VDSC dự báo tăng trưởng GDP nửa cuối năm 2023 khoảng 5,2-6,1%
Dựa trên một số yếu tố lạc quan nhất định gồm niềm tin kinh doanh và tiêu dùng cải thiện nhờ chính sách, đầu tư công tăng tốc kết hợp với mức nền thấp của quý IV/2022, nhóm phân tích từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng tăng trưởng kinh tế quý cuối cùng của năm có thể sẽ là mức tốt nhất trong cả năm.
Lãi suất tiếp tục giảm là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế quý II
Dữ liệu kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm đã phản ánh phần nào những thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 nếu so với các quý II trong giai đoạn từ 2011-2023. Tính chung 6 tháng năm 2023, GDP ước tính tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong 12 năm gần nhất.
Dù vậy, trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định bên cạnh những thách thức, kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 vẫn có những điểm tích cực đáng ghi nhận.
Đầu tiên là lĩnh vực bán lẻ dịch vụ và hàng hóa vẫn giữ được mức tăng khá là 10,9% trong 6 tháng đầu năm, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 8,4%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khoảng 9,3%; doanh thu lưu trú, ăn uống và du lịch tiếp nối đà phục hồi từ mức nền thấp, tăng khoảng 14,6% so với cùng kỳ. Đây cũng là trụ đỡ đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng GDP trong 2 quý đầu năm.
Cùng đó, mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế tiếp tục giảm nhờ sự kết hợp của định hướng nới lỏng chính sách của NHNN, cầu tín dụng yếu do điều kiện kinh doanh kém thuận lợi và thị trường trái phiếu doanh nghiệp không có thêm những cú sốc. Cụ thể, theo báo cáo của VDSC, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm tương đối so với đầu năm, mức giảm trung bình là 1,25 điểm % đối với kỳ hạn 6 tháng và 1 năm. Nhóm phân tích nhận định sẽ là tiền đề để lãi suất cho vay giảm tiếp trong nửa sau của năm 2023.
Trong khi đó, tỷ giá và lạm phát đều tương đối ổn định ở nửa đầu năm 2023. Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,3% so với cùng kỳ. Đóng góp nhiều nhất vào mức tăng này là nhóm lương thực, thực phẩm và xây dựng, lần lượt là 1,4 điểm % và 1,2 điểm %. Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm giao thông giảm giúp kéo lạm phát bình quân giảm 0,5 điểm %. Còn về tỷ giá, tỷ giá USD-VND trên thị trường chính thức tăng 0,21% so với cuối năm 2022, NHNN đã mua vào hơn 6 tỷ USD giúp dự trữ ngoại hối tăng lên hơn 91 tỷ USD.
Một yếu tố khác là tăng trưởng vốn đầu tư từ NSNN đạt 232,2 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng, tức tăng 20,5% so với cùng kỳ, gần gấp đôi mức tăng của cùng kỳ 2022. Trong tháng 6/2023, Chính phủ đã khởi công dự án giao thông quan trọng là vành đai 3 tại TP HCM và vành đai 4 tại Hà Nội.
Tại khu vực năng động nhất của nền kinh tế là TP HCM, tín hiệu phục hồi đáng kể đã được ghi nhận khi GRDP quý II của thành phố đạt tăng 5,9%, cao hơn mức tăng chỉ 0,7% trong quý I. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 5,0% so với cùng kỳ, công nghiệp và xây dựng tăng 0,8%, nông lâm thủy sản tăng 2,1%. Giải ngân vốn đầu tư công của thành phố tính đến hết ngày 23/6 là 10.244 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15% tổng số vốn giao (68.490,566 tỷ đồng), cao hơn đáng kể so với ước tính 3,3% tại ngày 31/5.
Dự báo tăng trưởng GDP nửa cuối năm 2023 khoảng 5,2-6,1%
Nhìn về nửa sau năm 2023, nhóm phân tích VDSC nhận định một số chỉ báo ngắn hạn cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều thử thách.
Trong lĩnh vực sản xuất, sản xuất công nghiệp tháng 6/2023 đã bắt đầu ghi nhận tín hiệu phục hồi nhẹ, tăng 2,8% so với cùng kỳ so với mức tăng 0,5% trong tháng trước, nổi bật là sự cải thiện trong hoạt động sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống, xe có động cơ, và dệt. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất của các ngành xuất khẩu (gồm trang phục, da giày, gỗ, điện tử) vẫn tăng trưởng âm hoặc không tăng trưởng so với cùng kỳ. Chỉ số quản trị mua hành (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 6/2023 do S&P Global công bố cũng cho thấy tăng nhẹ lên 46,2 điểm, cao hơn 0,9 điểm so với tháng trước nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng trung lập 50 điểm; phản ánh lượng đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục giảm.
Mặt khác, lĩnh vực tiêu dùng - trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm - đang bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 6/2023 chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 11,5% trong tháng trước. Nguyên nhân là do hiệu ứng mức nền thấp mất dần ở nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch. Đáng chú ý, doanh thu bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 6,0% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 11,0% của tháng trước, báo cáo của VDSC lưu ý.
Dựa trên so sánh với mức nền cao của cùng kỳ năm trước và điều kiện của khu vực sản xuất không cải thiện nhiều trong khi khu vực dịch vụ đang có dấu hiệu chậm lại, VDSC nhận định tăng trưởng kinh tế quý III/2023 nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức thấp, ước khoảng 3,5-4,0%.
Với quý IV, theo nhóm phân tích, hiện chưa có nhiều chỉ báo để kỳ vọng bước cải thiện đáng kể trong tăng trưởng, nhưng dựa trên một số yếu tố lạc quan nhất định gồm niềm tin kinh doanh và tiêu dùng cải thiện nhờ chính sách, đầu tư công tăng tốc kết hợp với mức nền thấp của quý IV/2022, nhóm cho rằng tăng trưởng kinh tế quý cuối năm có thể sẽ là mức tốt nhất trong cả năm.
“Theo đó, Rồng Việt cho rằng kỳ vọng hợp lý cho tăng trưởng GDP cả năm là 4,5-5,0%, trong đó, tăng trưởng nửa cuối năm 2023 ước khoảng 5,2-6,1%, cao hơn so với mức tăng 3,7% của nửa đầu năm”, báo cáo triển vọng vĩ mô của VDSC nhấn mạnh.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong 2 kịch bản tăng trưởng vừa được Bộ cập nhật, dù ở kịch bản thấp, với tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%, thì tăng trưởng kinh tế quý III cũng phải đạt 6,8%, quý IV phải đạt 9%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,0%.
Với kịch bản tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%, cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.