VDB cung ứng trên 200.000 tỷ đồng tín dụng đầu tư cho nền kinh tế
Ngày 5/3/2024, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tổ chức Hội nghị Triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Với tổng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cung ứng cho nền kinh tế đạt trên 200.000 tỷ đồng, thời gian qua, VDB đã đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu nguồn vốn cho phát triển kinh tế- xã hội.
Thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước
Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2006. Trải qua hơn 17 năm hình thành và phát triển, VDB đã thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước, khẳng định vị trí, vai trò là định chế tài chính nhà nước, là công cụ của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô góp phần đáng kể trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội qua từng thời kỳ.
Với tổng lượng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cung ứng cho nền kinh tế đạt trên 200.000 tỷ đồng, thời gian qua, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế thông qua việc tài trợ, cho vay gần 200 dự án trọng điểm (nhóm A) trên phạm vi cả nước. Trong đó, hầu hết các dự án đều thuộc lĩnh vực công nghiệp cơ bản (xi măng, thép, ngành điện, giấy, phân bón, chế biến cao su, cơ khí, vệ tinh viễn thông…).
Có thể điểm qua các Dự án như Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Vệ tinh Vinasat 1 và 2, Đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Nhà máy sữa chế biến sữa tươi sạch TH True Milk, Nhà máy Khí điện đạm Cà Mau…. Các dự án này đã hoàn thành đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, đồng thời, tạo tiền đề quan trọng để phát triển các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền cần ưu tiên theo đúng chủ trương định huớng của Đảng, Chính phủ trong từng thời kỳ.
Cùng với đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng đã dành lượng vốn đáng kể cho vay các dự án thuộc các chương trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng miền của các địa phương. Không chỉ tập trung vốn tín dụng đầu tư phát triển kinh tế xã hội trong nước, nguồn vốn tín dụng đầu tư cũng đã dành để hỗ trợ các dự án đầu tư ra nước ngoài (như dự án thủy điện Xekaman 1 và 3 đầu tư tại Lào, dự án Đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn một số tỉnh tại Lào thuộc Tổng Công ty 15).
Điều chỉnh, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng về tín dụng đầu tư
Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, chặng đường 17 năm qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, những vướng mắc về cơ chế chính sách, sự thiếu hụt về nguồn lực tài chính, nhân sự…
Từ thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt “Phương án cơ cấu lại, định hướng hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2023-2027”. Cùng với kế hoạch, lộ trình hoàn thiện khung pháp lý theo định hướng nêu trên, đến nay, ngày 7/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước với nhiều nội dung quan trọng được điều chỉnh, sửa đổi về danh mục và đối tượng vay vốn, điều kiện vay vốn, mức vốn cho vay và giới hạn tín dụng; thời hạn vay vốn và đồng tiền cho vay. Nghị định cũng quy định cụ thể về lãi suất cho vay và điều khoản chuyển tiếp.
Hai vấn đề được quan tâm nhiều là mức vốn cho vay, giới hạn tín dụng và lãi suất cho vay.
Cụ thể, mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa đối với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động). Dư nợ cấp cho một khách hàng không vượt quá 15% và cấp cho một nhóm khách hàng không được vượt quá 25% số vốn tự có và số dư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn còn lại từ 05 năm trở lên của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Với số vốn tự có và số dư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh như hiện nay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam có thể cho vay đối với một khách hàng tối đa khoảng 12.000 tỷ đồng và đối với nhóm khách hàng tối đa khoảng 20.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn neu trên trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính và đề nghị của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Về lãi suất cho vay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định lãi suất cho vay TDĐT của Nhà nước theo nguyên tắc: đủ bù đắp chi phí và không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ. Lãi suất cho vay được Ngân hàng Phát triển Việt Nam công bố 01 năm/lần trừ trường hợp có biến động mạnh. (Lãi suất cho vay năm 2024 hiện nay là 7,72%/năm). Lãi suất cho vay được áp dụng cho toàn bộ dư nợ trong hạn và các khoản giải ngân mới của các hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư ký kết kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2023. Lãi suất quá hạn do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định, tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn đối với toàn bộ số dư nợ gốc bị chuyển quá hạn của từng khoản nợ vay