Về bản Dao Hạ Thành
Năm 1968, theo sự vận động của chính quyền địa phương, những người Dao sống trên các sườn núi xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn đã hạ sơn, được cấp đất dựng nhà, xây dựng kinh tế để ổn định cuộc sống 'khai sinh' ra bản người Dao Hạ Thành.
Chúng tôi ngược rừng về với bà con người Dao, trên cung đường từ trung tâm xã vào bản cách chừng bảy km dốc lên, dốc xuống, trong ngút ngàn của rừng keo, bồ đề xanh mướt vẫn không đủ sức xoa dịu đi cái nắng oi ả của ngày hè tháng bảy. Muốn gặp được người dân trong bản phải đi vào xế trưa bởi từ sáng tinh mơ thời tiết mát mẻ bà con đã tranh thủ đi làm để kịp về nhà “trốn” cái nắng gắt khi mặt trời đứng bóng. Dù là bản xa nhưng Hạ Thành lại là bản có kinh tế phát triển gần như đồng đều nhất của xã. Từ hơn chục hộ ban đầu thuộc xóm Bương, xóm Lìm trên núi Hang Chuột hạ sơn, nay bản có 112 nóc nhà với gần 500 nhân khẩu. Trước đây, người dân bản vốn chỉ biết sống dựa vào nương rẫy, nuôi con trâu, con bò lấy sức kéo; nuôi con lợn, con gà chỉ để làm thịt ăn vào ngày Tết hay làm ma, cúng bái thì nay nhiều hộ đã khá giả nhờ trồng rừng; chăn nuôi có quy mô và kỹ thuật, biết đa dạng hóa các mô hình kinh tế, sử dụng vốn vay xóa đói giảm nghèo đúng mục đích và không còn thói quen tự động phát nương rẫy để canh tác như trước.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, tiện nghi đầy đủ, đồng chí Đặng Đình Điện- 70 tuổi, Bí thư Chi bộ Hạ Thành chia sẻ: “Hơn 40 năm trở về trước khu vực này còn hoang vu lắm, từ trung tâm xã vào Hạ Thành phải đi bộ, lội suối, len lỏi qua những vạt rừng cả tiếng đồng hồ. Sau này được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, năm 1994 có trường học, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, không còn ai chỉ học đến hết lớp bốn rồi bỏ học như trước nữa; đến năm 1996 có nước sạch; năm 2002 thì mở đường, xe máy, ô tô vào tận bản; năm 2004 thì có điện lưới Quốc gia. Cuộc sống của chúng tôi dần ổn định và bứt phá từ đó”.
Gia đình ông Điện cũng là hộ “tiên phong” phát động phong trào khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa nước, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, đào ao thả cá chăn nuôi trâu bò, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao… về nuôi, trồng trên đất Hạ Thành. Đến nay gia đình ông đã có một xưởng bóc ván gỗ và trang trại tổng hợp cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ năm. Từ tấm gương ông Điện, người dân trong bản đã học hỏi kinh nghiệm đưa bưởi Diễn vào trồng ở những diện tích đồi kém hiệu quả, hiện toàn bản có hơn 20ha bưởi Diễn, ngoài ra nhiều hộ dân đã mạnh dạn mở xưởng gạch xi, kinh doanh vật liệu xây dựng, xưởng bóc ván gỗ… cho thu nhập ổn định, tiêu biểu như hộ ông: Lê Văn Minh, Đặng Văn Tuấn…Hạ sơn thời điểm đó là một quyết định khó khăn đối với bà con người Dao, những người vốn sống du canh, du cư, thêm vào đó là tập quán canh tác cũ, lạc hậu chính là “rào cản” khiến đời sống người Dao Hạ Thành khó khăn nhưng thời gian đã chứng minh sự đúng đắn, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, giờ đây, cuộc sống của họ đã sang trang mới. Từ năm 2010 đến nay, bản Dao Hạ Thành có nhiều nhà kiên cố được thay thế cho những ngôi nhà tạm, tỷ lệ nhà kiên cố chiếm 70% đã phần nào cho thấy những nỗ lực, cố gắng của người dân trong quá trình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống, thu nhập bình quân của bà con trong bản hiện nay đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm. Không chỉ nhạy bén trong phát triển kinh tế, người dân còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào xây dựng NTM, xóa bỏ những tập quán cũ lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh, luôn ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của một công dân, biết sống đoàn kết trước sau vì tập thể. Khi nắng lên đến đỉnh đầu, chúng tôi ra về giữa những bình yên cuộc sống của bà con nơi đây. Đưa mắt nhìn xa, những ngôi nhà khang trang, kiên cố của đồng bào Dao lấp lóa trong nắng vàng, tôi lại nhớ tới lời Bí thư Chi bộ Hạ Thành: “Mỗi năm phải quyết tâm có vài hộ thoát nghèo thực thụ, bản Dao chúng tôi sẽ sớm có diện mạo mới, hướng tới xây dựng khu NTM kiểu mẫu”.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-mien-nui/202107/ve-ban-dao-ha-thanh-178277