VĐV điền kinh Timor Leste mong gặp lại cô gái trao mình lá cờ Tổ quốc
'Tôi tự hào khi là người đầu tiên mang huy chương về cho điền kinh Timor Leste. Mai là Quốc khánh nên đây là món quà tôi dành tặng đất nước mình', Felisberto de Deus nói với Zing.
SEA Games 31 là kỳ đại hội lịch sử với điền kinh Timor Leste khi giành được 2 huy chương đầu tiên kể từ năm 1959.
VĐV Felisberto de Deus (sinh năm 1999) có cảm xúc đặc biệt hơn cả khi là người tạo nên dấu mốc này.
Chiều 17/5, sau khi về nhì nội dung 10.000 m nam, Felisberto cầm lá cờ Việt Nam nhỏ trên tay và khoác quốc kỳ Timor Leste chạy dọc sân Mỹ Đình ăn mừng.
Anh cũng chủ động tới nắm tay VĐV Nguyễn Văn Lai (giành HCV) và Lê Văn Thao (HCĐ) để chia vui. Hình ảnh này gây xúc động mạnh với khán giả.
Trước đó một ngày, Felisberto giành HCB nội dung 5.000 m nam.
“Sau khi giành huy chương, tôi gọi về chia vui với gia đình. Họ tự hào và hạnh phúc đến bật khóc. Chính tôi cũng không kìm được nước mắt”, chàng trai rưng rưng kể lại.
Ngoài đời, nam VĐV giản dị, hiền lành và có phần rụt rè khi nói về bản thân.
“Người Việt Nam rất tốt bụng”
Năm 2019, Felisberto de Deus từng dự SEA Games 30 ở Philippines nhưng không đạt thành tích cao. Đến kỳ đại hội này, anh mới lần đầu được tận hưởng cảm giác ăn mừng tấm huy chương.
Chàng trai 23 tuổi cảm thấy hạnh phúc khi nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả dù đang chạy đua với các VĐV Việt Nam.
Felisberto bày tỏ lòng biết ơn với Nguyễn Văn Lai vì được anh cùng gia đình nhường chụp ảnh trước trên bục nhận giải hay một nữ tình nguyện viên giúp tìm lá cờ Timor Leste để ăn mừng.
“Người Việt Nam thân thiện, tốt bụng và hỗ trợ tôi rất nhiều. Điều này khiến trái tim tôi ấm áp. Nếu có thể, tôi hy vọng gặp lại cô gái đã đưa cho mình quốc kỳ để nói lời cảm ơn”, anh nói.
Đây là lần thứ hai Felisberto đến Việt Nam. Trước đó, anh từng tới TP.HCM để dự giải điền kinh trẻ. Chàng trai khen thời tiết Hà Nội dễ chịu và các món ăn cũng hấp dẫn.
Trước khi về nước vào ngày 22/5, Felisberto muốn ghé thăm vài địa điểm nổi tiếng như hồ Hoàn Kiếm, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Tôi cũng sẽ mua quà về cho gia đình. Bố tôi rất thích nón lá và dặn tôi mua cho ông một chiếc”, anh nói.
Khi thấy Felisberto de Deus, VĐV Phạm Tiến Sản, HCV môn duathlon (2 môn phối hợp), tới gần ngỏ ý muốn tặng anh áo thi đấu. Felisberto cũng sẵn lòng tặng lại chiếc áo của mình. Họ dành cho nhau cái nắm tay chặt và lời động viên tiếp tục cố gắng.
Nhiều người cũng nhận ra “người hùng điền kinh Timor Leste” và xin chụp ảnh, tặng quà lưu niệm cho anh.
Felisberto cho biết anh cảm thấy bất ngờ và vui khi được quan tâm trên mạng xã hội cũng như ngoài đời.
Giấc mơ HCV
Felisberto sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố mẹ làm nông dân tại Gleno - một thành phố nhỏ ở Timor Leste.
Năm 8 tuổi, chàng trai bắt đầu có niềm yêu thích với bộ môn chạy. Khi ấy, anh và bạn bè thường thi đấu vui với nhau.
Đến giờ, những con đường quanh nhà vẫn là nơi Felisberto sải bước tập luyện.
Năm 2015, anh quyết định thi đấu chuyên nghiệp khi nhận ra “mình thực sự thích chạy”.
“Tôi hỏi một người bạn cũng thi đấu điền kinh rằng tôi có thể đến sân tập cùng được không. Bạn ấy đồng ý và cứ thế, chúng tôi thường xuyên tập luyện cùng nhau”, nam VĐV kể.
“Bố mẹ tôi là nông dân, điều kiện không dư dả nhưng họ luôn ủng hộ tôi theo đuổi ước mơ”, anh nói thêm.
Năm 2016, Felisberto lần đầu ra nước ngoài thi đấu tại một giải tổ chức ở Thái Lan.
Nam VĐV cho biết anh và đồng đội không có nhiều điều kiện luyện tập, cọ xát ở quê nhà. Tuy nhiên, so với các bộ môn khác, đội điền kinh vẫn may mắn hơn khi có sân tập.
Ngoài thi đấu thể thao, Felisberto đang là sinh viên năm nhất ngành Ngôn ngữ Anh tại Đại học Quốc gia Đông Timor.
“Sáng sớm, tôi tranh thủ chạy khoảng 1-2 tiếng trước khi đến lớp. Nếu buổi chiều có thời gian rảnh, tôi sẽ luyện tập thêm. Sau này, nếu không thi đấu nữa, tôi muốn trở thành HLV điền kinh hoặc giáo viên dạy tiếng Anh”.
Felisberto tiết lộ mình đã có bạn gái. Nửa kia của anh cũng tham gia thi đấu thể thao ở quê nhà. Sau khi đạt HCB, anh lập tức gọi về khoe người yêu.
“Cô ấy đã khóc và nói rằng tự hào về tôi. Lần sang Việt Nam này, bạn gái thường xuyên hỏi thăm, cổ vũ tôi từ xa”, nam VĐV kể.
Trong số 8 anh chị em trong nhà, chỉ có em trai nối gót Felisberto trở thành VĐV điền kinh. Anh hy vọng một ngày cùng em trai tham dự SEA Games.
Cách đây 2 tháng, Felisberto trải qua mất mát khi chị gái qua đời. Anh để hình đại diện là người chị trên trang cá nhân để tưởng nhớ.
Felisberto nói trở thành VĐV không hề dễ dàng, kiên trì tập luyện để giành huy chương còn khó khăn hơn.
“Tôi hy vọng trở thành nhà vô địch ở những kỳ SEA Games sau này. Tôi sẽ phải luyện tập chăm chỉ hơn nữa”, anh nói đầy quyết tâm.