VĐV điền kinh Timor Leste gặp lại cô gái trao lá cờ Tổ quốc

'Anh ấy gửi lời cảm ơn và tặng mình chiếc khăn cùng huy hiệu Timor Leste làm kỷ niệm. Bọn mình cũng kết bạn và giữ liên lạc trên mạng xã hội', nữ TNV Thanh Thúy kể với Zing.

Tại SEA Games 31, hình ảnh Felisberto de Deus, vận động viên điền kinh của Đoàn Thể thao Timor Leste, ăn mừng thành tích giành HCB nội dung 10.000 m nam được nhiều người xem là một trong những khoảnh khắc ấn tượng, để lại nhiều xúc động.

Chàng trai sinh năm 1999 cầm lá cờ Việt Nam nhỏ trên tay, khoác quốc kỳ Timor Leste chạy dọc SVĐ Mỹ Đình trước sự chúc mừng, cổ vũ của khán giả.

Góp phần vào hình ảnh đẹp đó là Hà Thị Thanh Thúy (sinh năm 2003), nữ tình nguyện viên nhanh chóng đem quốc kỳ Timor Leste đến cho Felisberto ăn mừng.

“Chiều 19/5, mình đã gặp lại Felisberto khi làm nhiệm vụ ở khu vực khách sạn VĐV lưu trú. Mình rất vui và tự hào khi là người được mang cờ cho anh”, Thúy chia sẻ.

Kỷ niệm đáng nhớ

Khi Thanh Thúy có mặt ở sảnh khách sạn, Felisberto vẫn đang nói chuyện với một số đồng đội và tình nguyện viên khác. Nhận ra Thúy, các tình nguyện viên thông báo cho nam VĐV rằng đây chính là "cô gái đưa cờ".

"Ngay khi gặp lại, anh ấy cảm ơn và cũng xin lỗi mình vì đã không kịp bày tỏ sự cảm kích ngay lúc nhận cờ. Đứng bên cạnh, đồng đội Felisberto cũng nói anh đã tìm mình nhiều lần nhưng không được".

 Thanh Thúy đã gặp lại VĐV điền kinh Felisberto sau khi câu chuyện lan truyền trên mạng.

Thanh Thúy đã gặp lại VĐV điền kinh Felisberto sau khi câu chuyện lan truyền trên mạng.

Nhớ lại tình huống chiều 17/5, Thanh Thúy kể khi Felisberto về đích ở vị trí thứ 2 nội dung 10.000 nam, cô đang đứng ở cửa số 3, ngay bên dưới khu vực ban huấn luyện đoàn Timor Leste.

“Chắc tại họ không biết vận động viên sẽ về đích ở cửa số 4 nên khi anh Felisberto ăn mừng, họ không chạy xuống ngay được. Lúc đó, ban huấn luyện của đội rất gấp gáp, đã nhờ mình mang cờ sang cho anh”.

Ngay khi nhận cờ, Thúy chạy thật nhanh về phía nam VĐV trong sự cổ vũ của các khán giả có mặt trên khán đài chứng kiến sự việc: "Cố lên, chạy nhanh lên bạn ơi, anh ấy đang chờ kìa".

Khi đó, Thúy chỉ nghĩ đơn thuần rằng cô giúp đưa cờ cho một VĐV ăn mừng, chưa hề biết đó là khoảnh khắc lịch sử đối với Felisberto nói riêng và thể thao Timor Leste nói chung tại một kỳ SEA Games.

“Lúc về, mình còn khoe với bạn là được mang cờ cho VĐV giành HCB. Đến lúc nghe câu chuyện về anh, mình rất bất ngờ và xúc động. Mình hạnh phúc và may mắn khi đã được tiếp xúc với một con người tuyệt vời như vậy”.

Tự hào

Thanh Thúy hiện là sinh viên năm nhất, khoa ngôn ngữ Tây Ban Nha tại Đại học Hà Nội.

Từ tháng 1, Thúy đăng ký trở thành tình nguyện viên cho SEA Games 31 khi trường mở đợt tuyển chọn. Ngoài học lực, kỹ năng làm việc thực tế, khả năng giao tiếp tiếng Anh cũng là một trong những yêu cầu quan trọng cần có.

Cuối cùng, Thúy vinh dự trở thành một trong số 1.350 tình nguyện viên của trường phục vụ SEA Games và thuộc tiểu ban giao thông.

Từ 9/5, công việc hàng ngày của cô là túc trực tại khách sạn vận động viên lưu trú, điều phối, sắp xếp xe cho các đoàn đi tập luyện và thi đấu. Thời gian làm việc thay đổi luân phiên theo nhóm, ca sáng 7h-14h, chiều 13h-20h song có hôm tới 22h, Thúy và mọi người mới xong việc.

Thúy là một trong 1.350 tình nguyện viên tại SEA Games của Đại học Hà Nội.

Thúy là một trong 1.350 tình nguyện viên tại SEA Games của Đại học Hà Nội.

“Ngoài câu chuyện với anh Felisberto, một hình ảnh khá vui mình chứng kiến khi làm việc là về huấn luyện viên của đội điền kinh Malaysia. Bác ấy rất thích đi xe máy và hay nhờ các bạn TNV chở đến sân vận động. Có hôm trưa nắng gắt, bác cần xe đi sân vận động, bọn mình ngỏ ý sẽ đặt giúp bác taxi nhưng bác nhất quyết muốn ngồi xe ôm công nghệ, khá dễ thương”.

Đối với nữ sinh năm nhất, điều vui nhất trong những ngày qua là cô làm quen được nhiều người bạn, anh chị mới và tích lũy kinh nghiệm giao tiếp, xử lý tình huống cũng như trau dồi ngoại ngữ.

Cũng nhờ SEA Games 31, lần đầu tiên Thúy có cơ hội xem thi đấu thể thao chuyên nghiệp trực tiếp, được hòa mình vào không khí hồi hộp, phấn khích.

“19 năm trước khi Việt Nam đăng cai SEA Games, mình mới chào đời. Lần này, mình đã là cô sinh viên, tự hào khi được là một mảnh ghép nhỏ vào bức tranh tập thể. Sau sự kiện này, nếu có cơ hội, mình chắc chắn sẽ đi xem thi đấu thể thao nhiều hơn, cổ vũ cho các vận động viên”.

Ánh Hoàng

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vdv-dien-kinh-timor-leste-gap-lai-co-gai-trao-la-co-to-quoc-post1319363.html