Về An Tiêm hôm nay

Ngay từ những năm 1924- 1925, khi chưa có Đảng Cộng sản lãnh đạo, một nhóm thanh niên ưu tú của thôn An Tiêm, xã Triệu Thành (Triệu Phong) như Trần Ngung, Đoàn Lân, Lê Ngọc Uynh thường xuyên nhóm họp ở Mô Súng trong thôn để đọc sách, báo, tìm hiểu phong trào cách mạng trong nước và thế giới. Đến khi có tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng (VNTNCM) đồng chí Hội ra đời, những thanh niên ưu tú này đã nhanh chóng gia nhập, trong đó có người thanh niên Trần Ngung (sinh năm 1902) tham gia Ban Chấp hành Tỉnh Hội VNTNCM đồng chí Hội.

 Ngôi đình An Tiêm được xây dựng giống với kiến trúc của ngôi đình cũ cách đây hàng trăm năm trước. Ảnh: TV

Ngôi đình An Tiêm được xây dựng giống với kiến trúc của ngôi đình cũ cách đây hàng trăm năm trước. Ảnh: TV

Năm 1927, Chi hội VNTNCM đồng chí Hội An Tiêm được thành lập, ngoài 3 đồng chí kể trên, năm 1928- 1929 còn kết nạp thêm 4 đồng chí nữa là Đoàn Thừa, Nguyễn Kháng, Nguyễn Bệc, Đặng Oanh. Như vậy, vào thời điểm này, một thôn nhỏ như An Tiêm đã có nhiều người tham gia Chi hội VNTNCM đồng chí Hội- tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản sau này. Từ đó, các hội viên đi về vùng nông thôn vận động nhân dân giác ngộ tinh thần yêu nước và ý chí chống giặc ngoại xâm, qua đó phát triển hội viên và thành lập các tổ chức quần chúng yêu nước. Cũng trong thời gian này, phong trào đấu tranh trong nhân dân dâng cao, nhất là sau khi người dân được tiếp cận với các bài nói, bài viết của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và các loại sách báo tiến bộ. Tháng 10/1929, từ trong nhà tù Lao Bảo, đồng chí Đoàn Lân, người con của An Tiêm, một chiến sĩ cách mạng đầu tiên của nhóm Cộng sản Đảng tỉnh Quảng Trị đã gửi bức thư về động viên anh chị em hãy tiến lên với nội dung: Phải tổ chức lại chi bộ đỏ. Anh chị em hãy tiến lên! Tiến lên! Giữ vững tinh thần, tiếp tục sự nghiệp cách mạng; không sợ chết, không sợ tù, không sợ tra tấn…, tiếp tục hoạt động theo mục tiêu, phương hướng đấu tranh của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Sau khi nhận được bức thư của đồng chí Đoàn Lân, phong trào cách mạng ở An Tiêm diễn ra sôi nổi. Được sự chỉ đạo của các chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Quảng Trị, ngày 17/11/1929, nhân kỉ niệm 12 năm thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, tại đình làng An Tiêm, đồng chí Đoàn Bá Thừa đứng ra thành lập Chi bộ Cộng sản An Tiêm gồm 3 đồng chí là Đoàn Bá Thừa, Nguyễn Kháng, Nguyễn Bệc (Đạo) do đồng chí Đoàn Bá Thừa làm bí thư; đến tháng 3/1930 kết nạp thêm 2 đồng chí là Lê Thị Trúc và Lê Dỏ. Đây là Chi bộ Cộng sản đầu tiên trên địa bàn Quảng Trị.

Chủ tịch UBND xã Triệu Thành Trần Thế Nhân cho biết: “Phát huy truyền thống trong suốt 90 năm có Đảng, Đảng bộ xã Triệu Thành luôn đoàn kết, xây dựng xã lớn mạnh về mọi mặt. Nền kinh tế của xã phát triển khá toàn diện, tổng giá trị sản xuất các ngành tăng khoảng 14-15 % , thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/ người/ năm. Triệu Thành là đơn vị đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Triệu Phong. Văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc. Quốc phòng - an ninh được giữ vững”.

Trưởng thôn An Tiêm Đặng Nguyên Hiệp cho biết: Thôn An Tiêm có 317 hộ với hơn 1.300 khẩu. Thời gian qua, bên cạnh đầu tư của nhà nước, thôn An Tiêm huy động các nguồn lực trong dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nên đến nay 100% tuyến đường giao thông nông thôn đã bê tông hóa, thiết chế văn hóa, các công trình công cộng được xây dựng kiên cố, khang trang. Hiện trong thôn, hộ nghèo còn dưới 4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm. Thôn có 62 liệt sĩ, 7 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 30 người có công với cách mạng được nhà nước công nhận là lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa, có 12 Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Năm 2001, thôn An Tiêm được công nhận thôn văn hóa, năm 2004 được tỉnh công nhận thôn văn hóa điển hình lần thứ nhất…

Trưởng thôn An Tiêm Đặng Nguyên Hiệp chia sẻ: “Thôn An Tiêm có cách đây trên 500 năm, khoảng đời Hồng Đức thứ X, tức là vua Lê Thánh Tông (1460- 1497). Vào thời gian ấy, vùng đất này có nhiều người dân từ các tỉnh phía Bắc vào vỡ đất lập làng và xây đình để thờ thần Thành Hoàng, mỗi năm cúng 1 lần rất lớn vào rằm tháng 7. Đình được xây dựng theo kiến trúc xưa, làm bằng gỗ tốt, mái cong, có 6 gian, mỗi gian thờ 3 khánh vị tổ tiên của mỗi dòng họ, có 6 cột ngoài phía trước và 4 cột trong đình, trên các mái cong và cột có rồng leo (long, lân, quy, phụng) được xây dựng ở xóm Hà bên dòng sông Vĩnh Định xinh đẹp, quanh năm cây cối tốt tươi. Trải qua hàng trăm năm, đình làng An Tiêm như là một nhân chứng chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử địa phương. Và cũng chính đình làng này là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị ngày 17/11/1929. Năm 2004, đình làng An Tiêm được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh.

Với bề dày 500 năm, ngôi đình trải qua bao binh đao lửa đạn của chiến tranh, biến động của thiên tai lũ lụt và thời gian nên hư hỏng xuống cấp, nhân dân đã trùng tu, sửa chữa nhiều lần nên không còn nguyên trạng như trước. Đến năm 1981, sau trận đại hồng thủy làm vỡ đê thủy lợi Nam Thạch Hãn nên ngôi đình bị nước cuốn trôi chỉ còn một ít thanh gỗ sót lại. Do vùng đất xóm Hà, thôn An Tiêm nơi xây dựng ngôi đình bị lũ cuốn trôi nên dân làng quyết định chọn Mô Súng để làm ngôi đền thờ tạm thay ngôi đình cũ. Những năm gần đây, người dân trong làng quyên góp quyết tâm xây dựng lại đình làng với nét kiến trúc giống với ngôi đình cũ cách đây hàng trăm năm trước để lưu giữ nét đẹp văn hóa của làng và làm nơi hội họp, thờ cúng, tế lễ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho con cháu quê hương”.

Tuấn Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=144951