Vẽ chân dung Hà Nội qua những bước chân đi về
Không gian Hà Nội với những con ngõ hun hút như đời người luôn ám ảnh trong tâm tưởng, khiến Nguyễn Trương Quý đặt bút viết nên câu chuyện về mảnh đất nghìn năm văn hiến này.
Tiến sĩ Văn học Hà Thanh Vân cho rằng có rất nhiều nhà văn chọn gắn bó với một mảnh đất để viết về. Hà Nội là một trong số những mảnh đất được lựa chọn. Họ viết về Hà Nội với một góc nhìn cố định. Nhưng Nguyễn Trương Quý lại không thế, anh nhìn Hà Nội từ nhiều góc độ, tầng lớp khác nhau.
Với tập du khảo mới ra mắt bạn đọc Triệu dấu chân qua những cửa ô, Nguyễn Trương Quý bắt đầu mạch khảo cứu ở tâm thế của một kẻ lang thang trên những con đường cũ và mới của Hà Nội. Anh đi từ những trang viết, bài thơ hay câu hát về chúng, rồi đến một lúc lan rộng ra những ngã rẽ hay dừng chân ở khoảng không gian nào đó.
Hành trình “triệu dấu chân” Nguyễn Trương Quý đi qua “những cửa ô” được thuật lại trong sách một cách đầy tỉ mẩn, kỹ lưỡng, như cái cách anh quan sát và dành tình yêu mê đắm cho Hà Nội.
Giữa tiết trời mùa thu dịu nhẹ, nhà văn Nguyễn Trương Quý, tiến sĩ Văn học Phạm Xuân Thạch, biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy cùng một số “bạn văn” đã có những chia sẻ xoay quanh mảnh đất Hà thành cũng như tập du khảo Triệu dấu chân qua những cửa ô. Buổi giao lưu diễn ra tại vườn hoa Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tối 7/10.
Tìm hiểu những câu chuyện của đời phố
Sau Tự nhiên như người Hà Nội (2004), Hà Nội là Hà Nội (2010), Còn ai hát về Hà Nội (2013), Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca (2018), Hà Nội bảo thế là thường (2020), Nguyễn Trương Quý vẫn chứng minh tình yêu không thay đổi của mình với thủ đô bằng tập du khảo Triệu dấu chân qua những cửa ô.
Nhưng lần này, anh chọn vẽ chân dung Hà Nội qua những dấu chân đi về. “Hà Nội có nhiều cửa ô, tôi chọn biểu tượng này vì lẽ chúng là tên gọi gợi nhớ ngay đến Hà Nội và cửa ô trong tâm tưởng là những lối nhập thành, tìm hiểu những câu chuyện của đời phố”, nhà văn chia sẻ.
Cuốn sách là những quan sát, khảo cứu kỳ công của Nguyễn Trương Quý về Hà Nội trong khoảng một trăm năm qua về những đường đi, lối lại, những phương tiện người Hà Nội sử dụng, những nơi đi, chốn ở quen thuộc cả trong đời thường và vọng tưởng.
Trong cuộc đi lại mải miết ấy, tác giả cho rằng theo vòng quay lịch sử, không gian và sự vật đổi thay đã kéo theo sự đổi thay của tâm tình người Hà Nội. Đó có thể là sự lãng quên hình ảnh các cửa ô từng hiện diện đến cuối thế kỷ XIX và thay vào đó, con người ta chỉ còn quen với những ngã năm Chợ Dừa, ngã tư Đại Cồ Việt, ngã tư Cầu Dền…
Đó cũng có thể là nỗi hoài niệm về tiếng leng keng tàu điện, thứ âm thanh khiến “người thời bao cấp và cả hậu bao cấp vẫn như được đồng hội đồng thuyền với người thời Pháp thuộc. Nó mỹ hóa ký ức của họ. Họ nhớ tàu điện là nhớ năm tháng nhọc nhằn, để rồi bồi đắp một ý niệm về vẻ đẹp khổ hạnh mà giờ đây lại thành của hiếm” như lời Nguyễn Trương Quý.
