VCK Hội thi giọng ca cải lương giải 'Điêu Huyền' lần thứ II đong đầy cảm xúc ở Cần Thơ
Tối nay 24/3, tại Quảng trường huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, UBND huyện tổ chức Vòng chung kết Hội thi Giọng ca cải lương giải 'Điêu Huyền' mở rộng lần thứ II.
Tối nay 24/3, tại Quảng trường huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, UBND huyện tổ chức Vòng chung kết Hội thi Giọng ca cải lương giải “Điêu Huyền” mở rộng lần thứ II. Đây là hoạt động nghệ thuật nhằm quảng bá hình ảnh vùng đất Phong Điền nói riêng, ĐBSCL nói chung; đồng thời vinh danh ngòi bút tài hoa của cố soạn giả Điêu Huyền - người đã có những đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ.
Soạn giả Điêu Huyền sinh năm 1915, tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, Cần Thơ. Ông tên thật là Phạm Văn Điều, là con thứ chín trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng gồm 11 anh em. Lúc sinh thời, ông nổi tiếng là người khó tính nhưng rất “mát tay” khi đưa tên tuổi của các nghệ sĩ trở thành “thương hiệu” với vở diễn của ông. Và những ai sinh ra, lớn lên tại miền Nam, có tâm hồn đam mê nghệ thuật cải lương không thể không biết đến các vở: Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn Hào Hoa, Tìm lại cuộc đời, Ánh lửa rừng khuya, Cây sầu riêng trổ bông, Kiếp chồng chung… trên sân khấu đoàn cải lương Sài Gòn II, 284 ngày nào của soạn giả tài ba Điêu Huyền.
Theo Ban tổ chức, hội thi Giọng ca cải lương giải “Điêu Huyền” mở rộng lần này thu hút 120 thí sinh tự do đến từ các tỉnh, thành ĐBSCL, yêu thích bộ môn nghệ thuật cải lương đăng ký tham gia. Tất cả thí sinh đều trải qua các vòng sơ tuyển (trừ các thí sinh đã đạt giải khuyến khích trở lên tại các Hội thi khác), vòng bán kết, vòng chung kết để chọn ra 09 thí sinh dự thi vào vòng chung kết xếp hạng. Đồng thời, các tiết mục đăng ký dự thi đều là những bài được phép lưu hành với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, sự nghiệp giải phóng dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa trong sáng và không thể thiếu những tác phẩm nổi tiếng của soạn giả Điêu Huyền.
Là 1 trong 9 thí sinh được vào vòng chung kết xếp hạng, chị Nguyễn Thị Ngọc Truyền, đến từ huyện Vĩnh Lợi – tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: "Hồi nhỏ em đã xem cải lương nhiều, và cũng từng biết đến vở cải lương "Tiếng hò sông Hậu" nổi tiếng. Bây giờ được thử sức mình, tham gia sân chơi để tưởng nhớ lại cố soạn giả thì đó là niềm tự hào. Tham gia cuộc thi này phần nhiều là muốn giao lưu, học hỏi, bên cạnh đó em cũng muốn cho mọi người thấy là không hẳn bạn trẻ bây giờ chỉ có nhạc hiphop, nhạc trẻ hay sính ngoại mà đâu đó vẫn còn bạn trẻ tham gia ca cổ, cải lương, vẫn còn lưu lại bản sắc văn hóa của người dân Nam bộ".
Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Điền cho biết, 9 thí sinh vào vòng chung kết xếp hạng sẽ trải qua hai phần thi, đó là: thể hiện bài vọng cổ nhịp 32 do Ban tổ chức quy đinh và 1 lớp tài tử tự chọn trong 20 bài bản tổ. Có thể nói, hội thi năm nay, các thí sinh đã có sự chuẩn bị chu đáo từ vòng sơ khảo cho đến vòng chung kết xếp hạng, không còn hiện tượng quên lời, trật nhịp như lần đầu tổ chức. Ông Lê Thanh Tùng cho biết thêm: "Công tác chuẩn bị của Ban tổ chức cũng sinh động hơn, chúng tôi đã chuẩn bị được màn hình LED để khi diễn tới nội dung của những bài nói về quê hương đất nước sẽ có hình ảnh cây dừa, bờ ao… để thể hiện bài cho thí sinh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ có kế hoạch tổ chức phong phú hơn, nhiều thể loại hơn và mang tính giáo dục truyền thống, ca ngợi quê hương, đất nước ngày càng nhiều hơn".
Kết thúc Vòng chung kết xếp hạng Giọng ca cải lương giải “Điêu Huyền” mở rộng lần thứ II, Ban tổ chức đã trao 01 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 01 giải nhì trị giá 10 triệu đồng; 02 giải ba mỗi giải trị giá 05 triệu đồng; 04 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 03 triệu đồng, cho thí sinh có phần thể hiện xuất sắc./.