Về Cánh Kiến hôm nay
Được thành lập từ năm 2015, người dân bản Cánh Kiến, xã Nà Nghịu (Sông Mã) luôn đoàn kết chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy ước, hương ước của bản; tích cực sản xuất, giúp nhau thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần xây dựng bản ngày càng khởi sắc.
Bản Cánh Kiến, trước đây là Lâm trường Cánh Kiến, được thành lập năm 1977. Khi mới thành lập, cán bộ, công nhân của Lâm trường đều là những người dân ở các tỉnh miền xuôi lên công tác, với nhiệm vụ trồng cây cỏ phèn và cây cỏ khiết, sau đó thả kiến công nghiệp cho hút nhựa các loại cỏ này để chế biến ra loại nhựa cánh kiến phục vụ ngành công nghiệp điện tử. Đến năm 2014, Lâm trường Cánh Kiến giải thể. Hiện nay, bản Cánh Kiến có 145 hộ, 484 nhân khẩu, với 6 dân tộc: Thái, Kinh, Sinh Mun, Tày, Mường, Ê Đê cùng chung sống. Từ khi thành lập, chi bộ, ban quản lý bản luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đặc biệt, phát huy vai trò, uy tín của người cao tuổi vận động bà con thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy ước, hương ước của bản; tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tập thể, xây dựng nếp sống văn minh, loại bỏ các tệ nạn xã hội... Vì vậy, người dân bản Cánh Kiến luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình, bản văn hóa, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi tới thăm mô hình kinh tế VAC của ông Nguyễn Văn Huynh, là người Hưng Yên lên đây đã hơn 30 năm, hiện gia đình ông Huynh có gần 5 ha nhãn, xoài năm nào cũng sai trĩu quả và được thương lái đến tận vườn thu mua với giá cao. Ông Huynh chia sẻ: Cây ăn quả ở bản đều được trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, thị trường tiêu thụ ổn định, mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu về 600-700 triệu đồng.
Không chỉ mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Huynh có thu nhập cao, mà hiện nay, người dân bản Cánh Kiến đã phát triển sản xuất theo hướng thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, đẩy mạnh trồng các loại cây ăn quả, như: Nhãn ghép, xoài lai và lai tạo một số cây ăn quả khác mang lại thu nhập cao. Hiện, bản có 100 ha nhãn ghép và 20 ha xoài lai, tổng sản lượng đạt trên 1.500 tấn/năm, doanh thu hơn 20 tỷ đồng/năm. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được người dân chú trọng; cả bản có gần 5.000 con gia súc, gia cầm, đảm bảo nguồn thực phẩm tại chỗ và cung cấp ra thị trường, đem lại nguồn thu đáng kể. Vì vậy, số hộ khá ở bản không ngừng tăng, bản hiện có 45 hộ có thu nhập từ 350-600 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 3%.
Bên cạnh đó, bản còn đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, gần 3 km đường nội bản được bê tông hóa, giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Tính đến hết năm 2019, 100% số hộ ở bản được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sạch hợp vệ sinh và được xem truyền hình; 100% trẻ em đúng độ tuổi được đến trường; 100% gia đình thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, việc hỷ và lễ hội; nhiều năm liền bản được công nhận bản văn hóa cấp huyện. Phong trào văn hóa, văn nghệ có nhiều khởi sắc, bản đã có nhà văn hóa, tạo điều kiện cho nhân dân vui chơi sinh hoạt cộng đồng; có 1 đội văn nghệ, 1 đội bóng đá thường xuyên giao lưu, phục vụ nhân dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm, góp phần quan trọng vào việc xây dựng các tiêu chí nông thôn mới của xã Nà Nghịu.
Chia tay bản Cánh Kiến, hai bên đường chúng tôi qua có nhiều ngôi nhà mới xây kiến trúc hiện đại, sự đoàn kết của người dân đã góp sức cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm cho vùng đất bên dòng sông Mã thêm trù phú.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ve-canh-kien-hom-nay-30255