Khi đọc tập du khảo này, PGS.TS Phạm Xuân Thạch cho rằng Nguyễn Trương Quý đã tìm được hứng thú khi kể câu chuyện của mình. Hành trình tìm hiểu về Hà Nội của anh không phải là cố dựng lên một huyền thoại, mà tìm cách giải thích, cắt nghĩa xem cơ chế của những huyền thoại đó được dựng lên như thế nào.
“Cuốn sách có sự hòa hợp nhuần nhuyễn giữa khảo cứu kỳ công và chất văn thơ đầy hấp dẫn, tạo nên chân dung thành phố với dáng vẻ riêng của nó, một cảm giác thật gần gũi khi đọc về Hà Nội và nó khiến độc giả nắm bắt được trọn vẹn tâm hồn của mảnh đất này”, PGS.TS Phạm Xuân Thạch nói.
Chuyến tàu ngược thời gian
Triệu dấu chân qua những cửa ô là một trong số cuốn sách viết về Hà Nội của Nguyễn Trương Quý, nhưng điểm khác biệt ở đây là tác giả đã lần đầu tiên vẽ chân dung Hà Nội qua những bước chân đi về. Bởi thế, tác phẩm như một cuộc lãng du chầm chậm theo cả hai chiều không gian và thời gian, xen kẽ đó là những chiêm nghiệm ngậm ngùi pha lẫn nét hài hước ý nhị.
Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy cho rằng đọc cuốn sách, ta như lên một chuyến tàu, đi khám phá các không gian vì chính tác giả là người đã tạo nên những không gian đó.
“Tôi còn cảm nhận được nụ cười phảng phất trong từng trang viết. Với mỗi sự vật, hiện tượng, câu chuyện, tác giả đều đặt trong mối giao thoa cũ - mới. Người đọc có thể nhẩn nha nhấp một chén trà và nhìn lại quá khứ rồi bật cười hóm hỉnh vì tự nhìn ra sự so sánh giữa quá khứ và hiện tại”, biên tập viên Diệu Thủy nói.
“Triệu dấu dân” của Nguyễn Trương Quý không chỉ là những bước chân của kẻ thang thang dạo bộ, len qua các con ngách của Hà Nội; mà còn là hành trình trên chiếc xe đạp - thứ phương tiện từng là “bá chủ giao thông ở Hà Nội”, rồi đến ôtô, tàu điện, máy bay… Đó là những phương tiện lần lượt ra đời như tiến trình phát triển trong việc đi lại và văn hóa của người Việt.
“Tôi không biết hết các con ngõ ở Hà Nội, nhưng tôi đặc biệt hay để ý những dấu tích xưa cũ, muốn được sờ chạm vào những trầm tích của quá khứ. Tôi tin rằng tìm kiếm bóng dáng cũ không chỉ để hoài niệm mà còn để nhận diện cách ứng xử của hôm nay với hôm qua. Tôi cảm nhận được sự vận động của thành phố. Mọi phương tiện ngày nay đều thay đổi so với quá khứ, hành vi con người cũng có nhiều thay đổi, nhưng sự nhìn nhận của chúng ta vẫn có một quy luật nhất định”, nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ.
Những nhân vật anh chọn viết về đóng vai trò như những hành khách trên từng khoang riêng của chuyến tàu. Họ có thể gây chú ý ở số ghế quá đặc biệt, nhưng cũng có khi lặng lẽ lướt qua hàng ghế. Suy cho cùng, hành trình trên chuyến tàu ấy là một cuộc du ngoạn chậm rãi vòng quanh mảnh đất nghìn năm văn hiến này.
Nhận xét về tập du khảo này, nhà văn Đỗ Bích Thúy cho rằng Nguyễn Trương Quý xuất thân là một kiến trúc sư nên có sự so sánh giữa Hà Nội và các đô thị khác. Anh cũng có cái nhìn của một nhà văn nên đọc cuốn sách này, dù là một tập du khảo mang tính nghiên cứu, người đọc vẫn cảm thấy rất dễ chịu.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ve-chan-dung-ha-noi-qua-nhung-buoc-chan-di-ve-post1363225.html