Về Bình Liêu đón Tết cùng người Dao Thanh Y
Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) những ngày cuối năm rực rỡ bởi lễ phục của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y. Thế nhưng, điều khiến khách phương xa lưu luyến chẳng muốn dời đi lại là sức xuân căng tràn, là âm điệu ngọt ngào da diết trong khúc giao duyên của những chàng trai, cô gái nơi đây.
Mong ước ngày xuân
Huyện Bình Liêu được ví như Sa Pa của vùng đông bắc Việt Nam nổi tiếng với phong cảnh biên giới hùng vĩ, ruộng bậc thang, các di tích danh thắng như thác Khe Vằn, bãi “Đá thần” ở đỉnh núi Cao Ba Lanh, núi Cao Xiêm... Đây cũng là nơi sinh sống của đồng bào Dao Thanh Y.
Nhiều năm qua, người Dao Thanh Y vẫn luôn giữ được bản sắc văn hóa hết sức đặc trưng. Cũng như các dân tộc khác, vẻ đẹp trong văn hóa của người Dao Thanh Y thể hiện qua ẩm thực, trang phục, đời sống tinh thần, nhất là vào mỗi dịp Tết đến xuân về.
Đồng bào Dao Thanh Y ăn Tết từ giữa tháng Chạp, khi những người phụ nữ hối hả chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên cũng là lúc xuân đã về. Vẫn là nguyên liệu quen thuộc như gạo nếp, gà, lợn nhưng qua bàn tay khéo léo của các dì, các cô, mỗi món ăn đều mang hương vị vô cùng đặc sắc và giàu ý nghĩa.
Giống như truyền thống gói bánh chưng, bánh dày ngày Tết dưới xuôi, mâm cúng của người Dao Thanh Y không thể thiếu bánh đường. Bánh đường được làm từ gạo nếp, nhân bánh có đường đen, vị thơm của gạo nếp hòa quện với vị ngọt của đường mang ý nghĩa trời đất giao hòa. Xếp từng cặp bánh đường bọc lá nhàu thơm lên mâm cúng, người phụ nữ Dao Thanh Y chia sẻ, họ đã gửi vào đó ước muốn mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no.
Một mâm cỗ Tết của người Dao Thanh Y bắt buộc phải có một con gà, một xâu gan, hai xâu thịt lợn, một bát ốc, ba chén rượu. Bên cạnh đó, gia chủ thường đặt bên mâm cỗ những vàng thỏi, bạc thỏi bằng hàng mã để cầu cho tài lộc đầy nhà.
Đúng theo phong tục của người Dao Thanh Y, phụ nữ lo chuẩn bị mâm cỗ nhưng việc cúng tổ tiên nhất định phải là con trai đã được cấp sắc hoặc thầy cúng mới đủ tư cách đảm nhiệm. Họ thành kính mời tổ tiên về thụ hưởng lễ vật, đồng thời xin tổ tiên phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, xua đuổi thói hư tật xấu, đón tốt lành vào cửa.
Lễ hoàn tất, người Dao Thanh Y mời bà con họ hàng đến nhà, cùng uống rượu và chúc tụng lời tốt đẹp nhất. Không kể già trẻ, gái trai, cuộc vui quanh mâm rượu khiến ai cũng lâng lâng cảm xúc ngọt ngào của mùa xuân.
Sắc màu trên dẻo cao
Đến Bình Liêu ngày giữa tháng Chạp, sắc màu rực rỡ từ váy áo của những cô gái Dao Thanh Y khiến ai cũng phải choáng ngợp. Trang phục phụ nữ Dao Thanh Y hoàn toàn được làm thủ công vừa cầu kỳ, vừa độc đáo. Gắn với thân áo màu xanh hoặc đen là tay áo có miếng vải hoa văn, diềm bên ngoài bằng vải trắng, thêu chỉ đỏ và xanh. Họa tiết, hoa văn được dệt từ những sợi len với đủ sắc màu xanh, đỏ, trắng, vàng...
Người Dao Thanh Y quan niệm, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ trong cuộc sống, ngoài ra còn mang thêm năng lượng, sức sống và hơi ấm nơi núi rừng nên màu đỏ giữ vai trò chủ đạo trong bộ trang phục. Họa tiết hoa văn thêu nơi gấu quần, áo, khăn, thường là hình quả trám, chữ vạn, hoa lá, cây cối, chim muông... với ý nghĩa hòa hợp thiên nhiên.
Trước đây, ngày nào người Dao cũng mặc trang phục truyền thống của đồng bào mình, nhưng giờ họ chỉ mặc vào dịp lễ, Tết. Lễ phục ngày Tết còn móc nhiều chuỗi hại cườm, đầu mỗi chuỗi là một chùm tua dài bằng chỉ đỏ hoặc hồng. Đây chính là nét rất riêng làm nên vẻ đẹp của phụ nữ Dao Thanh Y sống tại Bình Liêu.
Diện trên mình bộ lễ phục đẹp đẽ, những chàng trai, cô gái Dao Thanh Y rủ nhau đi chơi xuân. Người Dao Thanh Y có làn điệu dân ca, dân vũ riêng. Dân ca được truyền lại từ đời này qua đời khác, mang nội dung giáo dục con cái về đạo lý làm người, ca ngợi khí thế hăng say lao động sản xuất, bồi đắp tình yêu quê hương làng bản.
Ngày xuân, đứng ở bất cứ nơi nào trong bản làng của người Dao Thanh Y cũng sẽ được thưởng thức điệu giao duyên. Lời ca tha thiết, tiếng hát vừa trong trẻo vừa réo rắt lại ngọt ngào cất lên giữa núi rừng khiến lòng người cũng trở nên rạo rực, vui tươi. Âm nhạc hòa cùng hương sắc của đất trời sang xuân là bao tâm tình, nỗi niềm yêu thương đôi lứa trao gửi.
Không chỉ âm nhạc, người Dao Thanh Y còn tổ chức lễ hội với rất nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn, đây cũng là điều khiến vị khách nào tới thăm cũng đều bất ngờ.
Vẫn trong trang phục rực rỡ, những cô gái Dao Thanh Y vô tư thể hiện sức sống căng tràn trên sân bóng. Không còn cách biệt nam nữ, không còn phân tên gọi riêng, ngày hội xuân trở thành cầu nối vô hình gắn kết cộng đồng, bồi đắp tình cảm giữa nhiều dân tộc cùng chung sống.
Tiếng hò reo cổ vũ, nụ cười hào sảng, lễ phục rực rỡ đu đưa dập dìu giữa màu xanh bao la của núi rừng, tất cả tạo nên bức tranh ngày xuân tràn sức sống của người Dao Thanh Y. Cụng đôi bát rượu men lá cay nồng, ngắm đôi má ửng hồng trong nắng xuân, du khách ngây ngất chẳng muốn về.