Về bản Hỏm

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nên mức sống của nhân dân bản Hỏm, xã Mường Chanh (Mai Sơn) ngày càng ổn định và nâng lên, hơn 20 năm qua, bản luôn giữ vững danh hiệu bản văn hóa.

Trao đổi với trưởng bản Lường Văn Nguyên được biết, bản Hỏm có 79 hộ dân, với 372 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Những năm qua, Ban Quản lý bản đã vận động nhân dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện, bản có gần 30 ha cà phê trồng xen các loại cây ăn quả, sản lượng cà phê đạt 450 tấn quả tươi/năm, các loại quả trên 60 tấn; gần 12 ha lúa 2 vụ được gieo cấy bằng các loại giống lúa lai, lúa nếp đặc sản địa phương, sản lượng trên 80 tấn/năm. Chăn nuôi cũng được quan tâm phát triển, cả bản có trên 230 con trâu, bò; gần 2.000 con gia cầm các loại.

Người dân bản Hỏm, xã Mường Chanh (Mai Sơn) chăm sóc đàn gia súc.

Người dân bản Hỏm, xã Mường Chanh (Mai Sơn) chăm sóc đàn gia súc.

Những năm gần đây, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm. Điển hình như gia đình ông Lường Văn Cường, trồng 1.000 m² lúa 2 vụ, sản lượng đạt 2 tấn/năm; gần 1,5 ha cà phê, sản lượng trên 22 tấn quả tươi/năm; nuôi 8 con trâu, bò và trên 100 con gia cầm làm hàng hóa, thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. Gia đình ông Lường Văn Kim trồng hơn 3.000 m² lúa 2 vụ, sản lượng 3 tấn/năm; trên 2 ha cà phê, sản lượng đạt 40 tấn quả tươi/năm; nuôi 5 con bò và hơn 200 con gia cầm các loại, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm... Qua đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người của bản đạt 28 triệu đồng/năm, cả bản hiện chỉ còn 2 hộ nghèo.

Đời sống được nâng lên, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, được bà con trong bản tích cực hưởng ứng, bản hiện có 2 đội văn nghệ, 2 đội bóng đá, thường xuyên tập luyện, biểu diễn, thi đấu giao lưu với các bản trong xã mỗi dịp lễ, tết. Đồng thời, người dân đã ý thức thực hiện nếp sống văn hóa mới, nhất là trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội đơn giản, tiết kiệm, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng bản xanh - sạch - đẹp được nâng lên, các hộ gia đình thường xuyên vệ sinh quét dọn, thu gom rác thải về nơi quy định; 100% số hộ gia đình đã di dời đàn vật nuôi ra khỏi gầm sàn, xa nơi nhà ở... giữ vệ sinh môi trường, góp phần cùng xã thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, bà con còn quan tâm đến việc học của con em mình, tự nguyện đóng góp mỗi năm 15 nghìn đồng/hộ để xây dựng quỹ, tặng phần thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt, khuyến khích phong trào hiếu học trong bản... Năm 2019, bản có 80% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Bên cạnh đó, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, năm 2015, bản Hỏm được Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân trong bản đã tự nguyện góp tiền, ngày công lao động, hiến đất, đóng góp vật liệu đổ bê tông hơn 2.600 m đường nội bản, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của bà con. Ngoài ra, năm 2017, xây dựng nhà văn hóa với tổng kinh phí xây dựng là 430 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng, còn lại là nhân dân trong bản đóng góp, đây là địa điểm sinh hoạt cộng đồng để bà con được tiếp thu chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, kỹ thuật sản xuất.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, bản Hỏm tiếp tục vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, để xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hạnh Vi

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ve-ban-hom-30794