giá mà còn về chất lượng, đáp ứng các quy chuẩn mới đang có xu hướng gia tăng tại thị trường RCEP và ngay cả tại Trung Quốc”, ông Dương cho biết.

Ông Dương lấy ví dụ về việc Trung Quốc vào giữa tháng 4/2021 từng ra Lệnh 248 và Lệnh 249 để siết chặt quy định an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu. Hai lệnh này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhưng ban đầu, doanh nghiệp Việt Nam hầu như không quan tâm. Phải tới tháng 9/2021, các doanh nghiệp mới bắt đầu phản ánh về việc sẽ gặp vướng mắc với hai lệnh trên, theo ông Dương.

“Doanh nghiệp Việt Nam chưa có thói quen bài bản để chuẩn bị cho các thay đổi chính sách trong tương lai. Vẫn còn tình trạng khi quy định được ban hành và bắt đầu thực thi thì doanh nghiệp mới ngã ngửa tìm cách làm”, ông Dương nói.

“Không phải cứ sản xuất và bán cái mình có mà còn có câu chuyện xây dựng kế hoạch kinh doanh, tìm hiểu thị trường, quy định và thị hiếu của thị trường ấy một cách bài bản hơn”, ông Dương bổ sung.

Chia sẻ với Zing bên lề hội nghị sáng 19/4, ông Dương cũng cho rằng chính phủ cần tăng cường hỗ trợ ở một số phương diện doanh nghiệp khó có thể tự thực hiện được, như việc đáp ứng tiêu chuẩn bảo quản ngặt nghèo đối với nông sản xuất khẩu sang Nhật Bản.

Ông Dương chỉ ra rằng năm 2012-2013, Việt Nam là một trong những nền kinh tế đầu tiên được Nhật Bản chuyển giao công nghệ bảo quản hoa quả, từ đó mở đường cho hoa quả Việt Nam vào thị trường Nhật khó tính.

“Để làm được việc đó, rõ ràng là phải có trao đổi cấp chính phủ và có niềm tin đáng kể giữa Việt Nam và Nhật Bản”, ông Dương nói.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vcci-rcep-khong-gay-ra-cu-soc-nhap-sieu-cho-viet-nam-post1310811.html