Về Biên Hòa nghe chuyện mở cõi phương Nam
Biên Hòa - vùng đất đã trải qua 325 năm hình thành và phát triển, mang theo những câu chuyện về lịch sử, văn hóa sống động từ thời khai hoang mở cõi, gắn liền với các danh nhân, các làng nghề nổi tiếng, chùa, đình, miếu cổ…
Theo thời gian, những giá trị lịch sử, văn hóa cùng với vị trí địa lý thuận lợi đã tạo nên một TP.Biên Hòa ngày nay vừa sôi động với công nghiệp hiện đại, vừa sâu lắng bởi những bản sắc của vùng đất dung nạp nhiều luồng văn hóa, tôn giáo trong quá trình hình thành, phát triển và hội nhập. Theo các chuyên gia du lịch, đây chính là những giá trị chỉ có ở Biên Hòa, có thể khai thác, kết nối, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng.
* Vùng đất sung kinh lược sứ
Trở về câu chuyện lịch sử của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, dấu ấn quan trọng nhất trong lịch sử hình thành vùng đất này được khởi nguồn vào mùa xuân năm Mậu Dần 1698, khi chúa Nguyễn Phúc Chu ra lệnh cho Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cử vào kinh lược phía Nam để mở rộng bờ cõi nước Việt. Trong chuyến kinh lược sứ này, Nguyễn Hữu Cảnh đã chọn Đồng Nai làm điểm dừng chân và thiết lập một hệ thống tổ chức bộ máy hành chính cho vùng đất mới. Đây cũng là bộ máy hành chính đầu tiên ở phương Nam.
Ngày nay, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh được đặt tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Nơi đây là điểm dừng chân của rất nhiều tour du lịch về nguồn cho học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng phòng Quản lý thể thao và du lịch (Sở VH-TTDL) cho biết, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những điểm đến chính mà các công ty du lịch lữ hành trong và ngoài tỉnh đưa khách đến tham quan, đặc biệt là những tour trải nghiệm dành cho học sinh, sinh viên. Tại đây, các em học sinh được nghe hướng dẫn viên kể về thời khai hoang mở cõi vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Theo TS TẠ DUY LINH, bản chất cuối cùng của chuyến hành trình đấy là giá trị mà du khách được hưởng. Muốn làm được như thế, cần có sự tư vấn của các chuyên gia về du lịch, nhà khoa học và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước.
Cùng với câu chuyện về người mở cõi vùng đất Đồng Nai, khi đến TP.Biên Hòa, khách du lịch không thể bỏ qua những công trình kiến trúc nghệ thuật, những di tích, chùa, đình, miếu… gắn liền với những sự kiện, dấu ấn lịch sử.
Bà Nguyễn Thái Tường Vân, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thái Loan (TP.Biên Hòa) chia sẻ, công ty chuyên khai thác các tour trải nghiệm, về nguồn dành cho học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh. Khi thiết kế tour về nguồn tại TP.Biên Hòa, các điểm như: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Văn miếu Trấn Biên, Bảo tàng Đồng Nai… là những điểm đến quan trọng để các em học sinh được nghe những câu chuyện về lịch sử, vùng đất và con người Đồng Nai từ thời xa xưa. Bà Vân cho hay: “Mỗi năm, hàng ngàn học sinh được Công ty TNHH Du lịch Thái Loan đưa đến các điểm di tích, đền thờ, văn miếu. Việc kết hợp du lịch dã ngoại với các điểm có giá trị về lịch sử, văn hóa sẽ giúp cho các em có thêm kiến thức, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam”.
* Mang đến những câu chuyện giàu cảm xúc về văn hóa
TP.Biên Hòa đang chứa đựng rất nhiều giá trị liên quan tới lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, TP.Biên Hòa vẫn chưa có sự gắn kết các giá trị để khai thác và phát huy những giá trị, hình thành nên bản sắc du lịch của địa phương. Theo các chuyên gia du lịch, Biên Hòa có thế mạnh về du lịch văn hóa, do đó, cần khai thác tối đa loại hình du lịch này để tạo đà cho sự phát triển trên cơ sở lấy di sản và các giá trị lịch sử để hình thành nên hoạt động trải nghiệm, mang những câu chuyện giàu cảm xúc về lịch sử, văn hóa đến với du khách.
Chia sẻ về những ấn tượng khi đến với Biên Hòa, TS Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch (TP.HCM) cho biết, Biên Hòa có đủ yếu tố để cấu thành nên một sản phẩm du lịch hoàn toàn không giống bất kỳ nơi nào, đáp ứng được các đặc tính cần có của một sản phẩm du lịch như: tính giá trị, tính không thể thay thế và không thể bắt chước.
Theo TS Tạ Duy Linh, hiện nay TP.Biên Hòa mới chỉ có những điểm đến mang tính vui chơi giải trí mà thiếu vắng sản phẩm du lịch có thể truyền tải được những giá trị, ý nghĩa về lịch sử, văn hóa. Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam và cả thế giới, muốn phát triển du lịch phải dựa vào năng lực cạnh tranh của địa phương. Biên Hòa cần lấy du lịch văn hóa với các giá trị di sản làm nền tảng để phát triển du lịch cho Biên Hòa, gắn với những câu chuyện về những vị tướng mang gươm đi mở cõi bởi đây là những câu chuyện rất giàu cảm xúc.
Cùng với việc khai thác giá trị di sản văn hóa, những giá trị về văn hóa trong đời sống hàng ngày của người dân (làng nghề gốm, đá, bánh đa…) cũng là những yếu tố quan trọng để tạo nên sự giao tiếp giữa người dân địa phương và du khách qua các hoạt động trải nghiệm thực tế. Khi khách du lịch đến tham quan thường muốn cảm nhận được sự chân thật trong cuộc sống, do đó, các sản phẩm du lịch phải mang được cả những giá trị lịch sử, văn hóa để đưa du khách đến những trải nghiệm thực tế.
Là người có nhiều đóng góp trong công tác khảo cổ, khám phá những giá trị lịch sử, văn hóa của Đồng Nai, TS khảo cổ học, Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho rằng, Đồng Nai có cả một hệ thống di sản quý giá, tập trung nhiều trên địa bàn TP.Biên Hòa. Theo đó, TP.Biên Hòa có thể khai thác du lịch từ những giá trị lịch sử, văn hóa thông qua những câu chuyện lịch sử. Chẳng hạn như khi đến Văn miếu Trấn Biên, Thành cổ Biên Hòa hay Miếu tổ sư (còn gọi là chùa Bà), Nhà thờ Tân Triều (H.Vĩnh Cửu), ngắm các bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Đồng Nai khách du lịch sẽ được nghe những câu chuyện liên quan, góp phần tăng giá trị cho những điểm đến và lưu lại ấn tượng trong lòng du khách. TS Nguyễn Hồng Ân nhận định: “TP.Biên Hòa được nhiều người biết đến là thành phố công nghiệp từ nhiều năm nay. Do đó, nếu phát triển du lịch thì Biên Hòa cần khai thác, bám vào những lợi thế về lịch sử, những di sản và ẩm thực. Đặc biệt, khai thác lợi thế sông Đồng Nai trở thành một dòng chảy văn hóa để phát triển tuyến du lịch đường sông ấn tượng, níu chân du khách ở lại lâu hơn với Biên Hòa”.