Về 4 ngôi đình làng được Huế chi 26 tỉ để trùng tu
UBND TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết trong năm 2023 thành phố đầu tư hơn 26 tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo 4 đình làng trên địa bàn nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa.
Đó là các đình Dương Xuân Hạ (Thủy Xuân), Kim Long (Kim Long), Xuân Hòa (Hương Long) và đình An Cựu (An Cựu). Theo tìm hiểu, đây là những đình làng đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Các hạng mục chính được ưu tiên trùng tu, sửa chữa bao gồm: tu bổ, tôn tạo, phục dựng lại toàn bộ đình, trụ biểu, bình phong, tả vu, hữu vu, miếu Thành hoàng theo nguyên trạng; chống mối mọt toàn bộ khu vực đình; lát sân trước đình, vệ sinh, phục hồi cổng…
Đình Dương Xuân Hạ
Đình Dương Xuân Hạ tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc hệ thống gò đồi Dương Xuân ở phía Tây Nam TP.Huế. Trong Cách Mạng Tháng Tám, ngôi đình là nơi chứng kiến dân làng Dương Xuân Hạ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, lật đổ ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến tại địa phương. Sau ngày Cách Mạng Tháng Tám thành công, là trụ sở của Ủy ban hành chính xã, nơi huấn luyện dân quân tự vệ, địa điểm tổ chức các lớp bình dân học vụ... Đến kháng chiến chống Mỹ, khu vực đình được chọn làm đầu mối liên lạc, nơi hội họp, hoạt động bí mật và nuôi dấu cán bộ cách mạng hoạt động tại địa bàn thành phố Huế và huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy)...
Qua thời gian tồn tại với nhiều biến động cùng tiến trình lịch sử nhưng đình Dương Xuân Hạ vẫn gìn giữ những nét truyền thống cũng như quy cách kiến trúc ban đầu: Mái đình lợp ngói liệt; hệ thống cột, kèo, xuyên, trến mang dấu ấn nghề mộc truyền thống ở vùng đất Huế; hoa văn trang trí theo kiểu tứ linh cách điệu; hệ thống cửa bản khoa thượng song hạ bản...
Đình Dương Xuân Hạ đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh tại Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 26.2.2015.
Đình Kim Long
Đình Kim Long thuộc phường Kim Long, nằm về phía tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế 3km về phía Tây. Căn cứ vào các nguồn tư liệu, gia phả các dòng họ thì làng Kim Long được thành lập trên dưới 400 năm, là kết quả của sự mở rộng và tách ra từ làng Hà Khê, một ngôi làng cổ được Dương Văn An nhắc đến trong Ô châu cận lục hồi giữa thế kỷ 16.
Làng Kim Long có hai thôn: Tiền Thôn và Hậu Thôn, trong suốt thời gian hơn 50 năm phủ chúa đóng tại Kim Long (1636 – 1687), làng vẫn tồn tại nhưng địa bàn bị thu hẹp lại về bên bờ Bắc sông Bạch Yến, tức phần đất của Hậu Thôn, còn bộ phận cư dân của Tiền Thôn có thể đã đi lập làng ở nơi khác.
Đình Xuân Hòa
Đình làng Xuân Hòa, xã Hương Long, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, xây dựng dưới thời Gia Long. Đình được trùng tu nhiều lần dưới thời Duy Tân, Bảo Đại, gần đây nhất là năm 1995. Đình vẫn giữ được kiến trúc cổ kính.
Đình Xuân Hòa là công trình kiến trúc đặc trưng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ 19. Đình được xây dựng hài hòa tại làng Xuân Hòa bên tả ngạn dòng sông Hương thơ mộng. Đình Xuân Hòa đã trải qua hơn 200 năm lịch sử nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc ban đầu theo kiểu nhà rường truyền thống Huế 3 gian 2 chái kép. Các đồ trang trí và hiện vật đang được bảo lưu trong đình gắn liền với những ngành nghề truyền thống của địa phương như chạm khắc gỗ, khảm sành sứ...
Với những giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử và văn hóa, ngày 17.3.2011 UBND tỉnh đã có Quyết định số 607/QĐ-UBND công nhận xếp hạng đình Xuân Hòa là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đình làng An Cựu
Đình làng An Cựu là một công trình kiến trúc nhà rường truyền thống tiêu biểu, là một kiểu kiến trúc đình làng mẫu mực, với không gian sân vườn, nhà cửa bố trí hài hòa, đầm ấm song rất uy nghiêm. Nơi đây, ngoài việc phản ánh phong tục tập quán của cư dân nông nghiệp xứ Huế, còn là địa điểm sinh hoạt của chi bộ Đảng cơ sở An Cựu, một chi bộ thành lập sớm ở vùng ven Huế trong những ngày đầu thành lập Đảng bộ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP.Huế.
Trải qua các giai đoạn lịch sử cách mạng từ tiền khởi nghĩa đến khởi nghĩa thắng lợi, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc, giải phóng quê hương, đình An Cựu là chứng nhân lịch sử, là địa điểm ghi dấu những đóng góp không nhỏ của nhân dân làng An Cựu.
Với kết cấu ba gian chính nằm ở giữa, bên trái và bên phải đều có thêm một gian phụ đối diện nhau, ngôi đình đã gắn bó với đời sống của người dân An Cựu trong những dịp sinh hoạt làng, cúng tế thần linh.
Đình An Cựu được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 2467/QĐ-UBND ngày 29.10.2008 của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế
Tháng 9.2020, UBND TP.Huế đã có quyết định chủ trương trùng tu ngôi đình với kinh phí gần 9,8 tỉ đồng. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.